TĐO - Nghề gốm tại làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã được khôi phục và phát triển, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn từ hoạt động của dự án Dự án “Phát triển bền vững đại phương thông qua du lịch di sản” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) thực hiện.
Giữ nghề truyền thống Làng Phước Tích có nghề sản xuất gốm truyền thống với lịch sử hàng trăm năm nên còn được biết đến với tên gọi “làng gốm Phước Tích”. Tuy nhiên, gần đây nghề gốm suy thoái nên cơ hội việc làm giảm khiến thu nhập của người dân thấp, nhiều lao động nhất là lao động trẻ phải đi mưu sinh ở các thành phố lớn.
Du khách Nhật thăm quan triển lãm gốm Phước Tích.
Dự án “Phát triển bền vững đại phương thông qua du lịch di sản” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, JICA và trường Đại học Nữ Showa (Nhật Bản) thực hiện từ năm 2011 nhằm mục đích đào tạo, khôi phục nghề gốm truyền thống và phát triển du lịch theo hình thức trải nghiệm nghề truyền thống.
Anh Lương Thanh Hiền, nhân lực chính của làng gốm Phước Tích chia sẻ: Chúng tôi sản xuất gốm theo dạng hàng lưu niệm như bình hoa, đèn tường, bình trang trí, chén bát… Sau đó chúng tôi phân phối sản phẩm gốm Phước Tích đến các cửa hàng lưu niệm trong Thành phố Huế, một số bày bán tại bảo tàng gốm tại làng Phước Tích. Những năm gần đây, khi làng Phước Tích phát triển du lịch, chúng tôi còn biểu diễn làm gốm cho du khách xem hoặc mở các lớp trải nghiệm làm gốm cho khách du lịch. Ngoài việc tăng thêm một phần thu nhập, được giới thiệu nghề gốm truyền thống của làng cho du khách khiến chúng tôi rất tự hào.
JICA hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu với du khách. Đồng thời, dự án tổ chức triển lãm và bán hàng, chú trọng mở rộng thị trường; xây dựng các chương trình du lịch đa dạng lấy nghề gốm làm trọng tâm. Việc quảng bá nghề gồm làng Phước Tích trên mạng internet cũng được thực hiện. Để phát triển sản phẩm mới thì không chỉ duy trì kỹ thuật truyền thống mà còn cần phải học các kỹ thuật mới. Dự án đã mời chuyên gia gốm người Nhật Bản đến tập huấn tại làng Phước Tích, tổ chức các chuyến tham quan học tạp tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) cho nhóm thợ gốm. Đặc biệt, dự án sẽ giúp khôi phục nghề gốm nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm để níu chân thế hệ trẻ ở lại làng.
Tại đây, các chuyên gia đến từ Nhật Bản hỗ trợ người dân Phước Tích ý tưởng sản xuất các dụng cụ ẩm thực như bát, cốc, chén... ngay tại lò gốm của làng để sử dụng tại chỗ, đồng thời giúp nghề gốm phát triển, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt, sản phẩm chiếc đĩa ăn hình lá vả (loại cây đặc sản của Huế), được bày trí trên bàn ăn trong khu vườn sum suê cây trái, bên những ngọn nến lung linh thắp sáng về đêm tạo không gian ẩm thực độc đáo, thực khách có thể tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành và vẻ đẹp lãng mạn của ngôi làng cổ.
Phát triển du lịch
Nghệ nhân trình diễn kỹ thuật làm gốm.
Theo ông Phan Tiến Dững, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, nghề gốm truyền thống đã dần được khôi phục với diện mạo mới cả về kỹ thuật, chất lượng, sản phẩm góp phần thu hút nhiều nghệ nhân trẻ tuổi làm hậu duệ cho lớp nghệ nhân lớn tuổi nhằm bảo tồn làng gốm đặc trưng này.
Trước đây người dân sử dụng giấy báo để gói sản phẩm nhưng sau khi được dự án tập huấn đã chuyển sang đóng gói bằng túi đệm mỗi khi bán cho du khách. Trải nghiệm nghề làm gốm cũng đã trở thành một chương trình quan trọng trong các chương trình tour du lịch ở Phước Tích, từ đó nâng cao ý thức và lòng tự hào của người dân về nghề gốm truyền thống.
Mong muốn của nhóm làm gốm Phước Tích là có một nơi trưng bày và bán sản phẩm gốm, vì thế dự án đã bàn với nhóm gốm và những người dân khác và quyết định đầu tư kinh phí cải tạo nội thất một căn nhà cổ thành bảo tàng gốm Phước Tích. Trong bảo tàng có khu trưng bày bộ sưu tập gốm Phước Tích qua các thời kỳ cho khách tham quan.
Chủ của ngôi nhà cổ này là thợ đốt lò truyền thống nên khi đến tham quan, khách du lịch có thể nắm được thông tin về đặc điểm văn hóa, lịch sử của gốm Phước Tích. Ông Nguyễn Bá Trung, thợ đốt lò truyền thống cho biết: “Tôi rất tự hào khi được hướng dẫn khách du lịch trong vai trò thuyết minh viên du lịch. Tôi tự hào vì có thể đại diện xóm làng giới thiệu cho du khách nét đẹp cảnh quan, truyền thống văn hóa, kiến trúc nhà cổ, tập quán sinh hoạt lâu năm của làng. Để có thể tự tin làm được việc này, ngoài trau dồi vốn sống, ôn lại kiến thức, tôi và các anh em trong nhóm thường xuyên tìm cơ hội học tập từ các khóa tập huấn dự án, từ các buổi nói chuyện của chuyên gia du lịch nước ngoài”.
Mạnh Phúc