08:00 | 26/11/2016
Cây bạch chỉ thường được trồng ở vùng núi cao, thời tiết lạnh như Sapa, Tam Đảo. Cây cao tầm hơn 1 mét, là loại cây sống lâu năm, rễ cây thường được thu hái, phơi khô để làm thuốc gọi là bạch chỉ. Theo Đông y, bạch chỉ có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong thấp, giải cảm cho ra mồ hôi, chữa nhức đầu, đau buốt xương khớp, mụn nhọt chảy mủ….
Bạch chỉ là vị thuốc quen thuộc trong Đông y. (Ảnh: Internet)
Dưới đây là một số bài thuốc dùng bạch chỉ được giới thiệu trong cuốn Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà:
Chữa tê thấp đau nhức: Bạch chỉ, xuyên khung, mỗi vị từ 8 – 12g; tán bột, uống với nước thuốc sắc từ ngưu tất hay rễ cỏ xước (từ 20 – 30g). Nếu sưng xương khớp thì sắc bạch chỉ 6g và hoàng đằng 12g để uống.
Chữa cảm cúm: Bạch chỉ, xuyên khung, hai vị lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi lần 2 – 3g, ngày uống 3 – 4 lần với rượu hoặc nước nóng cho ra mồ hôi. Bài thuốc này thích hợp với người cảm cúm, sốt gai rét, nhức đầu ê ẩm, thân thể đau mỏi.
Chữa mụn nhọt: Bạch chỉ, ý dĩ sao, lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi ngày 8 – 12g với nước thuốc sắc từ bồ công anh, khúc khắc, mỗi vị 10 – 20g. Bài thuốc này cũng chữa mưng mủ kéo dài, trẻ bị bỏng, thủy đậu.
Chữa đau răng, sâu răng: Lấy bột bạch chỉ, dùng tăm bông, thấm vào chân răng nơi bị đau.
Lưu ý: Người bị nóng trong người, phụ nữ mang thai không nên dùng bạch chỉ.
Hoài Anh