“Chân dung” ít người biết của “Gia Định ngũ hổ tướng”

10:02 | 08/11/2018

Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long Nguyễn Ánh nhất thống sơn hà, lập nên triều đại nhà Nguyễn tồn tại 143 năm trong lịch sử nước Việt. Công cuộc lập nên đế nghiệp ấy gian lao vất vả lắm lắm, và công sức hãn mã của các công thần là không phủ nhận; trong đó, phải kể đến “Gia Định ngũ hổ tướng” với những cái tên vang danh Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức...

Bài 1: Tả quân Lê Văn Duyệt - Công nghiệp rộng khắp

Tả quân Lê Văn Duyệt, đương thời khi ông sống cho đến nay, danh tiếng vang khắp cõi Nam. Không chỉ là sự ghi nhận công lao từ vua đương triều, mà nhân dân, nhất là ở đất Nam Bộ nay, ngưỡng vọng uy danh của ngài.

Khai quốc công thần bậc nhất

Trong những khai quốc công thần nhà Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) chiếm vị trí trang trọng, từng cùng chúa Nguyễn Ánh “lên núi đao, xuống biển lửa”, xông pha hòn tên mũi đạn để khôi phục vương nghiệp, đế nghiệp cho chúa. Tổng trấn họ Lê vốn là con của ông Toại bà Toại, gốc người Quảng Ngãi, tổ tiên sau dời vào Mỹ Tho.

Ngay từ nhỏ, hình dung của Lê Văn Duyệt đã nhỏ thó, người thấp, có sức mạnh, tính nết nhanh nhẹn thông minh, gan dạ khí khái, rất thích chọi gà. Sau này, Lê Văn Duyệt đã được thầy dạy dỗ “truyền trao nghề văn nghiệp võ cho ngài, ngài học ít biết nhiều”. 17 tuổi thì vị Tổng trấn tương lai ra hầu Nguyễn Ánh, làm chức Thái giám nội đình. Kể từ đây, Lê Văn Duyệt ngày càng trở nên một tôi thần đắc lực của chúa Nguyễn Ánh.

chan dung it nguoi biet cua gia dinh ngu ho tuong

Tả quân Lê Văn Duyệt

Phong cách con người ông, được phác họa trong Điếu cổ hạ kim thi tập, đại lược rằng “có sức mạnh, tánh nết nhậm lẹ thông minh, gan ruột khí khái” … “tánh ngài nhậm lẹ khôn lanh, và siêng năng, mỗi việc đều xong xuôi không trễ nãi”. Riêng đối với việc quân việc nước, bản tính của kẻ làm tướng được thể hiện rõ ở sự uy nghiêm hiếm kẻ bì kịp: “Tánh ngài ngay thẳng thanh bạch, hiệu lịnh nghiêm minh, các tướng sĩ và các quan không dám ngước mặt lên mà ngó ngài, mỗi khi nào ngài lại kính bái yết vua, thì các quan đại thần nội trào cả thảy đều sợ”. Đó là những tố chất cần thiết cho kẻ theo nghiệp gươm đao nơi chiến trường khốc liệt.

Lúc cầm quân giao tranh với quân tướng Tây Sơn, thân làm tướng nhưng Lê Văn Duyệt được biết đến là người luôn tiên phong đi đầu, để từ đó như “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” viết: “Phó thang tạo hỏa chiến trường, dự trăm trận đánh trải đường binh nhung/Giải dầu biết mấy lao công, Phò an chơn mạng Gia Long thái bình”.

Khi vương triều mới được lập, đất nước thống nhất, thái bình, vị tướng xuất thân từ chân thái giám ấy lĩnh nhận nhiệm vụ của quan cai trị. Theo Đại Nam liệt truyện cho hay, năm Kỷ Mão (1819) hai xứ Thanh - Nghệ mất mùa, đói kém, dân tụ nhau trộm cướp, quan cai trị không dẹp loạn được, ông thân hành theo lệnh vua đi tiễu trừ, làm công tác an dân, “tuyên thị uy đức triều đình, hỏi sự tột khổ của dân, các đám giặc cướp nghe gió vỡ tan, hoặc đến cửa quân đầu thú, hoặc bị quan lại bắt giết, trong cõi yên lặng”. Nhưng duyên trấn trị của ông là ở trấn thành Gia Định.

Ghi chép về công lao giúp rập vương triều của quan họ Lê Đại Nam liệt truyện thì đã ghi tường tận lắm. Ta có thể xem tổng quan vài lời nơi Việt Nam danh tướng yếu mục để biết rằng “từ ngày tiên sanh theo giúp đức Nguyễn Ánh” để lo khôi phục giang san nhà Nguyễn; khi đánh Bắc, lúc dẹp Nam, oai võ tiên sanh đến đầu thế như chẻ tre, làm cho phe nghịch hễ nghe tên tiên sanh thì giựt mình; lại cũng nhờ trận Thị Nại mà oai sấm tiên sanh lừng lẫy vang trời. Nếu lấy bảng các đức công thần, thì tiên sanh thứ nhứt”.

