Giáo sư Rhee Yeung Hui - Người bạn của Việt Nam trong chiến tranh

09:06 | 13/12/2017

“Có thể nói, giáo sư Rhee Yeung Hui ở Hàn Quốc cũng giống như nhà hoạt động xã hội Jane Fonda ở Mỹ, là người bạn thân thiết thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam. Họ đã vượt qua nhiều trở lực để đồng lòng, sát cánh cùng Việt Nam trong những ngày tháng khó khăn - thời kỳ chiến tranh,” ông Phạm Tiến Vân - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc chia sẻ bên lề buổi tọa đàm “Giáo sư Rhee Yeung Hui và Việt Nam".

Chương trình diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2017).

giao su rhee yeung hui nguoi ban cua viet nam trong chien tranh

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện gia đình cố giáo sư Rhee Yeung Hui. (Ảnh: BTC)


Những bài viết làm thay đổi nhận thức


“Bên cạnh nỗ lực, hy sinh to lớn nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tình, ủng hộ và cổ vũ nhiêt tình của cộng đồng quốc tế cũng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,” ông Phạm Tiến Vân nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, ở Hàn Quốc, giáo sư Rhee Yeung Hui đã viết rất nhiều bài báo (đăng tải trên tờ Nhật báo Chosun) và luận văn về cuộc chiến này. Ở đó, ông khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, sự phi nghĩa của Mỹ khi sang xâm lược Việt Nam và sai lầm của Hàn Quốc khi đưa quân sang tham chiến cùng quân đội Mỹ.

“Những bài viết của giáo sư Rhee Yeung Hui đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc khi đó, đặc biệt là với các độc giả trẻ (học sinh, sinh viên) và tầng lớp trí thức. Có thể coi đó là những tài liệu làm thay đổi nhận thức về cuộc chiến tranh Việt Nam của nhiều trí thức Hàn Quốc", ông Phạm Tiến Vân khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc cho biết, trong cuốn hồi ký “Số phận", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dành nhiều trang để viết về sức ảnh hưởng từ những bài viết của giáo sư Rhee Yeung Hui đến thế hệ ông.

Cụ thể, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã viết: “Người có sức ảnh hưởng to lớn đến nhận thức, tạo nên ý thức phê phán, ý thức xã hội của tôi và nhiều người bạn của tôi thời sinh viên chính là giáo sư Rhee Yeung Hui. Tôi đã sốc khi đọc những bài báo, luận văn về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông có những lập luận chắc chắn để khẳng định rằng, mặc dù Mỹ là một cường quốc trên thế giới nhưng chắc chắn sẽ không thể giành phần thắng trong cuộc chiến này. Những câu chuyện, bài viết đó của ông đã được thế hệ sinh viên chúng tôi bí mật thì thầm với nhau".

giao su rhee yeung hui nguoi ban cua viet nam trong chien tranh

Giáo sư Rhee Yeung Hui. (Ảnh: BTC)

Nỗi lòng nặng trĩu

Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Rhee Mi Jung (con gái giáo sư Rhee Yeung Hui) đã không giấu được sự xúc động khi nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của cha. Bà kể, trong thời kỳ viết những bài báo, luận văn phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra ở Việt Nam, giáo sư Rhee đã phải chịu nhiều áp lực. “Những người lãnh đạo của cha tôi có nói, nếu ông đồng ý thay đổi quan điểm trong những bài viết của mình, ông sẽ được tăng lương gấp ba lần. Tuy nhiên, cha tôi không đồng ý. Không mua chuộc được thì họ tạo sức ép khác. Cha tôi bị tòa báo sa thải và sau đó, phải đi tù 2 năm", bà Rhee Mi Jung kể.

Bên cạnh đó, bà Rhee cho biết thêm, sinh thời, trong những trang hồi ký của mình, giáo sư đã viết: “Đầu năm 1965, từ nhà báo phụ trách mảng ngoại giao của Ban chính trị (thuộc Nhật báo Chosun), tôi được giao trọng trách về Ban Thời sự Quốc tế. Bắt đầu từ đó cho đến khi ngưng tiếng súng ở Việt Nam vào năm 1975, không có ngày nào mà tôi không đi ngủ với nỗi lòng nặng trĩu, vì nghĩ đến những sinh mạng nơi này nơi kia đang chết dần một cách vô lý tại Việt Nam. Nỗi đau xót đó dày vò tâm can… Vào những ngày mà những bài phân tích về chiến tranh ở Việt Nam do tôi biên tập buộc phải loại bỏ hoặc phải thay hình đổi dạng (do áp lực từ bên ngoài), nỗi đau này còn lớn hơn gấp bội".

“Cha tôi đã rất vui mừng khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao theo tinh thần ‘Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.’ Ông bảo, ông đã sống một cuộc đời có ý nghĩa, dám đối diện với sự thật và nói lên tiếng nói của lương tâm người cầm bút; những việc ông làm đã được ghi nhận", bà Rhee Mi Jung chia sẻ.

Giáo sư Rhee Yeung Hui sinh ngày 2/12/1929, mất ngày 5/12/2010. “Sau năm 1975, ông đã nhiều lần sang thăm Việt Nam, tới viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc nhắc lại quá khứ không phải để phủ nhận những kết quả hợp tác về nhiều mặt trong hiện tại giữa Việt Nam-Hàn Quốc, mà để thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử và có sự nhìn nhận công bằng với lịch sử, tri ân với những người bạn thực sự của Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khó khăn", Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc Phạm Tiến Vân nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-su-rhee-yeung-hui-nguoi-ban-cua-viet-nam-trong-chien-tranh-54706.html

In bài viết