Đạo diễn Daniel Roussel và hai bộ phim về "bài ca về hòa bình" ở Việt Nam

09:24 | 28/02/2017

Hành trình cùng nhân dân Việt Nam trong suốt năm năm diễn ra cuộc đàm phán Paris về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn luôn ở trong tâm trí của những người bạn Pháp và Việt kiều. Những câu chuyện về tình đoàn kết đặc biệt này đã được nhắc lại trong buổi chiếu phim và gặp gỡ về cuộc đàm phán Paris vừa diễn ra tại TP Choisy-le-Roi, nơi lưu trú của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1968-1973.

Trong thời gian năm năm diễn ra cuộc đàm phán Paris, hàng trăm bạn bè Pháp trong đó có những thành viên Đảng Cộng sản Pháp ở TP Choisy-le-Roi và các địa phương khác, đã dành sự giúp đỡ hết lòng cho các thành viên của hai đoàn đàm phán Việt Nam. Họ đã hành động theo trái tim mình bằng nhiều hình thức khác nhau từ công việc lái xe, bảo đảm an ninh cho tới chuẩn bị các bữa ăn. Tất cả để nhân dân Việt Nam sớm được sống trong hòa bình. 44 năm đã trôi qua, nhưng trong mỗi người, ký ức về những tháng ngày gắn bó với hai đoàn đàm phán của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

dao dien daniel roussel va hai bo phim ve bai ca ve hoa binh o viet nam

Đạo diễn Daniel Roussel giới thiệu về 2 bộ phim

Những tình cảm quý báu cùng những giờ phút tham gia đàm phán đầy cam go và mưu trí của hai đoàn đàm phán Việt Nam được nhà làm phim Daniel Roussel chuyển tải qua hai bộ phim "Thức lâu mới biết đêm dài" và “Cuộc chiến tranh Việt Nam: Tâm điểm của những cuộc đàm phán bí mật".

Từng là phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo (Đảng Cộng sản Pháp), đạo diễn Daniel Roussel, với những trải nghiệm tại Việt Nam trong suốt sáu năm, đã xây dựng hai bộ phim này theo góc nhìn riêng về Việt Nam. Trong bộ phim "Thức lâu mới biết đêm dài", ông đưa vào những hình ảnh tư liệu về Hà Nội lúc còn chiến tranh và lúc người dân sống trong hòa bình, khắc họa một thành phố vì hòa hòa bình, về những con người yêu chuộng hòa bình. Người Việt Nam luôn mong ước sống trong hòa bình và họ đã nỗ lực trong đàm phán và trong tranh đấu để giành lại hòa bình cho dân tộc. Nhiều năm sau chiến tranh, những người Việt Nam từng trải qua những năm tháng gian khó, hiểm nguy trong chiến tranh vẫn luôn cảm thấy như vừa qua một đêm dài với muôn vàn giao lao, hy sinh.

Nhiều người có mặt trong phòng chiếu không giấu nổi nỗi niềm xúc động khi được nghe tâm sự của những Việt kiều ở xa Tổ quốc giữa lúc chiến tranh ở giai đoạn vô cùng ác liệt. Khi đó, họ đang đóng góp cho các hoạt động của hai đoàn đàm phán, nhưng vẫn cảm thấy "có lỗi" vì không thể ra mặt trận. Còn bạn bè Pháp, các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và người dân ở các thành phố có hai đoàn đàm phán lưu trú cảm thấy rất vui và tự hào vì đã có thể giúp đỡ hết lòng để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trên mặt trận đàm phán. Với họ, tất cả đều vì tình đoàn kết, vì công lý và vì hòa bình cho Việt Nam.

Bộ phim tiếp theo kể lại những câu chuyện về những cuộc đàm phán bí mật giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từ năm 1970 – 1973 tại ba thành phố Choisy-le-Roi, Gif-sur-Yvette và Saint-Nom-la-Bretèche ở ngoại ô Paris. Những cuộc đàm phán bí mật này đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, đó là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao để đi đến việc ký kết Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Xen kẽ những hình ảnh tư liệu lịch sử quý giá là những lời chia sẻ của các nhân chứng có mặt trong các cuộc đàm phán, hay tham gia hỗ trợ hai đoàn đàm phán.

dao dien daniel roussel va hai bo phim ve bai ca ve hoa binh o viet nam

Thị trưởng TP Choisy-le-Roi Didier Guillaume: Việc công chiếu hai bộ phim tài liệu là để thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp tình đoàn kết với Việt Nam

Sau phần chiếu phim là cuộc giao lưu giữa đạo diễn Daniel Roussel, Yann de Sousa và những người làm phim với các nhân chứng gồm bạn bè Pháp và Việt kiều, những người đã trực tiếp tham gia giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam. Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và Thị trưởng thành phố Choisy le Roi, ông Didier Guillaume.

