Childfund Việt Nam: Tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em Cao Bằng

08:34 | 06/04/2018

Mô hình “Bảo vệ trẻ em (TE) dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2015 - 2017” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với tổ chức Childfund Việt Nam tại Cao Bằng tổ chức thời gian qua đã tạo điều kiện cho TE nâng cao kỹ năng sống, phát triển toàn diện, góp phần tích cực cùng các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn cho TE.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của xã hội quan tâm, bảo vệ TE, Sở LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích; kỹ năng phòng tránh xâm hại, giúp đỡ TE hoàn cảnh khó khăn; kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE, phòng ngừa xâm hại tình dục TE; triển khai các mô hình: “Câu lạc bộ nuôi con khỏe”, “Gia đình không có người nghiện”; kiểm tra các khu vui chơi, giải trí, nhóm trẻ, nhà trẻ tư thục…

Cùng với tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH tích cực thực hiện công tác hỗ trợ TE. TE hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 130 TE bị bỏ rơi không nơi nương tựa được làm thủ tục về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để chăm sóc, nuôi dưỡng; 179 TE khuyết tật, bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật; 100% TE bị xâm hại được hỗ trợ, chăm sóc y tế phục hồi thể chất, tinh thần; TE bị nhiễm HIV/AIDS được theo dõi sức khỏe điều trị tích cực, hưởng các chính sách xã hội; TE được tiếp cận giáo dục, y tế, học nghề, được tổ chức vui chơi trong các ngày tết, lễ…

childfund viet nam tao moi truong song lanh manh cho tre em cao bang

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường Mầm non 1-6 (Thành phố).

Đối với công tác hỗ trợ TE, công tác can thiệp TE khi có hành vi xâm hại quyền TE được triển khai đến tận thôn, bản. Việc phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho TE và nguy cơ dẫn đến TE rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bị xâm hại được quan tâm đặc biệt. Cán bộ văn hóa, tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn luôn theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin về TE trên địa bàn và tổ chức nhiều hoạt động vì TE, như: “Diễn đàn trẻ em”, “Tháng hành động vì trẻ em”… Thăm hỏi, động viên gia đình TE gặp khó khăn, hoạn nạn. Các em bị xâm hại về sức khỏe, tinh thần… được cán bộ xã, y tế xã, thôn, bản kịp thời đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tinh thần, kinh phí, tư vấn pháp lý cho gia đình nhằm ổn định cuộc sống, tinh thần cho các em. Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp nắm bắt tình hình, khi nhận được thông tin trẻ bị xâm hại, kịp thời vào cuộc điều tra, làm rõ đối tượng xâm hại để xử lý theo pháp luật, đảm bảo quyền TE theo quy định pháp luật.

Hai huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên triển khai hiệu quả Mô hình “Bảo vệ TE dựa vào cộng đồng” tại 13 xã, thị trấn với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Mô hình triển khai nhiều hoạt động về chăm sóc, bảo vệ TE, như: Truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực, trách nhiệm, nhận thức cho thành viên gia đình TE, cán bộ xã, người dân, giáo viên về chăm sóc, bảo vệ TE; xây dựng, nhân rộng các mô hình trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ TE. Qua đó, thu hút gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và TE tham gia vào các hoạt động TE, thay đổi hành vi về bảo vệ TE. Đến nay, hệ thống bảo vệ TE thành lập hoạt động từ huyện đến xóm; các xã tham gia mô hình có dịch vụ kết nối bảo vệ TE (tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục…), duy trì truyền thông đường dây nóng 111, số điện thoại để kết nối với công an… TE mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn hoặc mắc tệ nạn xã hội, trẻ đang có ý định bỏ học, nguy cơ tảo hôn… ở thôn, xóm được cán bộ xã và tình nguyện viên quan tâm đến chia sẻ và tư vấn, tập huấn kỹ năng sống cho các em để nâng cao khả năng thích ứng, tự bảo vệ mình; trợ giúp hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho TE và gia đình…

Ông Giáp Văn Cương, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Uyên, Tổ trưởng thực hiện mô hình của tổ chức Childfund tại huyện cho biết: Huyện Quảng Uyên triển khai Mô hình “Bảo vệ TE dựa vào cộng đồng” tại 7/17 xã. Qua triển khai mô hình, 85% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc TE xã và cộng tác viên, tình nguyện viên, gia đình, trường học được nâng cao năng lực, thay đổi hành vi bảo vệ TE. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ TE từ cấp huyện, xã, xóm, trường học đều có cán bộ huyện, xã, giáo viên, tình nguyện viên tham gia nhiệt tình. Qua đó, 100% TE khuyết tật, bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa và TE được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực… được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, can thiệp trợ giúp pháp lý, tinh thần… Không có TE lang thang, bị lao động nặng nhọc, nguy hiểm và không có TE vi phạm pháp luật.

Hiệu quả Mô hình “Bảo vệ TE dựa vào cộng đồng” không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp xã hội về bảo vệ, chăm sóc TE mà còn góp phần xây dựng đạt trên 140 xã, phường phù hợp với TE. Bên cạnh hiệu quả tích cực của mô hình vẫn còn những vấn đề TE cần được xã hội tiếp tục quan tâm vào cuộc.

Trường Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/childfund-viet-nam-tao-moi-truong-song-lanh-manh-cho-tre-em-cao-bang-54955.html

In bài viết