Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam: “Cây hữu nghị” 50 năm tỏa bóng mát

05:18 | 29/07/2018

TĐO-Khi chiến tranh tại Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, có một “hạt mầm” của tình hữu nghị đã được gieo trồng bởi những người Hà Lan yêu Việt Nam. Qua nửa thế kỷ, hạt mầm nhỏ bé ấy đã vươn mình thành “cây cổ thụ” vững chãi, xanh tươi. Đó chính là Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV).

“Hạt mầm” đâm chồi giữa đạn bom

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam được thành lập vào ngày 18/11/1968, bởi một nhóm trí thức gồm: Giáo sư Jaap de Haas, bác sĩ Nick Van Rhijn và bác sĩ Fred Groenink, với mục đích chính là hỗ trợ thuốc men trên quy mô lớn cho những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất ở Việt Nam.

Sự ra đời của MCNV đã đóng vai trò như một cây cầu xuyên lục địa, nối liền những tấm lòng nhân đạo của Hà Lan với người dân Việt Nam. Chính bởi vậy, ngay từ những ngày đầu hoạt động, MCNV đã nhận được sự ủng hộ tích cực tại đất nước nơi nó được sinh ra, một trong những quốc gia có phong trào phản chiến sôi nổi nhất trên thế giới.

Thông qua MCNV, trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bên cạnh những cuộc tuần hành, biểu tình phản chiến, người dân Hà Lan đã thể hiện sự ủng hộ chân thành và nhiệt huyết cho Việt Nam qua nhiều hoạt động hết sức thiết thực.

Năm 1973, MCNV đã quyên góp được 4 triệu Euro từ 67.000 nhà tài trợ dành cho Việt Nam.

uy ban y te ha lan viet nam cay huu nghi 50 nam toa bong mat

Các tình nguyện viên MCNV hỗ trợ thuốc và thiết bị y tế cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Trong thời gian đầu, việc hỗ trợ cho Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới hình thức “cứu trợ khẩn cấp” với những mặt hàng như: Lương thực, thuốc, dụng cụ y tế, một số vật phẩm cần thiết phục vụ đời sống, chiến đấu (xe đạp, máy khâu,…).

Bên cạnh những tài trợ về nhu yếu phẩm, MCNV còn mang đến cho Việt Nam một đội ngũ nhân lực y tế tận tâm. Ngay từ những năm đầu được thành lập, có đến hơn 600 bác sĩ, dược sĩ, y tá và giảng viên các trường đại học tại Hà Lan tình nguyện tham gia các hoạt động của MCNV, trong đó có chương trình “Bác sĩ nhân đạo trong thời kỳ chiến tranh” tại Việt Nam.

Năm 1973, bác sĩ Nick Van Rhijn, một trong ba người đồng sáng lập MCNV, đã khởi xướng kế hoạch xây dựng một bệnh viện lắp ghép cho tỉnh Quảng Trị, địa phương bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cá nhân, của Bộ trưởng Bộ Hợp tác & Phát triển Jan Pronk và tất cả các trường đại học ở Hà Lan, kế hoạch này bắt đầu được triển khai vào năm 1974 và hoàn thành vào năm 1977.

Sự ra đời của Bệnh viện Hà Lan trong những năm tháng hậu chiến gian khổ đã mang lại sự sống cho rất nhiều người dân Quảng Trị. Thậm chí, lúc bấy giờ, các ông bố, bà mẹ ở đây đã lấy tên đất nước Hà Lan để đặt tên cho con mình như một sự tri ân.

uy ban y te ha lan viet nam cay huu nghi 50 nam toa bong mat

Bệnh viện Hà Lan (Quảng Trị) đã trở thành nhà lưu niệm của MCNV. Ảnh MCNV.

Ngày nay, một phần của Bệnh viện Hà Lan trước đây được sửa chữa để làm nhà lưu niệm của MCNV, nơi lưu giữ những thước phim, tấm ảnh, áp phích và nhiều hiện vật minh chứng cho lịch sử phát triển của MCNV, cũng như trưng bày những hình ảnh về phong trào chống chiến tranh thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Hà Lan đối với nhân dân Việt Nam.

“Cây hữu nghị” tỏa bóng mát xanh tươi thời bình

Sau khi chiến tranh kết thúc, MCNV vẫn tiếp tục sát cánh bên Việt Nam, cùng san sẻ những nhọc nhằn với người dân trong công cuộc tái thiết đất nước.