Đoàn làm phim chia sẻ về tình đoàn kết mà họ được các nhân chứng lịch sử kể lại, giữa đoàn đàm phán với người dân địa phương, về tình cảm của những người bạn Pháp làm nhiệm vụ phục vụ đoàn, lái xe, bảo vệ, hay chăm sóc y tế… Chính tình yêu Việt Nam và mong nhân dân Việt Nam được sống trong hòa bình đã thôi thúc họ đồng hành suốt những năm tháng đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Nói về quá trình làm phim, đạo diễn Daniel Roussel cho biết: Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bộ phim lịch sử "Những cuộc đàm phán bí mật". Cố vấn Lê Đức Thọ, một trong những nhân vật trung tâm (đã mất), đòi hỏi chúng tôi phải bỏ nhiều công sức để tìm kiếm tư liệu tại các trung tâm lưu trữ. Ở Pháp, chúng tôi tìm chủ yếu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia (INA). Chúng tôi cũng tìm kiếm tại các kho tư liệu nằm rải rác tại nhiều thành phố, thị trấn khác nhau ở Pháp. Ngoài ra, chúng tôi tìm kiếm những hình ảnh về chiến tranh ở Hà Nội trong các trung tâm lưu trữ và cả ở Mỹ nữa. Rất may ở Mỹ, các tư liệu được đăng công khai trên mạng internet để cho công chúng có thể tiếp cận rộng rãi. Chính qua kênh này, chúng tôi đã tìm được tư liệu về các cuộc đàm phán bí mật, các ghi chép của các trợ lý của cố vấn Henry Kissinger, báo cáo của Henry Kissinger về các cuộc đàm phán. Tổng cộng, chúng tôi tìm thấy khoảng 5.000 trang tài liệu bằng tiếng Anh. Sau đó, chúng tôi phải đọc và chọn những thời khắc quan trọng nhất gồm năm trên tổng số 45 cuộc họp bí mật để lựa chọn thông tin đưa vào bộ phim.

Tại Hà Nội, tôi đã tìm thấy trong một trung tâm tư liệu đoạn băng ghi âm cuộc đàm phán bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Kissinger. Khi tôi tìm được đoạn băng đó, tôi đã nghĩ rằng mình là người đạo diễn hạnh phúc nhất. Tại sao các cuộc đàm phán bí mật lại quan trọng bởi vì tất cả những gì được nói ra trong cuộc đàm phán đều được giữ bí mật, khi đó, người ta sẽ nói thật những điều họ nghĩ: Vì sao họ không đồng ý, họ đề nghị điều gì tích cực hoặc gây khó khăn. Trong khi các cuộc đàm phán công khai lại phức tạp hơn nhiều, vì mọi người đều thận trọng khi phát ngôn, nhiều khi họ không nói thật bởi vì khi nói ra, tất cả mọi người đều biết.

Để đi đến việc ký kết Hiệp định Paris, các bên đã trải qua 247 phiên họp công khai và bí mật, kéo dài từ ngày 15-3-1968 đến ngày ký 27-1-1973. Đây được coi là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử Việt Nam, là cuộc đấu trí vô cùng cam go, quyết liệt trên bàn đàm phán. Cao trào của bộ phim được thể hiện qua đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại căng thẳng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi hai bên nối lại đàm phán vào đầu năm 1973. Đó là sự giận dữ của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trước hành vi tráo trở của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - người đã chúc ông có một Giáng sinh vui vẻ khi ông trở về Hà Nội để tham vấn lãnh đạo. Nhưng lúc trở về ngày 18-12-1972, ông lại được "đón" bằng các đợt ném bom dữ dội tại Hà Nội của máy bay chiến lược B-52 trong chiến dịch Linebacker kéo dài 12 ngày đêm với mục đích là khiến Việt Nam run sợ và buộc phải ký kết Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho phía Mỹ.

Đạo diễn Daniel Roussel cho biết, hai bộ phim cùng gửi đi thông điệp hòa bình. Mọi xung đột, mọi cuộc chiến tranh đều có thể giải quyết được bằng các giải pháp chính trị. Điều đó đúng với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, và cũng đúng với các cuộc xung đột đang diễn ra ngày hôm nay trên thế giới. Hòa bình luôn có thể tìm thấy trong mọi tình huống nào. Việt Nam là một thí dụ: Một dân tộc quyết tâm chiến đấu đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn thế giới, cuộc kháng chiến của các bạn là sự nghiệp chính nghĩa. Việt Nam là một thí dụ điển hình về nỗ lực tìm giải pháp cho các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới Syria, Iraq, Yemen. Chính vì vậy, hai bộ phim là bài ca về hòa bình.

Thị trưởng TP Choisy-le-Roi Didier Guillaume cho biết: Hai bộ phim của nhà báo - đạo diễn Daniel Roussel đã nói lên khát vọng hòa bình cháy bỏng cũng như ý chí đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Việc thành phố Choisy-le-Roi đón tiếp phái đoàn đàm phán của Việt Nam cho thấy thành phố của chúng tôi luôn là miền đất của hòa bình, của tình đoàn kết, của công lý. Chính vì vậy, việc công chiếu bộ phim đối với chúng tôi là lẽ rất tự nhiên.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn giới thiệu hai bộ phim với thế hệ trẻ để họ hiểu thêm về lịch sử - lịch sử đã gắn bó thành phố Choisy-le-Roi với Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi cũng muốn nói với thế hệ trẻ rằng tự do là rất quan trọng. Để có được nó cần phải có niềm tin và quyết tâm chiến đấu vì các thế hệ tương lai.

Ngoài ra, việc công chiếu đối với chúng tôi cũng nhằm tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Tình đoàn kết đó không chỉ trong quá khứ mà vẫn đang tiếp tục được vun đắp.

Daniel Roussel là tác giả kịch bản và đạo diễn của các bộ phim tài liệu gây tiếng vang như "Cuộc chiến tranh Việt Nam", "Cuộc chiến giữa hổ và voi", “Tù binh Mỹ ở Hà Nội”... Qua những thước phim sống động, ông đã khắc họa rõ nét tinh thần Việt Nam với lòng dũng cảm, trí sáng tạo và tình đoàn kết của toàn dân tộc quyết tâm giành lại độc lập trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2016, ông đã được trao Giải nhất - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại trong lĩnh vực báo chí.

ND


Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dao-dien-daniel-roussel-va-hai-bo-phim-ve-bai-ca-ve-hoa-binh-o-viet-nam-54005.html

In bài viết