Cựu đại sứ Mỹ Michalak và mối duyên 10 năm với Việt Nam

12:02 | 31/07/2017

10 năm kể từ khi giữ chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak vẫn nhiều lần quay trở lại đất nước có ý nghĩa đặc biệt với ông.

Tháng 11 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đáp máy bay xuống thành phố Đà Nẵng, dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Trump kể từ khi nhậm chức tổng thống hồi tháng ba.

Tại nhà ga VIP mới xây trong sân bay quốc tế Đà Nẵng, lãnh đạo Mỹ dự kiến bắt tay với các quan chức Việt Nam. Nhà ga này được xây trên mảnh đất đã tẩy sạch chất độc dioxin, một dự án do chính phủ Mỹ tài trợ, khởi công từ năm 2011. Sân bay Đà Nẵng từng là căn cứ chứa chất diệt cỏ mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, 45.000 m3 đất nhiễm dioxin quanh sân bay đã được làm sạch.

cuu dai su my michalak va moi duyen 10 nam voi viet nam

Nhà ga hành khách quốc tế mới xây tại sân bay Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Đông)

"Một thành tựu rất quan trọng, một bước tiến lớn" trong quan hệ Việt - Mỹ, như Đại sứ Mỹ Ted Osius năm ngoái đánh giá, bắt đầu từ biên bản ghi nhớ ký một ngày cuối năm 2010. Michael Michalak, đại sứ Mỹ tại Việt Nam bấy giờ, đã chứng kiến lễ ký, ngay trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ và trở về nước.

"Tôi rất tự hào về điều đó", ông Michalak nhắc lại cuối tuần trước tại Hà Nội, trong cuộc phỏng vấn riêng. Ông trở lại Việt Nam để dự một tọa đàm kinh tế, với tư cách Phó chủ tịch và Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN.

Để đi đến biên bản ghi nhớ về hoạt động tẩy độc dioxin đầu tiên tại Việt Nam, ông Michalak đã phối hợp chặt chẽ với quốc hội Mỹ, chính phủ Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), với các cá nhân như bà Tôn Nữ Thị Ninh, đồng chủ tịch nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin, Charles Baley, Giám đốc phụ trách Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/dioxin thuộc Quỹ Ford.

Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 41 triệu USD do USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai, trong đó Mỹ tài trợ 34 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Gần 4 năm làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam là quãng thời gian đáng nhớ đối với ông Michalak suốt hơn 30 năm trong ngành ngoại giao. Ông nhớ những chầu bia hơi trên phố với người dân Việt Nam, nhớ quán bún chả với hương vị đặc trưng ở Hàng Than.

Ông cũng có nhiều kỷ niệm với các quan chức Việt Nam, coi nhiều người là bạn tốt, như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, bấy giờ là thứ trưởng Ngoại giao. "Chúng tôi đã thương lượng với nhau. Chúng tôi đã hét lên với nhau trong một số vấn đề. Chúng tôi đã ăn tối cùng nhau. Gia đình tôi và vợ chúng tôi đã gặp nhau và trò chuyện vui vẻ. Tôi và ông ấy đã trở thành những người bạn tốt".

Ông nhớ cả chuyến thực địa cùng các quan chức Việt Nam, trong đó có ông Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao bấy giờ. Cuối ngày, tại một trung tâm cộng đồng ở địa phương, họ trò chuyện về quãng thời gian sống ở Đông Âu. Vì ông Michalak cũng học tiếng Nga thời đại học, họ cùng hát vang những bài dân ca Nga. "Rất thú vị!", ông thích thú kể.

cuu dai su my michalak va moi duyen 10 nam voi viet nam

Michael Michalak làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2007 - 2011. (Ảnh: Trọng Giáp)

Trong thời gian làm đại sứ, ông đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, tổ chức các hội thảo giáo dục Mỹ, các buổi chào đón những ứng viên giành học bổng Fulbright.

"Trong phiên xác nhận chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tôi đã hứa với các thượng nghị sĩ sẽ tăng gấp đôi số học sinh Việt Nam tới Mỹ, và đến hết nhiệm kỳ, chúng tôi đã tăng gấp ba con số", ông nói. Con số này tiếp tục tăng sau nhiệm kỳ của ông Michalak và đến năm ngoái, 21.400 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ. Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các nước đứng đầu về du học sinh ở Mỹ.

Sau 10 năm kể từ khi bắt đầu làm công việc đại sứ tại Việt Nam, ông Michalak cũng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong quan hệ Việt - Mỹ. Cụ thể là các đại sứ Mỹ ngày càng "dễ dàng tiếp cận hơn với nhiều quan chức Việt Nam". Trong ba năm làm đại sứ, ông chỉ gặp lãnh đạo đảng hai, ba lần, nhưng đến nay, việc đại sứ Mỹ gặp các quan chức đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không còn là chuyện hiếm.

Từ một nhà ngoại giao với hàng chục năm kinh nghiệm tại khắp các nước châu Á, ông chuyển hướng sang lĩnh vực tư vấn kinh doanh. Cơ hội này đến ba năm sau khi ông về hưu ở Bộ Ngoại giao Mỹ, trở về nhà tại thành phố Seattle, bang Washington, với công việc tư vấn độc lập cho các công ty tại Mỹ và Việt Nam.

"Cơ hội nghe rất tuyệt vời, cho phép tôi sống tại khu vực, phụ trách không chỉ Việt Nam mà còn cả các nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)", ông nói và chia sẻ sở thích đi khắp 10 nước tại khu vực.

Suốt hai năm qua tại văn phòng hội đồng ở Singapore, ông giữ trọng trách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại của 160 tập đoàn lớn của Mỹ tại các nước Đông Nam Á. Qua đó, ông nhiều lần trở lại Việt Nam.

Công việc mới có những điểm tương đồng với công việc trước của ông, nhưng cũng có những thách thức riêng. "Một mặt, nó có đôi chút dễ hơn", ông cười, nói. "Khi làm đại sứ, tôi phải lo toan tất cả, từ chính trị, kinh tế, nhân quyền, giáo dục và các vấn đề xã hội. Giờ tôi có thể tập trung và kinh tế và kinh doanh".

Cựu đại sứ đánh giá trong con mắt các nhà đầu tư Mỹ, Việt Nam là điểm sáng tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). "Việt Nam là điểm đến Đầu tư Trực tiếp nước ngoài (FDI) rất hấp dẫn bởi chính phủ có xu hướng sẵn sàng tham vấn với khối tư nhân hơn, sẵn sàng xem xét khối tư nhân khi đề ra và thực thi các luật lệ. Các nhà đầu tư rất thích điều đó. Nó có nghĩa là chế độ quản lý sẽ minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn. Đó là những yếu tố quan trọng đối với đầu tư nước ngoài", ông lý giải.

Cựu đại sứ háo hức khi sẽ trở lại Việt Nam tháng 11 này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (CEO Summit). Ông tin nhiều công ty Mỹ sẽ tới sự kiện này nhưng từ chối hé lộ danh sách, cho biết công tác chuẩn bị vẫn đang diễn ra.

Ở tuổi ngoài 70, cựu đại sứ cho rằng ông sẽ tiếp tục trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. "Việt Nam rất đặc biệt với tôi. Tôi nghĩ sự nồng ấm của người dân, tình bạn và sự mến khách tôi nhận được thật tuyệt vời, khiến tôi tiếp tục quay trở lại. Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho tới suốt phần còn lại của đời mình".

Theo VN Express

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cuu-dai-su-my-michalak-va-moi-duyen-10-nam-voi-viet-nam-54338.html

In bài viết