Ăn dặm không phải là “cuộc chiến”

11:30 | 13/08/2015

Giai đoạn cho con ăn dặm được các mẹ đặc biệt lưu tâm và tốn nhiều công sức chuẩn bị. Tuy nhiên, làm sao để trẻ có được bữa ăn vui vẻ, không phải là chuyện dễ. Thực tế, có nhiều trường hợp mà cả mẹ lẫn con xem ăn dặm không khác một "cuộc chiến".

Chọn thời điểm ăn dặm không thích hợp, ép con ăn bằng mọi giá, nêm gia vị vào món ăn, cho trẻ ăn quá nhiều đạm... là những sai lầm các mẹ thường mắc phải trong giai đoạn đầu cho trẻ ăn dặm.

Chọn sai thời điểm cho bé ăn dặm

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, tròn 6 tháng (ngày đầu tiên của tháng thứ 7) là thời điểm thích hợp để mẹ bắt đầu cho trẻ làm quen với ăn dặm. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bà mẹ vì lý do nào đó, cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn. “Mới 4 tháng tuổi nhưng bé nhà tôi đã biết... đòi ăn. Khi thấy người lớn ăn cơm, cháu chóp chép miệng nhai, nhìn rất tội. Tôi cho ăn thử bột, cháo thì thấy bé ăn ngon lành” – chị Lan (Quận Cầu Giấy) cho biết lý do khiến chị cho con ăn dặm sớm. Còn chị Ngọc (Thanh Hóa) thì cho con ăn dặm lúc 3 tháng tuổi vì “kinh tế gia đình eo hẹp, sữa bột giá cao, mà tôi thì không đủ sữa cho cháu bú...”. Cho trẻ ăn dặm sớm, khi hệ tiêu hóa chưa sẵn sàng, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, tổn thương dạ dày, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, ít bú mẹ về sau...

an da m khong pha i la cuo c chie n

Đồng thời, mẹ phải xem xét các dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng cho “hành trình” ăn dặm của mình. Đó là việc em bé bắt buộc phải biết ngồi thẳng lưng, và giữ được cổ của mình thẳng, không “gật gù”. Điều này rất quan trọng vì chỉ khi ngồi thẳng lưng và giữ cổ của mình chắc chắn rồi, bé mới không bị sặc, trớ và không bị tổn thương trong khi nuốt.

Biến ăn dặm trở thành “cuộc chiến”

Quá lo lắng con mình thiếu chất dinh dưỡng nên ngay từ những buổi đầu trẻ tập ăn dặm, các mẹ cố gắng cho con ăn thật nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo. Song, chính việc ăn quá nhiều là tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa còn non của trẻ. Trẻ cần có lượng thức ăn phù hợp để hệ tiêu hóa thích nghi dần, từ ít đến nhiều, từ thức ăn loãng sang đặc, từ vị ngọt đến vị mặn, từ thịt đến hải sản... Mỗi món mới, mẹ nên cho trẻ ăn thử nghiệm với một lượng ít để theo dõi phản ứng.

an da m khong pha i la cuo c chie n

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mẹ biến bữa ăn của con thành “cuộc chiến”. Mẹ cố ép con ăn bằng mọi cách. Năn nỉ, dỗ dành đến dọa nạt, thậm chí đánh đòn để con chịu ăn. Đây là một sai lầm khá phổ biến. Trải qua những bữa ăn bị “tra tấn tâm lý” như vậy, dần dần trẻ hình thành thói quen sợ ăn, biếng ăn. Ăn trong tâm trạng vui vẻ, thoải mái sẽ giúp trẻ hấp thu tốt hơn rất nhiều. Vì vậy, những bữa ăn đầu tiên, mẹ tuyệt đối không ép trẻ. Ăn ít, thậm chí chỉ 1, 2 thìa cũng không vấn đề gì. Hãy cho con trẻ thời gian để thích nghi với điều mới lạ.

Không nên kéo bữa ăn của trẻ quá 30 – 40 phút. Mẹ chỉ nên “gói gọn” bữa ăn của bé trong khoảng thời gian hợp lý để vừa không làm mất chất dinh dưỡng bữa ăn, vừa tạo tính tập trung cho trẻ khi ăn. Tránh tình trạng bế trẻ dọc xóm, dọc đường trong khia ăn, làm mất vệ sinh món ăn và trẻ thiếu tập trung.

