Gia đình độc nhất miền Tây “giữ hồn” ghe Ngo

07:57 | 17/11/2018

TĐO- Vợ chồng ở Sóc Trăng gác ngang công việc “cần câu cơm” của gia đình, ngày đêm điểm tô làm đẹp cho hàng chục chiếc ghe Ngo chuẩn bị cho hội Đua ghe Ngo.

Gia đình 3 đời gìn giữ bản sắc

Những ngày này tại các vùng quê đông đồng bào Khmer sinh sống của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không khí lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer trở nên sôi nổi, rộn ràng.

Đây cũng là thời điểm những nghệ nhân làm công việc trang trí “giữ hồn” cho những chiếc ghe Ngo tất bật với những phần việc của mình; trong số đó phải kể đến vợ chồng, chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên (người dân tộc Khmer) ở phường 2, TP. Sóc Trăng gác ngang công việc “cần câu cơm” của gia đình, ngày đêm điểm tô làm đẹp cho hàng chục chiếc ghe Ngo chuẩn bị dự hội Đua ghe Ngo truyền thống.

gia dinh doc nhat mien tay giu hon ghe ngo

Vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên đang trang trí ghe Ngo.

Chúng tôi gặp anh chị khi đang hoàn tất những hoa văn cuối cùng trên chiếc ghe Ngo chùa Ompuyear (hay còn gọi là chùa Nhu Gia) tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Chị Sơn Sà The cho biết: Vợ chồng anh chị mất từ 4 - 5 ngày để hoàn thành việc trang trí một chiếc ghe Ngo và cũng tùy thuộc vào họa tiết trang trí trên ghe, có khi cả tuần mới xong được một chiếc. Bởi mỗi chiếc ghe Ngo của các chùa người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng thể hiện ở mũi ghe. Đây là điểm nhấn của chiếc ghe Ngo nên khâu chọn vị trí và vẽ làm sao biểu tượng họa tiết sống động, khi tham gia ghe bơi đua tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem.

gia dinh doc nhat mien tay giu hon ghe ngo

Chị Sà The tỉ vẽ những họa tiết trên ghe Ngo.

Vừa phát thảo họa tiết công phu, sinh động ở phần mũi ghe Ngo, chị Sơn Sà The tiếp lời, đối với nghệ thuật vẽ, nếu chỉ dựa vào chút năng khiếu thì chưa đủ mà còn đòi hỏi sự đam mê, ham học hỏi và sáng tạo trên nền tảng nét văn hóa truyền thống. Chị là nghệ nhân đời thứ 3 sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê tranh vẽ tường tại các chùa chiền Khmer.

Khi mới 8 tuổi, chị đã được ông ngoại là nghệ nhân Lý Nghét và mẹ là nghệ nhân Lý Lệ Sông truyền đạt những kiến thức nghệ thuật; đồng thời chị, cũng học tập tay nghề từ người cậu là nghệ nhân Lý Lết. Chồng chị anh Lâm Phiên cũng là học trò của nghệ nhân Lý Nghét, chị Sà The chia sẻ.

Hết lòng vì văn hóa truyền thống

Về công việc trang trí ghe Ngo anh Lâm Phiên cho hay, vợ chồng anh vốn là những nghệ nhân đam mê tranh vẽ tường và nghệ thuật điêu khắc hoa văn Khmer, có thâm niên hơn 20 năm thực hiện những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ tường tại ngôi chánh điện, sala; những bích họa phật giáo, tiểu sử Đức phật tại khắp các chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nhiều năm nay, vợ chồng được các chùa mời đến thực hiện trang trí hoa văn trên trang trí hàng chục chiếc ghe Ngo. Những ngày này hai vợ chồng tạm gác việc làm để cùng nhau trang trí cho những chiếc ghe Ngo. “Yêu nghề này vì đây là nghề truyền thống của dân tộc nên cố gắng bảo tồn. Mình muốn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer thông qua việc trang trí những đường nét trên ghe Ngo, chứ tiền công trang trí ghe Ngo chẳng là bao, khi làm xong hai vợ chồng thường cúng lại chùa một phần tiền công” - Anh Lâm Phiên vừa lay cọ vẽ hoa văn vừa chia sẻ.

gia dinh doc nhat mien tay giu hon ghe ngo

Anh Lâm Phiên đang mệt mài trang trí ghe Ngo

“Những ngày này cũng bận lắm vì vợ chồng tôi đang phải hoàn thành việc trang trí và đắp tượng phật tại chùa Tum Núp; vừa chạy đi trang trí cho ghe Ngo của các chùa để kịp tiến độ chùa hạ thủy ghe đi tham dự Hội đua, có ngày phải làm luôn cả ban đêm cho xong việc. Như hôm nay, sau khi xong chiếc ghe Ngo ở đây (chùa Nhu Gia - PV) vợ chồng tôi sẽ chạy sang trang trí cho ghe của chùa Trà Quýt (cũ)” - Anh Lâm Phiên nói thêm. “Những ngày này, thời gian ở chùa nhiều hơn thời gian ở nhà, con chị thường hỏi “sao cha mẹ đi suốt không ở nhà với con vậy?” nhưng vì yêu nghề nên đành vất vả” - chị Sà The tiếp lời chồng.

gia dinh doc nhat mien tay giu hon ghe ngo

Để hoàn thành việc trang trí chiếc ghe Ngo hai vợ chồng anh chị phải mất ít nhất từ 4 đến 5 ngày

Với đôi bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo, vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên được rất nhiều chùa ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang... mời đến để thực hiện các điêu khắc hoa văn, trang trí, vẽ tường... theo kiến trúc truyền thống dân tộc Khmer từ đó đã có hàng trăm tác phẩm công phu, độc đáo được thực hiện.

Lễ hội hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Lễ hội hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2018 do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức diễn ra từ ngày 16 - 22/11. Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Cũng như, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về địa phương và con người Sóc Trăng; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh... Đặc sắc của lễ hội là giải đua ghe Ngo truyền thống diễn ra trong 2 ngày 21- 22/11; với sự tham gia của 50 đội ghe Ngo đến từ các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang….tham dự tranh tài.

Thành Thật

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gia-dinh-doc-nhat-mien-tay-giu-hon-ghe-ngo-53071.html

In bài viết