Kinh tế bền vững, gắn kết cộng đồng từ dự án Thêm Cây

06:47 | 03/11/2018

TĐO –7 năm nay, dự án Thêm Cây thuộc chương trình Hợp Lực tài trợ bởi tổ chức DDS Đan Mạch đã đem lại lợi ích cho người dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trên nhiều phương diện.

Lấy người dân làm trung tâm

Là một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, Hương Sơn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 84.000 ha, chiếm 76,5% diện tích tự nhiên. Tài nguyên rừng dồi dào là lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng.

Từ năm 2011, dự án Thêm Cây đã được triển khai tại huyện Hương Sơn với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý rừng, sản xuất lâm nghiệp bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân từ rừng.

Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua việc xây dựng nguồn nhân lực nòng cốt ngay tại địa phương. Trong khuôn khổ dự án, các nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp được lựa chọn tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật.

kinh te ben vung gan ket cong dong tu du an them cay

Chuyên gia Đan Mạch trực tiếp tập huấn cho nông dân tại Hương Sơn, Hà Tĩnh (tháng 5/2017). Ảnh Dự án.

Chương trình tập huấn được triển khai bởi hai đối tác chính của dự án là Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh và trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tham dự chương trình, người dân được trang bị các kỹ năng toàn diện về lâm nghiệp, từ trồng, chăm sóc, cải tạo rừng cho tới bảo vệ, phòng chống cháy rừng và kỹ năng hạch toán kinh tế hộ.

Hoàn thành khóa tập huấn, trở về địa phương, chính những "học viên" này lại đóng vai trò “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn cho bà con cùng xóm, thôn.

Chính cách làm “nông dân giúp nông dân” đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, nhờ sự đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, tập trung vào thực hành.

Trong khuôn khổ dự án Thêm Cây, các nhóm sản xuất được xây dựng dựa trên sở thích, năng lực của nông dân, được phân chia hoạt động khép kín từ khâu sản xuất giống đến trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Không chỉ dừng lại ở việc hình thành các nhóm nhỏ, năm 2015, dự án Thêm Cây đã hỗ trợ huyện Hương Sơn thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông Lâm nghiệp và Môi trường Sơn Hàm (xã Sơn Hàm).

kinh te ben vung gan ket cong dong tu du an them cay

Sự ra đời của HTX đánh dấu một bước phát triển quan trọng của dự án Thêm Cây tại Hương Sơn. Ảnh Dự án.

Sự ra đời của HTX đánh dấu một bước phát triển quan trọng của dự án Thêm Cây tại Hương Sơn, khi 60 nhóm nông dân trồng rừng với khoảng 900 hộ gia đình thành viên được đại diện bởi một tổ chức có tư cách pháp nhân. Nhờ mô hình HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp cũng được thực hiện một cách có hệ thống, toàn diện, từ khâu cung cấp nguồn giống trồng rừng, cung cấp dịch vụ trồng, chăm sóc, khai thác rừng cho tới dịch vụ quản lý rừng như hồ sơ, kỹ thuật, tài chính.

Kết quả tích cực, triển vọng bền vững

Sau 7 năm thực hiện, dự án Thêm Cây tại huyện Hương Sơn đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, trong khuôn khổ dự án, 60 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ đã được tổ chức cho 1.900 nông dân. Bên cạnh đó, 1.200 nông dân thuộc 58 nhóm sản xuất đã được nâng cao năng lực hoạt động quản lý và phát triển rừng bền vững.

Các đề xuất phương án sản xuất kinh doanh của 58 nhóm đã nhận được số tiền hỗ trợ từ dự án lên đến trên 1,2 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục như: Khai thác rừng, chăm sóc rừng, trồng, ươm cây giống và sản xuất nông – lâm kết hợp, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững.

Nhờ sự hỗ trợ của dự án, nông dân huyện Hương Sơn đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thêm vốn đầu tư sản xuất. Cụ thể, 3.500 ha rừng trồng của 1.800 hộ nông dân đã được áp dụng kỹ thuật lâm sinh, quản lý hiệu quả, tăng giá trị kinh tế.

Các HTX đạt sản lượng, doanh thu ngày càng cao, điển hình như HTX Dịch vụ Nông Lâm nghiệp và Môi trường Sơn Hàm đã đạt doanh thu 1,024 tỉ đồng trong năm 2017.

kinh te ben vung gan ket cong dong tu du an them cay

Sau 7 năm thực hiện, dự án Thêm Cây tại huyện Hương Sơn đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Ảnh Dự án.

Nhờ đó, bình quân thu nhập mỗi hộ được tăng thêm từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, 20 thành viên của HTX có công ăn việc làm ổn định với thu nhập 3 – 4 triệu đồng/ tháng.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt, những chuyển biến dự án Thêm Cây đem lại còn có ý nghĩa tích cực trong phát triển bền vững, khi góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Cũng nhờ dự án, nhận thức, tư duy về quản lý, phát triển rừng của người dân địa phương đã có nhiều tiến bộ đáng kể.

Thông qua dự án, người nông dân được nâng cao năng lực trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, hạch toán kinh tế, khai thác gỗ tiết kiệm, bảo vệ rừng, lồng ghép hoạt động của dự án vào các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bên cạnh đó, việc hình thành các nhóm sản xuất còn có ý nghĩa về mặt xã hội, khi tạo cơ hội cho các thành viên nhóm được thường xuyên gặp gỡ, bàn bạc giải quyết khó khăn, tăng hiệu quả công việc, đồng thời tăng sự gắn kết trong cộng đồng.

Dự án Thêm Cây thuộc chương trình Hợp Lực tài trợ bởi tổ chức Xã hội Dân sự trong Phát triển (CISU) Đan Mạch, quản lý kỹ thuật bởi Trung tâm Khuyến Lâm Đan Mạch (DFE).

Tại một địa bàn khác của dự án là tỉnh Hòa Bình cũng ghi nhận kết quả tích cực. 3.000ha rừng của 1.700 nông dân tại hai huyện Cao Sơn và Đà Bắc đã được áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh và quản lý hiệu quả đã mang lại giá trị bình quân thu nhập tăng thêm 10 đến 15 triệu đồng/năm.

Môi trường sống của đại đa số nông dân gần khu vực rừng được cải thiện về nguồn nước, tình trạng xói mòn, rửa trôi, sạt lở, lũ quét giảm so với trước.

Phi Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kinh-te-ben-vung-gan-ket-cong-dong-tu-du-an-them-cay-53339.html

In bài viết