Phi chính phủ nước ngoài: Sẻ chia với người dân Quảng Trị

11:28 | 13/03/2018

Plan International Việt Nam (Plan) là một trong những tổ chức quốc tế sớm có mặt ở Quảng Trị, với nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Plan là tổ chức phi chính phủ, hoạt động ở 73 quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Plan đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, cộng đồng, gia đình để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em ở những vùng còn khó khăn của tỉnh Quảng Trị.

Plan International luôn hướng về cộng đồng

Plan International Việt Nam (Plan) là một trong những tổ chức quốc tế sớm có mặt ở Quảng Trị, với nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Plan là tổ chức phi chính phủ, hoạt động ở 73 quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Plan đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, cộng đồng, gia đình để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em ở những vùng còn khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Ưu tiên chăm sóc, phát triển trẻ em toàn diện, hỗ trợ giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, phát triển sinh kế, xây dựng năng lực, phòng, chống việc kết hôn sớm ở trẻ em. Điểm sáng là lồng ghép các mục tiêu, chương trình ưu tiên của cộng đồng để giảm nghèo bền vững; phát huy nội lực, khuyến khích tham gia đóng góp nguồn lực, quản lý, giám sát của cộng đồng để phát huy sáng kiến của người dân, đặc biệt nhóm cộng đồng khó khăn, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em gái, vùng sâu, vùng xa. Ông Phan Đình Hiệp, cán bộ quản lý Vùng dự án Plan tỉnh Quảng Trị cho biết, chỉ tính trong 3 năm (2015-2017) tổ chức Plan đã giúp tỉnh Quảng Trị 40 tỉ đồng, 100% vốn viện trợ không hoàn lại (ngân sách này không bao gồm chi phí nhân sự và hành chính của tổ chức Plan và chưa bao gồm vốn đối ứng đóng góp của cộng đồng và đối tác địa phương).

Plan đang phối hợp với nhiều sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh để triển khai các dự án phục vụ cộng đồng, như phối hợp với Sở Công thương, Hội LHPN tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án phát triển kinh tế giảm nghèo; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện dự án nâng cao năng lực cộng đồng trong các sáng kiến phát triển; phối hợp Sở LĐ-TB&XH thực hiện dự án bảo vệ trẻ emchấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em; phối hợp với các xã A Bung, A Ngo, Hướng Hiệp, Mò Ó, Đakrông, Tà Long, Tà Rụt (huyện Đakrông) thực hiện các dự án:

phi chinh phu nuoc ngoai se chia voi nguoi dan quang tri

Plan hỗ trợ hệ thống nước sạch cho người dân miền núi.

Bảo vệ trẻ em, chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em; nước sạch, vệ sinh môi trường; giảm nhẹ rủi ro thiên tai; giáo dục trong trường học; phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng phòng học; xây dựng mối quan hệ và hỗ trợ đội ngũ tình nguyện viên, trẻ bảo trợ và gia đình trẻ bảo trợ, hoạt động quốc tế thiếu nhi. Chỉ tính riêng trong năm 2017 tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa, tổ chức Plan đã phối hợp với các đối tác địa phương xây dựng 5 phòng học mầm non với công trình vệ sinh, nước sạch khép kín và trang bị các đồ dùng dạy học giúp cho hơn 130 trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tốt. Bên cạnh đó, 8 điểm trường mầm non, tiểu học khác được nâng cấp, sửa chữa, hỗ trợ sân chơi, bếp ăn bán trú cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho hơn 450 học sinh. Trao 160 suất học bổng bằng hiện vật cho các em gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh sống ở các thôn, bản xa xôi, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường.

Trong năm qua, 50 CLB trẻ em gái được thành lập tại thôn, bản và các trường tiểu học, THCS tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho hơn 1.000 em gái từ 10-18 tuổi tham gia. Những hoạt động đa dạng của CLB như truyền thông về quyền trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh kết hôn sớm hay hướng dẫn các kỹ năng sống và thực hành các hành vi có ích cho học tập và cuộc sống đã giúp các em gái trở nên tự tin hơn, có kỹ năng tốt hơn để tiếp tục đến trường, tham gia vào hoạt động cộng đồng cũng như góp phần giảm tỉ lệ kết hôn trẻ em. Ngoài ra, Plan còn đầu tư xây dựng 7 lò đốt rác tại trạm y tế của các xã nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời hỗ trợ tập huấn cho tổ quản lý về cách vận hành và duy tu, bảo dưỡng lò đốt rác, cách thu gom và xử lý rác thải, nhờ đó tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và đất đã được giảm đáng kế. Plan cùng với chính quyền địa phương và các trường học tiến hành sửa chữa các hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng, cung cấp hệ thống máy lọc nước, xây dựng 39 hệ thống giếng khoan và 11 bể trữ nước tại thôn và trường học. Qua đó giúp cho hơn 2.500 học sinh và khoảng 2.900 người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, để giúp trẻ em và người dân biết cách ứng phó với thiên tai, trong năm 2017, chương trình của Plan đã phối hợp với các đối tác mở 8 lớp dạy bơi và kỹ thuật cứu người đuối nước cho 240 trẻ em; tổ chức 2 đợt diễn tập với hơn 700 người tham gia.