Chế biến thức ăn thiếu khoa học

Nêm gia vị vào món ăn đối với trẻ dưới 1 tuổi: Đây là sai lầm nhiều mẹ thường mắc phải. Vị giác của bé dưới 1 tuổi tốt hơn người lớn rất nhiều. Chính vì vậy, khi mẹ nêm vừa miệng mình thì có thể đối với bé là quá mặn hoặc quá ngọt. Chưa kể, thức ăn mặn sẽ làm tổn thương quả thận còn non của bé. Bởi vì lúc này, thận của trẻ yếu, chưa quen với việc lọc muối, đường hay các gia vị khác… Hơn nữa, những loại gia vị đó, sau khi nêm sẽ sinh ra lượng axit đáng kể trong dạ dày lúc trẻ ăn, gây khó tiêu, nôn trớ, “ậm ạch” sau đó. Mẹ nên lưu ý, khi nấu cháo, bột với thức ăn thì cá, thịt, rau, củ... đã tạo ra hương vị riêng cho món ăn của bé. Trẻ sẽ không thấy “nhạt miệng” như người lớn... tưởng tượng.

an da m khong pha i la cuo c chie n

Cho cháo, bột nhuyễn vào bình sữa để bé bú: Đối với trẻ biếng ăn, một số mẹ nghĩ ra cách cho cháo, bột nhuyễn vào bình để bé bú như... sữa. Đây cũng là một sai lầm. Khi cho bé ăn bằng bình, mẹ không thể biết thức ăn của bé nóng hay nguội. Cháo, bột quá nóng khiến miệng trẻ tổn thương, còn nguội quá mất chất dinh dưỡng bữa ăn của bé. Bên cạnh đó, ăn bằng bình, bé sẽ nuốt nhiều hơi vào bụng, mau có cảm giác no, nhưng đây thực ra là no hơi. Bé dễ bị nôn và kết quả là ăn được rất ít. Bạn nên tập cho trẻ ăn bằng bát và thìa.

Hâm đi hâm lại nhiều lần: Công việc bận rộn làm các mẹ ít có thời gian chuẩn bị mỗi bữa ăn cho con. Vậy nên, nhiều mẹ chọn cách nấu 1 lần để cho con ăn cả ngày. Tuy nhiên, khi hâm đi hâm lại, lượng vitamin trong rau, củ mất đi gần hết và cháo có mùi vị khó ăn. Cách tốt nhất để không mất thời gian của mẹ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn của bé là nấu một nồi cháo trắng khoảng 3 bát, rồi múc ra từng phần vừa ăn để vào tủ lạnh. Đến bữac ăn, mẹ chỉ cần lấy ra một bát, nấu với thức ăn (thịt, cá, tôm hoặc trứng) và rau, củ là đã được bát cháo ngon lành.

Không cho hoặc cho rất ít dầu: Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bữa ăn không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Dầu ăn dễ tiêu hóa, giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu. Theo từng giai đoạn, mẹ nên bổ sung vào mỗi bữa ăn của con các loại dầu: gấc, mè, ô liu hay dầu cá.

Quá ưu tiên đạm: Với mong muốn cung cấp thật dồi dào, đa dạng dưỡng chất cho con nên một số mẹ thường có thói quen cho nhiều thịt, cá, tôm, trứng,… vào một lần ăn của con. Song, lượng đạm quá nhiều không những làm trẻ rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến biếng ăn.

an da m khong pha i la cuo c chie n

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên, bữa ăn của bé phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm sau:
- Chất bột đường: Gạo, bột, yến mạch...
- Chất đạm: Cá, thịt, trứng, tôm...
- Vitamin và khoáng chất: Rau xanh, củ...
- Chất béo: Mỡ động vật, dầu ăn (mè, gấc, ô liu, dầu cá...)

Các mẹ nên tránh những sai lầm trong quá trình chế biến cũng như khi cho con ăn, để biến "hành trình" ăn dặm của trẻ trở nên thú vị và chất lượng.

Dưới đây là gợi ý của bác sĩ về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ và sữa mẹ hoặc sữa công thức):

6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 - 200 ml
8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.
10-12 tháng: 3 bữa bột đặc 200 ml - 250 ml
12 - 24 tháng: 3 bữa cháo 250 - 300 ml
24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình
Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị, có thể thay đổi thời gian và số bữa.

Thảo Miên

Tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/an-da-m-khong-pha-i-la-cuo-c-chie-n-55222.html

In bài viết