Người thức tỉnh vụ thảm sát Mỹ Lai

10:21 | 31/03/2018

TĐO - Chiều 30/3, tại Hà Nội, Hội Việt – Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức chiếu bộ phim 'Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai' (The Whistleblower of My Lai) và giao lưu với đạo diễn Connie Field nhân dịp tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (1968 – 2018).

nguoi thuc tinh vu tham sat my lai

Tại buổi chiếu phim 'Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai' tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Minh Phương)

Tham dự buổi chiếu phim có Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nữ đạo diễn Mỹ Connie Field và đông đảo các cựu chiến binh, các em sinh viên và hội viên Hội Việt – Mỹ, cán bộ nhân viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, buổi trình chiếu bộ phim là một hoạt động ý nghĩa của Hội Việt – Mỹ tổ chức nhằm tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai; đồng thời cũng giới thiệu cho các đạo diễn, các nhà chuyên môn về một bộ phim tài liệu nhưng vẫn giàu tính nghệ thuật, lên án hành động dã man của một số binh sỹ Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

“Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai” khắc họa chuyến hành trình giàu giá trị nghệ thuật của tứ tấu Kronos cùng nhà soạn nhạc Jonathan Berger và nghệ sỹ đàn tranh Việt Nam Vanessa Võ Vân Ánh khi họ cùng thể hiện và biểu diễn tác phẩm opera đặc biệt kể câu chuyện về cuộc thảm sát tại Mỹ Lai, một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam.

Đó là câu chuyện được kể bởi Chuẩn úy Hugh Thompson (do ca sĩ opera nổi tiếng Rinde Eckert-on thủ vai), phi công trực thăng quân đội Mỹ – người đã phát hiện và đưa sự việc ra ánh sáng. Quyết định từ chối giữ im lặng của ông về cuộc thảm sát 500 thường dân vô tội bị sát hại tại Mỹ Lai do quân lính Mỹ gây ra năm 1968 đã buộc quân đội Mỹ phải tiến hành cuộc điểu tra gây chấn động dư luận.

nguoi thuc tinh vu tham sat my lai

Người xem bị cuốn hút vào bộ phim. (Ảnh: Minh Phương)

Khác với các bộ phim tài liệu xoay quanh một vụ thảm sát, “Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai” lại được nhìn nhận ở góc độ của một đạo diễn đang dựng lại vở nhạc kịch đơn tuyến/đơn thoại về bi kịch chiến tranh và ở góc độ tâm lý bị tổn thương sâu sắc của chuẩn úy Hugh Thompson - người đã bị xem là một kẻ phản bội khi quyết định ngăn cản và lên tiếng tố cáo tội ác này.

Vở opera thính phòng, đơn tuyến nhân vật, chỉ gồm ba hồi, ứng với ba lần trực thăng của Hugh Thompson và đồng đội (Lawrence Colburn, Glenn Andreotta) hạ cánh chống lại và ngăn cản “đồng đội” nổ súng vào người vô tội.

“Thông qua bộ phim, chúng tôi muốn hé mở cho người ta thấy phần tốt nhất và xấu nhất trong mỗi con người. Và hy vọng vẫn le lói dù trong hoàn cảnh tối tăm nhất,” nữ đạo diễn Mỹ Connie Field nói.

Bộ phim được thực hiện từ năm 2015, khi vở opera trong giai đoạn diễn tập, và hoàn chỉnh kịp thời điểm công chiếu tại Việt Nam năm nay, đúng 50 năm kỷ niệm cuộc thảm sát.

nguoi thuc tinh vu tham sat my lai

Nữ đạo diễn Connie Field giao lưu với khán giả tại buổi chiếu phim. (Ảnh: Minh Phương)

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi xem sau bộ phim đã rất xúc động và cảm ơn đạo diễn Connie đã mang đến một bộ phim tuyệt vời: "Tôi đã xem rất nhiều bộ phim về chiến tranh Việt Nam, bộ phim này có cách tiếp cận đặc biệt. Bộ phim toát lên triết lý "Trong bức tranh đen tối nhất, tăm tối nhất, ở nơi tội ác hoành hành nhất, chúng ta cũng đừng tuyệt vọng vì ở đó vẫn tóe lên những đốm sáng, tóe lên những tia sáng của lương tri của con người". Cụ thể ở trong bộ phim này là Thompson và hôm nay chúng ta được xem tia sáng le lói, tia sáng nhân tính đó".

“Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một bộ phim tài liệu kết hợp với sức mạnh của opera, của âm nhạc và đặc biệt những lời ca từ do ca sỹ opera nổi tiếng Rinde Eckert-on truyền đạt, đã nói lên tất cả những gì ở trong con người. Đạo diễn Connie đã dùng vở opera để nói lên những cảm xúc giằng xé, tâm hồn, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của ba viên phi công này, cái mà phim tài liệu thông thường không thể làm được. Có thể nói đây cách làm của bà rất táo bạo, rất cách tân,” đạo diễn Đặng Nhật Minh nói tiếp.

nguoi thuc tinh vu tham sat my lai

Phi công trực thăng Hugh Thompson trong một bức ảnh tài liệu được lồng trong bộ phim. (Ảnh: Minh Phương)

Còn với ông Phạm Trung Tín, một cựu chiến binh được Hội Việt-Mỹ mời đến buổi chiếu phim cho rằng, sự can thiệp dũng cảm của anh lính Thompson và hai đồng đội thể hiện một tình bạn giữa người Mỹ và người Việt Nam: Tôi đã có dịp đến thăm Mỹ Lai và 50 năm qua, trong lòng tôi, trong ký ức của tôi không bao giờ quên được tội ác đã xảy ra ở đây. Nhưng bây giờ, sau khi xem xong bộ phim, tôi cảm thấy bà đạo diễn đã rất tài tình và khéo léo, lựa chọn một khía cạnh tích cực là người lính Mỹ Thompson để thể hiện trong bộ phim của mình. Người mà đã ba lần đáp trực thăng xuống và cứu mạng sống của một số người dân, dù là ít ỏi trong số hơn 500 người bị giết hại…

Trong bộ phim, cũng có sự kết hợp những nhạc cụ phương Tây có cả nhạc cụ của Việt Nam (đàn T’rưng và chiếc cồng làm bằng vỏ đạn Mỹ) do người Việt Nam biểu diễn. Theo ông, sự kết hợp đó nói lên một tinh thần gắn bó, đoàn kết giữa người Mỹ và người Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời, qua bộ phim này cho chúng ta thấy cái tốt đẹp, cái hữu nghị và cái thiện giữa người Mỹ và người Việt Nam luôn có một sức sống và sẽ hỗ trợ chúng ta đi tiếp con đường hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân yêu chuộng hòa bình nói chung và giữa nhân dân hai nước nói riêng.

Đạo diễn Connie Field là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng. Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh và đã đạt được nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng John Grierson Award cho nhà làm phim tài liệu xã hội xuất sắc nhất, giải Primetime Emmy, Giải Nomurae của Học viện Anh, Phim hay nhất & Phim tài liệu xuất sắc nhất từ giới phê bình và nhiều giải thưởng khác. Connie Field cũng từng được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu hay nhất.

Hiền Trịnh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nguoi-thuc-tinh-vu-tham-sat-my-lai-54942.html

In bài viết