Gặp mặt con các liệt sỹ và đoàn "Dự án hai phía": Mất mát, nỗi đau và tình hữu nghị

08:16 | 28/11/2018

TĐO-Buổi giao lưu giữa những người con của liệt sỹ nói lên tinh thần hữu nghị, sự cảm thông với tinh nhân văn cao, đồng thời truyền đi thông điệp phát triển hoạt động đối ngoại nhân dân, cũng như các mối quan hệ vì sự phát triển toàn diện chung của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi gặp đầy xúc động giữa con các liệt sỹ Việt Nam với đoàn “Dự án hai phía” (Two Sides Project -2SP) là con của các binh sỹ Mỹ tử trận và mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam, do bà Margot C. Dolgne, Giám đốc 2SP làm Trưởng đoàn nhân dịp sang thăm Việt Nam.

Tham dự có 17 người là con em thân nhân liệt sỹ Việt Nam và 6 người có bố là binh sỹ Mỹ đã tử trận (KIA) hoặc còn mất tích (MIA) trong chiến tranh ở Việt Nam và Đại tá Trần Ngọc Dần - Trưởng ban Đối ngoại, Trung ương Hội Cựu chiến binh cùng một số cựu chiến binh Việt Nam.

gap mat con cac liet sy va doan du an hai phia mat mat noi dau va tinh huu nghi

Đoàn các con liệt sỹ Việt Nam tham gia cuộc giao lưu-gặp gỡ với các con quân nhân tử trận và cựu chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Mở đầu buổi giao lưu, Tổng Thư ký Hội Việt – Mỹ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Châu Mỹ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Văn Nghị hoan nghênh tình hữu nghị và thiện ý của đoàn; mong muốn sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên lâu dài với 2SP.

Hai bên sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn, nhất là giữa thế hệ trẻ, góp phần củng cố thông điệp hòa bình và hữu nghị, tiếp tục phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Thay mặt đoàn 2SP, bà Margot C. Delogne cám ơn Hội Việt – Mỹ đã giúp đỡ 2SP trong các hoạt động tại Việt Nam. Bà chia sẻ nhiều cảm xúc trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2015 và hy vọng sẽ cùng những người bạn đến thăm Việt Nam thường xuyên hơn.

Chia sẻ nỗi đau từ hai phía

Tại buổi giao lưu, hai bên đã có dịp chia sẻ những câu chuyện về gia đình, cùng khóc, cùng cười với tất cả sự đồng cảm, cảm thông và chia sẻ sâu sắc với nhau; đồng thời thể hiện mong muốn khép lại quá khứ đau thương, để cùng hướng đến tương lai hợp tác tốt đẹp của hai phía.

Những người con của liệt sỹ Việt Nam hay Mỹ, dù hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều cùng chung một nỗi đau, một nỗi mất mát không gì bù đắp được khi mất đi người cha, người mẹ khi còn rất nhỏ. Chính họ là người hiểu hơn ai hết về hậu quả nặng nề của chiến tranh và sự vô giá của hòa bình.

Sáu người trong đoàn 2SP đều có cha hy sinh trong cuộc chiến tại Việt Nam khi họ còn rất nhỏ. Trong đó, cha bà Margot, người sáng lập dự án 2SP, và chị gái Kim Carlson Benner, phục vụ trong Không quân khi chiến tranh xảy ra. Máy bay của ông đã bị bắn rơi gần Biên Hòa năm 1966 khi hai chị em mới 2 và 4 tuổi. Thi thể của ông đến nay vẫn chưa được tìm thấy và vẫn đang nằm trong danh sách các binh sỹ mất tích trong chiến đấu (MIA).

Bà Margot đã sáng lập dự án 2 Phía năm 2015 sau khi tìm hiểu thấy rằng những con tử sỹ Mỹ và Việt Nam trong chiến tranh có thể và cần phải kết nối với nhau để tăng cường hiểu biết và hàn gắn vết thương.

Bà bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi được đến Việt Nam lần thứ hai và gặp gỡ con của liệt sỹ Việt Nam - những người từng ở bên kia chiến tuyến nhưng đều là những người mang trong mình nỗi đau mất đi cha hoặc mẹ vì chiến tranh.

Còn cha bà Susan Mitchell-Mattera, Cố vấn Cao cấp dự án 2SP, do biết tiếng Việt và đã làm thông dịch viên cho Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ khi chiến tranh tại Việt Nam xảy ra. Ông hy sinh năm 1970, lúc đó Susan tròn 6 tuổi.

Bà đã tham gia chuyến thăm đầu tiên của dự án 2SP tới Việt Nam năm 2015. Quay lại Việt Nam lần này vì tình yêu đất nước Việt Nam, bà mong muốn gặp gỡ thêm con cháu của những người Việt Nam và hỗ trợ những thành viên khác của dự án.

gap mat con cac liet sy va doan du an hai phia mat mat noi dau va tinh huu nghi

Bà Đỗ Thị Kim Lương ngắm bức ảnh chụp chung với đoàn 2SP tại Phủ Chủ tịch sáng 27/11.