Thực hiện 10 cuộc đánh giá khả năng ứng phó của người dân trong tình huống thiên tai và xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Tổ chức 22 lớp tập huấn về trường học an toàn và hỗ trợ các trường lập kế hoạch xây dựng trường học an toàn. Hỗ trợ vật liệu cho 30 hộ gia đình gia cố nhà cửa đảm bảo an toàn trong mưa bão. Hỗ trợ 1.219 cặp phao cho học sinh và 10 bể trữ nước cộng đồng cho những vùng thường xuyên bị lũ lụt. Plan phối hợp với ngành LĐ-TB&XH và các đối tác địa phương triển khai các hoạt động ngăn ngừa tình trạng kết hôn trẻ em. Bên cạnh đó còn hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế như: 12 mô hình nuôi gà cho 120 hộ; 17 mô hình nuôi ngan cho 152 hộ; 5 mô hình nuôi lợn bản cho 44 hộ; 14 mô hình nuôi dê cho 106 hộ; 1 mô hình trồng nghệ cho 15 hộ. Qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở những vùng đang còn khó khăn

Tầm nhìn Thế giới đồng hành với Quảng Trị trong phát triển kinh tế- xã hội

Tầm nhìn Thế giới (TNTG) là tổ chức nhân đạo Cơ đốc, hoạt động thông qua các chương trình cứu trợ và phát triển nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trợ giúp trẻ em, người nghèo và người gặp hoàn cảnh khó khăn. TNTG bắt đầu thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp ở Việt Nam từ năm 1988 và mở văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1990. Với ngân sách vào khoảng 19 triệu USD (theo năm tài khóa 2016), hàng năm hơn 2 triệu trẻ em và người lớn được hưởng lợi từ các chương trình của TNTG Việt Nam thông qua các chương trình phát triển tại các vùng khó khăn của 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại tỉnh Quảng Trị, tổ chức TNTG bắt đầu triển khai các hoạt động từ năm 1997 và tập trung vào 2 mô hình chính là: Chương trình phát triển vùng dài hạn, có thời gian từ 10-15 năm, tập trung vào một địa bàn cấp huyện với nhiều hợp phần hoạt động khác nhau gồm y tế, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phát triển kinh tế nông nghiệp- sinh kế, phòng chống giảm nhẹ thiên tai …Dự án đặc biệt có thời gian ngắn hơn, từ 3-5 năm, triển khai tại một huyện hoặc nhiều huyện, tập trung vào một lĩnh vực chủ yếu theo hướng chuyên sâu. Trong thời gian qua TNTG triển khai các dự án đặc biệt về sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi (tại huyện Hải Lăng và Hướng Hóa), về chấm dứt mua bán người huyện Hướng Hóa, phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa, phát triển chuỗi giá trị địa phương cho nông sản canh tác tự nhiên tại huyện Triệu Phong. Qua 20 năm hoạt động, từ năm 1997 đến nay tổng kinh phí của các chương trình viện trợ không hoàn lại tại tỉnh Quảng Trị ước tính khoảng 35 triệu USD, tương đương khoảng 780 tỉ đồng VN.

TNTG phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện và các ngành liên quan thực hiện các chương trình y tế tập trung vào các mục tiêu then chốt như giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giảm tỉ lệ bệnh tật, bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho trẻ em và cả cộng đồng. Hoạt động nói trên của TNTG đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Điều này được thể hiện thông qua các khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ tại từng huyện.

Bên cạnh các hoạt động về dinh dưỡng thì chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm; hỗ trợ người dân xây dựng bể trữ nước tại gia đình và hệ thống nước tại các cụm dân cư. Trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhiều trường học, xây dựng sân chơi, bãi tập, tường rào, hỗ trợ mua bàn ghế, nâng cấp thư viện, trang thiết bị, đồ dùng học tập, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhà ăn bán trú. Nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học.

TNTG cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, Ban bảo vệ trẻ em các cấp, hội, đoàn thể, các ban, ngành cấp xã tăng cường công tác bảo vệ trẻ em. Thông qua các mô hình phát triển sinh kế tại 5 huyện trên địa bàn tỉnh, các hoạt động của TNTG trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mang lại những thay đổi tích cực cho hàng ngàn hộ dân hưởng lợi, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại mỗi huyện trung bình từ 10 -15 % trong một giai đoạn dự án (12-15 năm).

Bên cạnh các tổ chức nêu trên, ở Quảng Trị còn có nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ khác đang hoạt động như tổ chức Y tế Hà Lan, Chương trình Hạnh phúc của Hàn quốc, tổ chức Zhishan (Đài Loan), Cây hòa bình, tổ chức Cứu trợ trẻ em …Riêng tổ chức Zhishan (Đài Loan), dù không đặt văn phòng tại Quảng Trị, trong những năm qua đã giúp người dân trên địa bàn 47 tỉ đồng. Tất cả các tổ chức trên đều hoạt động hướng tới cộng đồng, những đối tượng yếu thế, đang gặp khó khăn; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, xây dựng trường học, trạm xá, trợ giúp tài chính, sinh kế mang đến niềm vui, sự sẻ chia nhằm xoa dịu nỗi đau và những khó khăn trong cuộc sống của người dân các vùng quê Quảng Trị vốn chịu rất nhiều mất mát do hậu quả chiến tranh và thiên tai nặng nề.

Phước An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-se-chia-voi-nguoi-dan-quang-tri-54894.html

In bài viết