11:00 | 13/11/2015
Bác sĩ Hạnh Trinh chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, chai là một vùng da bị hóa sừng, do nhiều tế bào chết tạo nên. Khi bàn chân, bàn tay phải cọ xát nhiều và thường xuyên vào một vật, những cái chai sẽ xuất hiện ở điểm tiếp xúc.
Chai tay, chân khiến cho việc sinh hoạt gặp khó khăn
Ở bàn tay, thủ phạm của chai thường là bút viết, tay lái xe máy. Ở bàn chân, thường là giày, hoặc chính là xương các ngón chân ép sát vào nhau khi đi giày. Trong trường hợp này chai nằm ở giữa hai ngón chân. Chai chân còn gặp ở những người có dị tật ở bàn chân: bàn chân khum, có di chứng bại liệt ảnh hưởng tới tư thế của lòng bàn chân hoặc do tính chất di truyền.
Hiện nay, để điều trị căn bệnh này, nhiều người chia sẻ 2 cách chữa hiệu quả không cần phẫu thuật đó là bằng hành tím và muối biển.
Chia sẻ trên diễn đàn xã hội, bạn Tùy Phong cho hay, cả gia đình bạn đều bị mắc bệnh chai chân. Thậm chí căn bệnh này ở bố bạn còn nặng, khiến ông đi lại rất đau. Ông đã phải phẫu thuật để lôi cồi trong vết chai. Tuy nhiên sau một thời gian, vết chai lại tái phát.
Hành tím có khả năng ngăn ngừa vết chai sần
“Sau khi thực hiện bài thuốc của một người đàn ông dân tộc thiểu số chỉ cho, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi rửa chân thật sạch. Lấy củ hành tím giã cho thật nhuyễn rồi rịt vào vết chai, sau đó lấy miếng gạc cố định lại. Làm như vậy đều đặn trong 10 ngày, vết chai hết đau, rụng dần và thay vào là lớp da non”, bạn Tùy Phong chia sẻ.
Bên cạnh việc đắp hành, nhiều người còn chữa vết chai bằng muối biển. Đó là ngâm chỗ có chai vào nước muối biển ấm 10 – 15 phút. Nước muối sẽ làm chai nở và mềm ra. Lúc này dễ dàng bóc phần da phía trên bề mặt. Bạn có thể dùng xơ mướp để cọ rửa các vết chai nếu chúng quá cứng. Sau đó rửa lại bằng nước sạch và thoa kem dưỡng ẩm. Thực hiện cách này 3 – 4 lần/tuần sẽ giúp loại bỏ bớt các vết chai và giúp da tay mềm mại hơn. Ngoài ra, tránh cho chai mọc lại, nên bảo vệ vùng da trên bằng một miếng lót bằng nỉ, nếu ở chân, hoặc đi găng tay nếu đó là chai tay.
Muối biển giúp vết chai nở và mềm ra
“Chai chân có thể điều trị dứt điểm nếu tìm được chính xác nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, do dị vật thì chỉ cần loại bỏ được dị vật, điều trị dứt điểm nhiễm trùng, vết chai sẽ mất dần”, bác sĩ Trinh nhấn mạnh.
Đồng thời, bác sĩ Trinh khuyến cáo, khi bị chai chân nên tránh đi những đôi giày quá chật, tránh những điểm tì quá mạnh (như khi đi giày có gót cao và mũi nhỏ). Nếu ngón chân có tật, tốt hơn hết là đóng riêng một đôi giày cho phù hợp. Một số người có ngón chân cái bị biến dạng, quèo ra phía ngoài, có thể đục lỗ trong lớp lót giày, dành một khoảng không cho ngón chân này.
Bình An