Danny Low – Người bạn hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam

20:04 | 20/11/2017

TĐO - Vừa qua, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã trao tặng Huy chương hữu nghị của Chủ tịch nước cho ông Danny Low - Giám đốc Chương trình của Tổ chức Rotary Clubs of Mosman Incorporated (RCM) tại Việt Nam để ghi nhận những cống hiến to lớn và quý báu của ông với sự phát triển về y tế, giáo dục, đào tạo và hạ tầng của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm điều hành tổ chức. Nhân dịp này, phóng viên báo Thời Đại đã phỏng vấn ông Danny Low về những đóng góp của ông tại Việt Nam.

danny low nguoi ban hon 20 nam gan bo voi viet nam

Ông Danny Low. (Ảnh tư liệu)

Xin ông cho biết lý do tổ chức RCM lựa chọn Việt Nam để triển khai các hoạt động từ thiện?

- Là người tin tưởng vào số phận, tôi có một niềm tin rằng, đến Việt Nam với tôi là một cái “duyên”. Tôi tới thăm Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 90 ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Thật tình cờ khi người bạn thân của gia đình chúng tôi – bà Susan Boyd là Đại sứ đầu tiên của Australia tại Việt Nam. Bà có lẽ là nữ Đại sứ đầu tiên của Australia tại Việt Nam (nhiệm kỳ 1994–1998). Với sự giúp đỡ của bà Susan Boyd cũng như những bạn bè và đối tác thân thiện tại Việt Nam, chúng tôi đã có giấy phép cho tổ chức RCM từ năm 1996. Đây cũng là giấy phép đầu tiên cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Xin ông chia sẻ những hoạt động của tổ chức RCM trong thời gian qua?

- Tuy không thể nhớ hết và chính xác con số về các dự án đã triển khai tại Việt Nam nhưng như tôi chia sẻ, tôi đến Việt Nam từ năm 1995 và đã tới Việt Nam ít nhất 60 lần. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của RCM là hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia y tế của Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật phẫu thuật tay cho các bệnh nhân tại Việt Nam – một kỹ thuật còn rất mới với Việt Nam lúc bấy giờ mà hiện nay đã phổ biến tại rất nhiều thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, lĩnh vực khác mà chúng tôi thực hiện là hỗ trợ phẫu thuật tim khi chứng kiến rất nhiều em bé tại Việt Nam có vấn đề về tim mạch. Bệnh viện đầu tiên mà chúng tôi hỗ trợ là bệnh viện Trung ương Huế, kế đó là bệnh viện Chợ Rẫy (Quận 5, Tp. HCM), bệnh viện Việt Đức… Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật tim được thực hiện rất tốt ở Việt Nam.

Theo ông, dự án nào thành công nhất trong suốt quá trình hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam?

- Dự án mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất chính là dự án về y tế, bởi tôi rất muốn người Việt Nam có thể độc lập đứng vững và chăm sóc cho vấn đề y tế của mình. Có một câu nói rằng “Đừng cho con cá, hãy cho họ cái cần câu”. Nếu cho ai đó một con cá, họ sẽ không thể nào tồn tại lâu dài, việc chúng ta nên làm là giúp họ có được cái cần câu. Bởi thế, mong ước của tôi với hệ thống y tế của Việt Nam chính là có thể hỗ trợ hệ thống phát triển bền vững. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho bác sĩ, chuyên gia y tế chính là điều tôi cảm thấy thành công nhất trong việc xây dựng hệ thống y tế bền vững tại Việt Nam.

Những dự án mà tổ chức đã triển khai thời gian qua đã thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn và kỳ vọng ban đầu, thưa ông?

- Về cơ bản, tôi nghĩ tôi đã thực hiện được mong muốn của mình. Đơn cử như lĩnh vực phẫu thuật tim, tôi đã chứng kiến rất nhiều bác sĩ ở Huế và TP. HCM kỳ vọng để được huấn luyện về kỹ thuật tim mạch. Mặc dù gặp khó khăn về vấn đề đi lại, song sau một thời gian, họ đã tiến bộ rất nhanh trong kỹ thuật phẫu thuật tim. Ngoài ra, thời điểm đó, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị y tế từ Nhật Bản nhưng lại chưa được hỗ trợ nhiều trong vấn đề nâng cao năng lực cho các bác sĩ và đội ngũ chuyên gia y tế. Chính vì vậy, RCM đã quyết định hỗ trợ dưới hình thức xây dựng năng lực cho các chuyên gia y tế của Việt Nam.

Một trong những điểm khiến tôi vui mừng nhất đối với chương trình của Việt Nam là tôi đã giúp kết nối những tình nguyện viên Australia với Việt Nam, trong đó gồm cả những người Việt Nam ở nước ngoài có thể trở về để hỗ trợ Việt Nam.

Xin ông cho biết, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, tổ chức gặp phải những khó khăn gì và ông đã làm thế nào để khắc phục những khó khăn đó?

- Có thể nói, khi thực hiện bất cứ chương trình hay dự án nào đều có thể gặp phải những khó khăn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là cách thức phối hợp với các đối tác để vượt qua những khó khăn đó. Tôi có những người bạn rất tốt trong chính phủ, VUFO, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) cũng như Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Bộ Ngoại giao… Chính sự giúp đỡ của những người bạn thân thiết tại Việt Nam đã giúp tôi có thể triển khai các dự án một cách thuận lợi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Mai

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/danny-low-nguoi-ban-hon-20-nam-gan-bo-voi-viet-nam-54624.html

In bài viết