Trong 17 người là con em thân nhân liệt sỹ Việt Nam, phần lớn họ đều mất đi người cha trong khi còn rất nhỏ, “như con thuyền mất đi người thuyền trưởng, phải một mình chống chọi trong giông bão”, thì bà Đỗ Thị Kim Lương lại đặc biệt hơn cả.

Mẹ của bà - cô giáo, liệt sỹ Chu Thị Ngọ - đã hy sinh khi đưa các học sinh xuống hầm trú ẩn trong một trận bom của quân đội Mỹ xuống Hà Nội năm 1967. Ngay cả giây phút cuối đời, cô cũng ôm trọn em học sinh cuối cùng vào lòng mình, hứng chịu bom đạn, gạch, đất ập lên người mong được che chở cho em.

Còn bà Văn Thị Kim Cúc chỉ mới hơn 1 tuổi khi cha mình hy sinh tại Khe Sanh, đường 9 Nam Lào năm 1965. Bà tâm sự: "Thiếu vắng đi người cha hay người mẹ giống như một khuyết tật sẽ đi theo con người ta cả cuộc đời. Từ nhỏ đến lớn, dù cố gắng như thế nào thì cảm giác cô độc vẫn luôn thường trực trong bà".

Đến với buổi giao lưu, bà chỉ muốn bày tỏ hai mong muốn. Đầu tiên, mong bên phía Mỹ sẽ giúp nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt vấn đề chất độc da cam. Gia đình bà dù cả cha, chú và anh đều hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nhưng họ vẫn may mắn hơn rất nhiều gia đình phải hứng chịu hậu quả nặng nề do chất độc này gây ra; những đứa trẻ được sinh ra tiếp tục phải chịu các dị tật bẩm sinh mà không thể chữa khỏi.

Mong muốn thứ hai của bà và cũng là mong muốn của tất cả những người có mặt trong buổi giao lưu, trên thế giới sẽ không còn những cuộc chiến tranh vô nghĩa nữa.

Bà cảm ơn Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Việt – Mỹ đã tổ chức buổi giao lưu này cho một thế hệ sau chiến tranh muốn hàn gắn và tiến về phía trước. Qua những buổi gặp gỡ như thế này, hai đất nước rất riêng về văn hóa và cũng rất chung về con người với nỗi đau mang tính phổ quát, xích lại gần hơn.

gap mat con cac liet sy va doan du an hai phia mat mat noi dau va tinh huu nghi

Tại buổi chiếu phim.

Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm, tìm hiểu Việt Nam của Đoàn 2SP, Hội Việt-Mỹ tổ chức trình chiếu bộ phim tài liệu “The 2 Sides Project."

Bộ phim đi theo bước chân của 6 người con quân nhân Mỹ trên hành trình khám phá một đất nước, một dân tộc có lịch sử gắn liền với cuộc đời họ - nơi cha họ đã mãi mãi nằm xuống và không bao giờ trở về.

Chuyến đi lần đầu đến Việt Nam

Tháng 12/2015, được phép của Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, Đoàn đại biểu 2SP là con những quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh tại Việt Nam, sang thăm Việt Nam và gặp gỡ những người con của liệt sỹ là người Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn gồm 8 người, trong đó có 6 người là con quân nhân Mỹ tử trận, 2 người là phóng viên quay phim, chụp ảnh và biên tập, với mục đích ban đầu là để ghi tư liệu về chuyến thăm Việt Nam. Nhưng từ diễn biến trong chuyến đi, với những hình ảnh sinh động diễn ra trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, đã thôi thúc ý tưởng của bà Margot và các thành viên trong đoàn thực hiện được một bộ phim tài liệu về sự kiện này với đầy ắp những tư liệu mang tính nhân văn.

gap mat con cac liet sy va doan du an hai phia mat mat noi dau va tinh huu nghi

Hai bờ chiến tuyến nay trở thành những người bạn.

Được trích lọc hình ảnh từ 150 giờ ghi hình chuyến đi của những người con Mỹ thăm viếng nơi cha mình qua đời, những trải nghiệm giàu cảm xúc của họ với đất nước Việt Nam, bộ phim tài liệu “The 2 Sides Project" dài 1 giờ 40 phút, đã ra đời.

Những nhân vật trong bộ phim dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đau đáu với quá khứ, luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đã đeo đẳng họ suốt nửa cuộc đời.

Bộ phim hoàn thành vào năm 2017, sau đó đã được trình chiếu tại Mỹ, đồng thời tham gia Festival phim tài liệu về lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam và Iraq; và đã đoạt giải thưởng “Phim tài liệu dài nhất” và “Phim tài liệu có tính nhân văn cao nhất”.

M.A

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gap-mat-con-cac-liet-sy-va-doan-du-an-hai-phia-mat-mat-noi-dau-va-tinh-huu-nghi-55050.html

In bài viết