Nguy cơ gia tăng bệnh đau mắt đỏ do thời tiết bất thường

01:00 | 04/08/2015

Mưa lũ, thời tiết giao mùa từ hè sang thu... là điều kiện làm bùng phát đau mắt đỏ. Theo Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế, người dân cần có biện pháp chủ động phòng tránh căn bệnh này.

Theo bác sĩ Lê Xuân Thủy (Cục Y tế dự phòng), nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa...

Vào thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho rằng: bệnh đau mắt đỏ rất dễ nhận biết. Triệu chứng ban đầu thường là sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành. Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: các triệu chứng thoái biến, mắt trắng dần ra.

Để điều trị căn bệnh này, theo bác sĩ Cương, người bệnh cần nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo có độ nhớt thấp; Kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid làm giảm ra gỉ, đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị. Tuy nhiên, không nên dùng kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, lãng phí tiền bạc, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.

Theo Cục Y tế Dự phòng, để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh đau mắt đỏ.

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Bảo An

Tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nguy-co-gia-tang-benh-dau-mat-do-do-thoi-tiet-bat-thuong-55559.html

In bài viết