Đóng góp của MCNV với Việt Nam thời hậu chiến được ghi nhận nổi bật trong công cuộc phòng, chống bệnh lao (từ năm 1983) và sốt rét (1987).

Đặc biệt, chính MCNV đã hỗ trợ đặt nền tảng cho Chương trình Phòng chống Lao quốc gia của Việt Nam. Những nghiên cứu trong chương trình này đã đem lại một phương pháp chống lao hết sức thành công mà đến ngày nay vẫn được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới.

Năm 1993, chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Với dự án này, MCNV chú trọng đến việc xây dựng năng lực và hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các đối tác địa phương nhằm hỗ trợ cho nhóm những dân cư chịu nhiều thiệt thòi, như người nghèo, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, nhiều năm qua, MCNV đã tích cực đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam. Chương trình hỗ trợ người khuyết tật được bắt đầu với các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Trị, mở rộng ra các tỉnh Đắk Lắk, Cao Bằng, Phú Yên, Khánh Hòa, Điện Biên.

Bước đầu, dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, khi mang lại lợi ích về mặt y tế, giáo dục, tài chính, xã hội cho hơn 20.000 người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

Trong đó 88% trẻ khuyết tật ở tuổi đến trường tại các địa bàn dự án đã được tiếp cận với chương trình giáo dục phù hợp; 70% người khuyết tật nghèo trong vùng dự án đã thoát nghèo nhờ vào các hỗ trợ tài chính và kĩ thuật cho các hoạt động tăng thêm thu nhập.

Trong hai năm trở lại đây, MCNV đang phối hợp cùng với tổ chức Handicap International thực hiện dự án: “Tăng cường chăm sóc y tế và giáo dục phục hồi chức năng” (2016-2020) dựa trên nguồn kinh phí do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.

Mục tiêu chung của dự án là giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng, đặc biệt là giảng viên nòng cốt trong hoạt động trị liệu, kiện toàn chương trình đào tạo, phát triển các đơn vị hoạt động trị liệu phục vụ công tác đào tạo.

uy ban y te ha lan viet nam cay huu nghi 50 nam toa bong mat

Cán bộ Dự án hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng tỉnh Điện Biên do MCNV thực hiện tháng 5/2018. Ảnh Quốc Anh.

Hiện tại, MCNV đang phối hợp chặt chẽ với trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP.HCM để triển khai các mục tiêu này.

Bên cạnh nhóm người khuyết tật, các dự án y tế của MCNV còn tập trung hỗ trợ cho phụ nữ có HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa.

Đây là những dự án không chỉ mang tính chất y tế, mà còn có ý nghĩa về mặt hòa nhập xã hội, nâng cao nhận thức, nâng quyền của đối tượng được hưởng lợi.

Hiện tại, các dự án của MCNV được triển khai với sự hỗ trợ của những nhà tài trợ cá nhân, một số nguồn quỹ gia đình từ Hà Lan, một số tổ chức như Liên minh Châu Âu, Bộ Ngoại giao Hà Lan, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, v.v..

Bên cạnh Việt Nam, MCNV cũng giúp liên kết mạng lưới hợp tác xuyên biên giới giữa hai nước Lào và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau như y tế và nông nghiệp.

Với những đóng góp quý báu trong nửa thế kỷ qua, MCNV chính là biểu tượng tiêu biểu cho tình hữu nghị sâu đậm, bền chặt. Và tình hữu nghị ấy đang được tiếp tục xây đắp bởi những tấm lòng đáng trân trọng. “Từ những ngày khó khăn, gian khổ của chiến tranh và đến bây giờ, họ vẫn như những con ong cần mẫn xây đắp những nhịp cầu quan hệ, hữu nghị hợp tác Việt Nam - Hà Lan” (chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa).

* Những điều ít biết về MCNV:

- MCNV được thành lập 5 năm trước khi Việt Nam – Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

- Từ những năm 1990, MCNV đã mở rộng hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực ngoài y tế, với các dự án như tín dụng vi mô cho phụ nữ nghèo, phát triển sinh kế gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, v.v..

- Văn phòng MCNV tại Amsterdam (Hà Lan) như một không gian Việt Nam thu nhỏ với rất nhiều các bức ảnh chụp các vùng miền, bên cạnh những sản phẩm ViệtNam và một góc thư viện sách Việt Nam.

- MCNV đã 3 lần đón nhận Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam (1977, 1993 và 2004).

Phi Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/uy-ban-y-te-ha-lan-viet-nam-cay-huu-nghi-50-nam-toa-bong-mat-53307.html

In bài viết