“Giao lưu Văn học Hàn Quốc – Việt Nam”, cảm nhận mới mẻ và những cái nhìn đa chiều

20:00 | 21/11/2018

TĐO-NXB Trẻ đã phối hợp cùng Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tổ chức chương trình “Giao lưu Văn học Hàn Quốc – Việt Nam” tại Đường Sách tại TP.Hồ Chí Minh.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời danh dự: Nữ nhà văn Eun Heekyung, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, ông Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc NXB Trẻ , Khoa Hàn Quốc học, ĐH KHXH &NV cùng các bạn đọc yêu văn chương và đặc biệt quan tâm đến nền văn học Hàn Quốc.

giao luu van hoc han quoc viet nam cam nhan moi me va nhung cai nhin da chieu

Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các bạn sinh viên trường ĐH KHXH &NV.

Bên cạnh những chia sẻ về văn hóa, con người của hai nước, buổi giao lưu cởi mở còn là cơ hội để bạn đọc tìm hiểu sâu sắc hơn nền văn học Hàn Quốc – Việt Nam. Thông qua 2 tác phẩm “Món quà từ cánh chim “ của nhà văn Eun Heekyung và “Con chim Joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy, những cảm nhận mới mẻ và cái nhìn đa chiều từ các khách mời đã làm thỏa mãn bạn đọc.

Hai nhà văn cách nhau một thế hệ so về tuổi đời, Eun Heekyung đã có 25 năm cầm bút mặc dù bà khởi đầu sự nghiệp văn chương khá muộn: ở tuổi 35. Tuy nhiên, điểm chung của hai nhà văn là trưởng thành trong thời hậu chiến của mỗi nước.

“Văn chương của cả hai đều trưởng thành cùng lúc với sự trưởng thành của châu Á về kinh tế xã hội", ông Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc NXB Trẻ nhận xét. Cùng với xu hướng "Hàn lưu" lan tràn sang các nước trong khu vực và châu lục, văn chương Hàn Quốc trong mấy năm trở lại đây được biết đến khá nhiều ở Việt Nam.

giao luu van hoc han quoc viet nam cam nhan moi me va nhung cai nhin da chieu

Nhà văn Eun Heekyung (giữa) chia sẻ quan niệm văn chương tại buổi giao lưu cùng nhà văn Đỗ Tiến Thụy (phải).

Eun Heekyung cho biết, hiện nay công chúng Hàn Quốc đang đắm chìm trong văn hóa đại chúng là các loại hình nghe nhìn. "Trong khi văn chương có tác dụng làm cho người ta nhận thức được giá trị cuộc sống, làm người ta hạnh phúc hơn khi đắm mình vào cuộc sống", nhà văn Eun Heekyung bày tỏ.

Chia sẻ đồng cảm với Eun Heekyung, Đỗ Tiến Thụy tự nhận có theo dõi dòng văn học Hàn Quốc, đã đọc tác phẩm “Món quà từ cánh chim” và nhận thấy ở tác giả Eun Heekyung một "bút pháp hiện thực giản dị mà sâu sắc".

"Trước kia, tôi cứ hình dung đất nước Hàn Quốc nổi trội là tình yêu, nhưng khi đọc Eun Heekyung, tôi nhận ra hiện thực Hàn Quốc cũng rất khắc nghiệt", ông Thụy nhận định.

giao luu van hoc han quoc viet nam cam nhan moi me va nhung cai nhin da chieu

Hai tác phẩm do NXB Trẻ ấn hành được đề cập trong buổi giao lưu.

Eun Heekyung là một nhà văn Hàn Quốc. Năm 1995, nhà văn ra mắt văn đàn với tác phẩm truyện vừa “Song tấu” và cùng năm đó là tiểu thuyết “Món quà từ cánh chim” gây được sự chú ý rất lớn.

Tác phẩm được triển khai theo hình thức kể truyện khung kể về nhân vật “Tôi” là một thanh niên ngoài 30 tuổi, hồi tưởng lại thời kì thiếu niên 12 tuổi. Thông qua nhân vật là cô bé 12 tuổi trong “Món quà từ cánh chim”, tác giả đã lồng ghép nhiều tầng ý nghĩa vào câu truyện, từ đó cái nhìn của tác giả về xã hội đã được bộc lộ một cách khách quan.

Còn nhà văn Đỗ Tiến Thụy sinh năm 1970 tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc TP.Hà Nội), nguyên là lính lái xe tại Binh đoàn Tây Nguyên, hiện là Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Để có “Con chim Joong bay từ A đến Z”, Đỗ Tiến Thụy đã mất tới 5 năm thai nghén, từ gần 700 trang bản thảo cắt gọt chỉ còn 315 trang tiểu thuyết. Tác phẩm đã phản ánh vô cùng chân thật về hiện thực đời sống xã hội thời hậu chiến vừa cuốn hút, bi hài lại vừa sâu cay, sinh động.

Đỗ Quyên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-luu-van-hoc-han-quoc-viet-nam-cam-nhan-moi-me-va-nhung-cai-nhin-da-chieu-51206.html

In bài viết