Xúc động buổi gặp gỡ cựu chiến binh Mỹ, Việt: “Bài học từ quá khứ - tạo dựng tương lai tốt đẹp”

08:05 | 07/03/2018

TĐO - Ngày 6/3, tại Hà Nội, gần 100 cựu chiến binh Mỹ, Việt - những người từng là kẻ thù đối đầu trong cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 50 năm về trước đã có một cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động nhân buổi tọa đàm “Bài học từ quá khứ - tạo dựng một tương lai tốt đẹp” do Hội Việt – Mỹ kết hợp với Hội cựu chiến binh Việt Nam tổ chức.

xuc dong buoi gap go cuu chien binh my viet bai hoc tu qua khu tao dung tuong lai tot dep

Ông Nguyễn Tâm Chiến (phải) chủ trì buổi tọa đàm. (Ảnh: Trần Ngọc)

Gác lại quá khứ đau thương

Năm 1968, Dan Shea, một thanh niên 19 tuổi trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam và đóng quân tại Đà Nẵng.

Vào thời điểm đó, chàng thanh niên tuổi đôi mươi không hề biết gì về Việt Nam, ngay cả vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

“Tôi không biết gì về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của các bạn. Ngay cả những người đồng đội Mỹ của tôi cũng có rất ít thông tin về đất nước. Chúng tôi đóng quân ở trong rừng và rất nhiều lính Mỹ đã bị thiệt mạng bởi các bẫy chông”, ông Dan Shea chia sẻ.

Sau đó, người anh trai của ông Dan Shea cũng được gửi tới đơn vị này nên ông được đưa khỏi Việt Nam.

“Tôi trở về nhà và để cuộc chiến tranh lại sau lưng. Mãi cho tới khi đứa con trai đầu lòng của tôi được sinh ra. Nó bị hở hàm ếch và mắc bệnh về tim. Khi con trai tôi được 3 tuổi, nó phải trải qua cuộc phẫu thuật quan trọng nhưng thật không may là thất bại’’, ông Dan Shea xúc động khi chia sẻ về câu chuyện của mình.

“Tôi hiểu rằng câu chuyện xảy ra với tôi cũng là điều xảy ra với hàng triệu người Việt Nam khác. Tôi ở đây để thay mặt một phần những người góp phần vào cuộc chiến tranh đó gửi tới các bạn lời xin lỗi chân thành nhất’’.

Năm 2016, ông Dan Shea lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam sau gần năm mươi năm để tham gia một hội thảo về chất độc màu da cam.

Còn ông Dennis Van Hoof, người cũng từng tham gia lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ năm 1967, chia sẻ: “Tôi được tuyên truyền rằng đến Việt Nam chiến đấu để chống lại Liên Xô, bảo vệ miền Nam Việt Nam. Khi quay trở lại Mỹ vào năm 1970 và thông qua báo chí, tôi mới được biết đến cuộc thảm sát Mỹ Lai. Họ gọi chúng tôi là những kẻ giết phụ nữ, trẻ con. Tôi vô cùng kinh hoàng khi nghe tin tức đó bởi đấy là điều không bao giờ chúng tôi được dạy để làm’’.

xuc dong buoi gap go cuu chien binh my viet bai hoc tu qua khu tao dung tuong lai tot dep

Ông Dennis Van Hoof, 71 tuổi, xin lỗi vì cuộc thảm sát Mỹ Lai. (Ảnh: Trần Ngọc)

Nuối tiếc về những điều xảy ra trong quá khứ, người cựu chiến binh 71 tuổi cúi đầu nhận lỗi trong sự xúc động của cả hai bên.

“Tôi chỉ là một người lính, cố gắng thực thi nhiệm vụ của mình. Tôi và một số người anh em mà không thể có mặt trong ngày hôm nay, đều nấy làm tiếc vì những gì xảy ra. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi vì tất cả những điều thảm khốc đã từng gây ra cho Việt Nam’’.

Hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, chủ trì tọa đàm phát biểu, không ai ngoài chính các cựu chiến binh là những người trân trọng hơn cả mối quan hệ hai nước có được ngày hôm nay. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để hai bên cùng gác lại quá khứ và tìm cơ hội cho tương lai tốt đẹp hơn.

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cũng cho biết, quan hệ Việt – Mỹ hiện tại đã nâng lên là đối tác chiến lược, do vậy có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.

“Trước đây, chúng ta là những kẻ thù chĩa súng vào nhau thì bây giờ là những nụ cười, những cái ôm hôn và bắt tay mà những người lính trao tặng cho nhau”, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến chia sẻ.

Là một cựu chiến binh lão thành, ông Phạm Văn Chương cho biết, liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai, có nhiều số liệu về thương vong, nhưng con số được nhiều biết đến nhất là 504 nạn nhân. Tuy nhiên, số thương vong lẽ ra sẽ còn lớn hơn nhiều nếu không có sự can thiệp dũng cảm của ba lính Mỹ lúc đó.

“Họ đáp trực thăng xuống giữa hai nhóm người, một bên là dân thường tay không vũ khí và một bên là lính Mỹ - những người trước đó đã tàn sát hàng trăm người Việt Nam. Ba lính Mỹ đó đã kịp ngăn cản những người đồng đội Mỹ tiếp tục bắn vào dân làng”, ông Phạm Văn Chương kể lại.

“Chính sự vô nhân tính của những người chỉ huy vụ thảm sát Mỹ Lai đã làm thức tỉnh lương tri của người Mỹ”.

xuc dong buoi gap go cuu chien binh my viet bai hoc tu qua khu tao dung tuong lai tot dep

Ông Phạm Văn Chương chia sẻ về cuộc thảm sát Mỹ Lai. (Ảnh: Trần Ngọc)

Còn đối với ông Ted Engelmann, một người lính không quân đến Việt Nam để làm nhiệm vụ dải chất độc da cam từ Biên Hòa đến biên giới Campuchia, “Việt Nam bây giờ là một đất nước, chứ không phải một cuộc chiến tranh”.

Hiện làm công việc nhiếp ảnh và viết văn, ông Ted Engelmann đề xuất sáng kiến tổng hợp những câu chuyện của các cựu chiến binh để làm thành một nguồn tư liệu quý báu dạy lại cho các thế hệ sau này.

Cũng trong buổi tọa đàm, các cựu chiến binh đã trao đổi về vấn đề nạn nhân chất độc da cam và việc tẩy độc cho sân bay Biên Hòa.

Trần Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xuc-dong-buoi-gap-go-cuu-chien-binh-my-viet-bai-hoc-tu-qua-khu-tao-dung-tuong-lai-tot-dep-54883.html

In bài viết