Tạo môi trường làm việc không có bạo lực giới cho 5.000 công nhân ngành may mặc Việt Nam

09:42 | 09/03/2018

TĐO – Ngày 8/3/2018 tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tổ chức lễ khởi động dự án “Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới trong ngành may mặc”. Dự án do quỹ C&A tài trợ thông qua Quỹ phụ nữ toàn cầu.

Nạn quấy rối tình dục tại các nhà máy may mặc ở nhiều nước trên thế giới hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Theo một nghiên cứu của tổ chức CARE Campuchia năm 2017, cứ 3 nữ công nhân may thì có một người từng gặp phải hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng xâm hại tình dục ở các nhà máy ở Việt Nam thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 18-30 mà thủ phạm thường là người quản lý và cấp trên của nạn nhân.

Nhằm giải quyết vấn đề này, dự án “Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới trong ngành may mặc” được thực hiện nhằm nâng cao năng lực, tiếng nói và bảo vệ quyền của nữ công nhân ngành may mặc thông qua các cơ chế bảo vệ nhằm chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc một cách hiệu quả. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong vòng 3 năm (2018-2020) tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Ở mỗi TP, dự án sẽ thành lập 4 Nhóm hoạt động địa phương chống quấy rối tình dục (LAGASHs) tại 2 nhà máy may mặc. Mỗi LAGASHs sẽ gồm 10 công nhân may mặc là đại diện của các nhà máy.

ta o moi truo ng la m vie c khong co ba o lu c gio i cho 5000 cong nhan nga nh may ma c vie t nam

Bà Nguyễn Phương Thúy, Trưởng phòng Chính sách và Truyền thông AAV giới thiệu tổng quan dự án.

Để đạt được mục tiêu, dự án sẽ tập trung vào ba hoạt động chính. Thứ nhất, các hoạt động của dự án trao quyền cho nữ công nhân may – những người là nạn nhân, hoặc có nguy cơ là nạn nhân của quấy rối tình dục. Các nữ công nhân sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết về cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền phụ nữ, quyền tự chủ về tình dục và an toàn cơ thể... để họ nâng cao nhận thức và có thể lên tiếng yêu cầu quyền của mình. Đặc biệt, những thành viên của nhóm LAGASHs sẽ làm nòng cốt, hoạt động tích cực để khuyến khích sự thay đổi tại chính nơi làm việc của họ.

Thứ hai, dự án cải thiện hệ thống nhà máy bằng cách phát triển và giới thiệu các chức năng giám sát quấy rối tình dục, được tích hợp vào ứng dụng S-City (http://safecity.vn). Nhiều buổi tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân sự tại 4 nhà máy may cũng sẽ được tổ chức, để các nhân viên hiểu rõ về nạn quấy rối tình dục và Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Thứ ba, dự án hướng đến thay đổi nhận thức của ngành may mặc thông qua các hoạt động đối thoại chính sách và truyền thông, đồng thời thực hiện nghiên cứu cho thấy tính chất và mức độ quấy rối tình dục trong ngành may mặc cũng như lợi ích cho các doanh nghiệp may mặc khi tuyên bố “Nói không với quấy rối tình dục”.

Trong 3 năm triển khai, dự án hi vọng sẽ góp phần tạo nên một môi trường làm việc không có bạo lực giới cho 5.000 nữ công nhân của 4 nhà máy tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Anh Nhàn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ta-o-moi-truo-ng-la-m-vie-c-khong-co-ba-o-lu-c-gio-i-cho-5000-cong-nhan-nga-nh-may-ma-c-vie-t-nam-54908.html

In bài viết