Quy hoạch tượng Vua Hùng: Chỉ xây tối đa 6 tượng đài ngoài trời

11:09 | 11/05/2018

TĐO - Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia, khi chưa thống nhất nhân diện Vua Hùng thì không nên xây tượng đài tràn lan các tỉnh thành, cần hạn chế tối đa số lượng.

Mới đây, Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT-NA-TL) đã tổ chức hội thảo “Nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035” tại Hà Nội. Rất nhiều ý kiến của các nhà sử học, nghệ sĩ điêu khắc tượng đều cho rằng, khi chưa thống nhất nhân diện Vua Hùng thì không nên xây tượng đài tràn lan các tình thành và nơi thờ tự.

Nhiều tượng Quốc tổ xa lạ và đơn điệu

Cục MT-NA-TL nhận định, hiện đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ và một số ít được xây dựng ở không gian công cộng ngoài trời, là tượng trang trí phục vụ du lịch do đó không mang tính biểu tượng và thiếu tính sáng tạo về nghệ thuật.

Tượng Hùng Vương ngoài trời có ở Công viên văn hóa Đồng Xanh (Gia Lai), Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên (TP.HCM) và một vài tượng Hùng Vương khác quy mô nhỏ.

quy hoach tuong vua hung chi xay toi da 6 tuong dai ngoai troi

Tượng đài Hùng Vương ở Suổi Tiên - TP.HCM. Ảnh: Dân trí

Tượng Hùng Vương ở Công viên văn hóa Đồng Xanh nằm trong đền thờ vua Hùng có diện tích 9000m2, làm bằng gỗ mít nguyên khối nặng 6,5 tấn sơn thếp vàng bên ngoài. Phía trước sân thờ là 18 vị vua Hùng mỗi tượng cao hơn 3m chưa kể bệ. Tượng vua Hùng ở Suối Tiên hoàn thành năm 2002, được đặt trong không gian mở (nửa ngoài trời, nửa trong nhà), sơn son thiếp vàng, đội mũ lông chim... nhưng diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối cách điệu.

Đến nay, chưa có công trình tượng Hùng Vương nào tương xứng tầm tượng đài ở Việt Nam.

“Tượng Quốc tổ Hùng Vương là biểu tượng của lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên. Đây là truyền thống văn hóa, tâm linh, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Các tượng Quốc tổ Hùng Vương góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, các tượng đài Hùng Vương xây dựng trong nhà hay ngoài trời còn nhiều nhược điểm về chuyên môn nghệ thuật, nhân chủng học, trang phục, không gian môi trường nơi đặt tượng...” - Trích báo cáo của Cục MT-NA-TL.

quy hoach tuong vua hung chi xay toi da 6 tuong dai ngoai troi

Tượng đài Vua Hùng ở Đồng Xanh - Gia Lai. Ảnh: Dân trí

Hạn chế tối đa số lượng

Phát biểu tại Hội thảo, GS Phạm Mai Hùng, Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam nhận định: “Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương như thế nào, trong lịch sử không có nhận diện về Vua Hùng. Ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn và các nhà sử học hay nhà khảo cổ Việt Nam vẫn chưa có lời lý giải và minh chứng.

Vì vậy, việc làm tượng Vua Hùng cần được quản lý. Nếu không quản lý được thì sẽ có rất nhiều ông Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là Quốc tổ, ông nào đời thứ bao nhiêu…”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Vua Hùng là một biểu tượng được tôn sùng. Nhưng ngay cả đối với những người làm sử cũng còn phải đặt ra câu hỏi Vua Hùng là ai? Là một biểu tượng của nhân dân Việt Nam nên việc tôn sùng là cần thiết. Nhưng hình tượng hóa Vua Hùng như thế nào cần phải có sự chuẩn bị kỹ.

Phần khác, thiết nghĩ giá trị lớn nhất mà Việt Nam nên phát huy là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO phong tặng là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bởi vậy nên chăng chúng ta xây dựng các khu thờ cúng Vua Hùng thay vì tìm cách xây dựng những tượng đài ở khắp nơi”.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường: “Nên chăng chỉ cần có một tượng đài Hùng Vương ở đất tổ Phú Thọ để có sự hành hương, chiêm bái. Nếu không thì quy hoạch tượng đài Hùng Vương theo tính vùng, miền. Mỗi vùng, miền có một tượng đài đại diện”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mối liên hệ giữa tượng đài và địa phương xây dựng tượng đài Hùng Vương cần được đặt trong bối cảnh xã hội và cảnh quan cụ thể, đồng thời liên quan đến các di tích, công trình xung quanh. Tượng đài Hùng Vương khi được xây dựng ở địa phương đó là phần thêm vào lịch sử, thể hiện sức sống liên tục của cộng đồng và địa phương.

Các tượng đài cần được xác nhận sự liên quan với quá khứ cộng đồng và địa phương nên cần xem xét những tác động của tượng đài đến cuộc sống của người dân và sự kiện phát triển địa phương trong tương lai.

quy hoach tuong vua hung chi xay toi da 6 tuong dai ngoai troi

Thứ trưởng Vương Duy Biên tại Hội thảo lấy ý kiến quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. Ảnh: Cinet

Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: “Không đơn thuần là vấn đề quy hoạch xây dựng, việc quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương còn liên quan đến nhiều vấn đề rộng hơn, liên quan đến nhiều đối tượng và hàm chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống. Rõ ràng nhu cầu thờ cúng vua Hùng, biết ơn Tổ tiên thì nơi nào cũng có. Nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng xây tượng đài".

Mục tiêu quan trọng của Quy hoạch này là hạn chế số lượng "làm sao để không quá 6 tượng đài, trường hợp xấu nhất chỉ một công trình".

Ngân Linh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quy-hoach-tuong-vua-hung-chi-xay-toi-da-6-tuong-dai-ngoai-troi-52873.html

In bài viết