Giúp bé giảm đau, sốt khi tiêm phòng

06:00 | 25/12/2015

Hôm nay 25/12, nhiều trung tâm y tế dự phòng, phòng tiêm chủng bắt đầu tiêm vắc-xin 5 trong 1 cho các bé. Dưới đây là một số mẹo bỏ túi sẽ giúp cho bé bớt đau, giảm sốt sau khi tiêm vắc-xin về.

Dùng tía tô

Theo lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, tía tô là một vị thuốc có tác dụng trừ phong hàn, giải cảm phong hàn, làm ra mồ hôi, hạ sốt và giải độc rất tốt.

Đối với những bé bú sữa mẹ, trước ngày đi tiêm phòng, mẹ hãy ăn khoảng chục ngọn tía tô rồi cho con bú càng nhiều càng tốt. Đối với những bé không bú sữa mẹ thì mẹ có thể lấy vài ngọn tía tô, rửa sạch, giã và lọc lấy nước uống cho con. Chất kháng sinh có trong tía tô sẽ giúp con không bị sốt nữa.

Chườm vào vết tiêm

Ngoài ra, sau khi bé tiêm ngừa, các mẹ lấy bông y tế day vào chỗ tiêm cho khô sau đó chườm lạnh bằng cách mang theo sẵn khăn lạnh cất trong túi giữ lạnh. Cách khác là dán một miếng dán hạ sốt vào chỗ tiêm, bé sẽ không đau mà giảm được sốt, không quấy khóc.

Chú ý: không được thoa đá trực tiếp lên da của bé vì da trẻ con rất mỏng nên rất dễ bị bỏng lạnh. Khi trẻ đã đỡ đau hơn, bạn có thể bọc đá trong một chiếc khăn cotton, áp lên da của bé trong vài giây rồi nhanh chóng lấy ra. Chỉ cần chườm đá như vậy từ 2 đến 3 lần trong ngày là được. Chú ý, trước khi chườm đá bạn nên rửa tay thật sạch để tránh làm nhiễm trùng vết tiêm trên da của con mình.

Uống nước sắn dây, đỗ đen

Lương y Hải cho biết các mẹ có thể cho con uống thêm sắn dây hay uống nước đỗ đen cũng ngăn ngừa và làm giảm cơn sốt.

Cho trẻ bú thường xuyên hơn

Cảm giác thèm ăn của trẻ sẽ bị suy giảm sau khi được tiêm vắc-xin hoặc trẻ sẽ không thích thú với chuyện ăn uống như bình thường vì đang bị đau. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không để trẻ bỏ bữa trong thời điểm này vì điều này chỉ làm cho tình hình trở nên tệ hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tình trạng mất nước đi kèm với các cơn sốt nhẹ thường xảy ra sau khi tiêm vắc-xin sẽ không có lợi cho trẻ.

Do đó, bạn nên cho con mình bú thường xuyên hơn. Đây là cách vừa giúp trẻ có đủ lượng nước mà cơ thể chúng đang cần, vừa góp phần làm dịu cảm giác khó chịu do các cơn đau gây ra. Đối với những trẻ không bú mẹ, bạn nên cho chúng uống nhiều nước và chia nhỏ những bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu trẻ không muốn ăn.

Bôi lòng trắng trứng gà

Nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con sau tiêm ở trên các diễn đàn như sau: Sau khi tiêm cho con thì lấy lòng trắng trứng gà (gà ta nhé, gà công nghiệp vừa tanh mà không mát) bôi lên chỗ tiêm, cứ để khô không lau đi, thỉnh thoảng bôi lại. Với cách làm này, vết tiêm của bé không bị tấy đỏ và sưng đau.

Không nên tắm cho bé

Sau khi tiêm xong, chỗ tiêm sẽ có một cái lỗ nhỏ, nếu cái lỗ tiêm đó tiếp xúc với nguồn nước không sạch, chất bẩn sẽ len lỏi vào trong, có thể gây phản ứng như tấy đỏ, sưng, đơ cứng. Khi xuất hiện phản ứng sưng tấy rất khó phân biệt do nguyên nhân gì gây ra.

Chơi cùng con

Sau khi tiêm xong nhiều trẻ cảm thấy đau nhức, khó chịu, quấy khóc. Lúc này bố mẹ hãy chơi với con, kể chuyện, hát, vui đùa, hoặc cho trẻ xem các chương trình trẻ yêu thích để giúp bé quên đi cảm giác đau đang hoành hành.

Nếu bé cảm thấy đau quá, bố mẹ hãy đừng bắt bé đi hay vận động, hãy ôm bé vào lòng, vỗ về để giúp bé quên đi cơn đau.

Bảo An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giup-be-giam-dau-sot-khi-tiem-phong-55298.html

In bài viết