Vị Tổng trấn uy nghiêm, đức độ

Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh nơi Gia Định xưa và nay khi nói về chức Tổng trấn Gia Định thành, đã có lời “trong hàng Tổng trấn thành Gia Định khi xưa, nổi tiếng nhất là Tả quân Dinh Lê Văn Duyệt”. Nhận xét ấy có cơ sở lắm, bởi trong 24 năm tồn tại của Gia Định thành trải 3 đời Tổng trấn, thì quan họ Lê hai lần làm giữ chức ấy, chẵn là 18 năm. Năm Nhâm Thân (1812), nhân giải quyết quan hệ Xiêm - Chân Lạp, ông làm Tổng trấn thành Gia Định lần thứ nhất, Liệt truyện chép: “vua dụ cho Duyệt biết việc xử lý Xiêm, Lạp, lập tức sai Duyệt ra lĩnh Gia Định Tổng trấn, lại kiêm lĩnh cả hai trấn Bình Thuận, Hà Tiên”.

Vẫn theo Liệt truyện cho hay, lần thứ hai Lê Văn Duyệt lĩnh chức Tổng trấn Gia Định thành, nhằm năm đầu trị vì của vua Minh Mạng, “Minh Mạng năm thứ nhất (1820) tháng 5, Duyệt ra lĩnh Tổng trấn Gia Định thành, tất cả các việc thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại, việc thành, mưu kế ngoài biên, đều được tiện nghi làm việc”.

Làm quan đứng đầu Gia Định thành, một vùng đất rộng lớn gồm cả Nam Bộ ngày nay, quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt tỏ ra là một vị quan tài đức, công bình, được sự mến mộ của người dân trong vùng, sự nể phục của lân bang Chân Lạp, Xiêm La. Trong tuần báo Nam kỳ địa phận, có đoạn ghi về quan Tổng trấn họ Lê như sau: “Vậy quan Tả quân Lê Văn Duyệt nhiều kẻ đã nghe danh tiếng đều là quan ngoại, song là người ăn ở công bình, cùng phò vua vực nước có công, tôi nghĩ chẳng nên làm thinh mà bỏ qua sự tích người”.

chan dung it nguoi biet cua gia dinh ngu ho tuong

Ban thờ Tổng trấn Lê Văn Duyệt trong lăng Ông Bà Chiểu

Là lớp hậu sinh, nhưng nghiên cứu kỹ về cuộc đời của đức Tả quân, mà dân bấy giờ gọi là “Ông Lớn Thượng”, học giả Trương Vĩnh Ký ghi nhận công lao cai trị Gia Định thành của Lê Văn Duyệt là “đã cai trị một cách thanh bình xứ sở này dưới triều Gia Long và phần đầu triều đại Minh Mạng” … “đối với dân Việt Nam, ông là một ông quan cai trị tốt, công bình, cương quyết và đôi khi không lay chuyển nổi”.

Có lẽ bởi thế mà cho đến nay, nơi đất Nam Bộ, như Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, Lăng Ông Bà Chiểu thờ Tả quân và vợ vẫn ngày đêm nghi ngút khói hương, dân tình đến chiêm bái cầu phúc lành không ngớt.

Danh thơm đọng lại

Đem hết sức vóc giúp rập khôi phục đế nghiệp cho chúa Nguyễn Ánh, đem hết tài năng mà thi thố với đời trong thời bình. Bước chân đi đến đâu, nơi đó yên bình, thịnh trị. Hiềm nỗi, sau khi Tả quân họ Lê mất, rồi thêm sự biến thành Phiên An của “dưỡng tử” Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng kết tội nặng đối với vị công thần đã khuất mà các nhà làm sử cho là nghiệt quá với công lao trung hưng họ Nguyễn của ông. Thế nên “Quốc sử ngâm” mới có đôi lời: Lê Văn Duyệt công thần thuở trước/ Đã khuất rồi làm nhuốc nhau chi.

Dẫu vậy, qua lớp bụi thời gian, những đóng góp của vị Tả quân họ Lê trong lịch sử, không bao giờ mờ phải. Thế nên uy danh của Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn trường tồn đến cả sau khi ông qua đời. Chuyên khảo về tỉnh Gia Định cho hay, dân Gia Định nơi ông trấn trị thuở xưa coi ông như một vị thần đầy linh thiêng: “Ông được tôn thờ, được coi là một trong những vị thần quyền năng nhất trong các thần bản xứ. Bên cạnh lăng của ông ở Bình-hòa, một trong những lăng lớn nhất đã được xây dựng, người ta cũng dựng lên một ngôi miếu để thờ ông những người sùng bái ông đến thờ cúng”.

Dĩ nhiên là trong miêu tả trên qua con mắt của người Pháp, họ chưa hiểu hoàn toàn sâu sắc về tín ngưỡng của người Việt, nên cụm từ “một trong những vị thần quyền năng nhất trong các thần bản xứ” ta có thể hiểu được phần thậm xưng.

chan dung it nguoi biet cua gia dinh ngu ho tuong

Bia trong Lăng Ông Bà Chiểu chụp năm 1900

Minh chứng cho sự ngưỡng vọng của dân đối với ông, đó là số người tham dự lễ hội tổ chức ở lăng ông luôn đến hàng chục vạn. Thống kê trong Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ta được biết, người Hoa đi lễ lăng ông chiếm khoảng 50%, trong lòng họ “người Hoa coi ông như một vị phúc thần mà lúc sinh thời làm Tổng trấn, đã có nhiều chủ trương, chính sách nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp”.

Nhưng không chỉ có thế, lăng Ông Bà Chiểu sau này còn là nơi phân giải đúng sai cho những vụ tranh chấp. Và nhiều giai thoại truyền lại, thì luôn tỏ ra sự linh thiêng, công bằng cho các vụ phán xử đó như Việt Nam danh tướng yếu mục ghi: “Lại có nhiều khi, người mình có ức hiếp điều chi, thì thường thách nhau vô lăng ông thề; ấy là lăng của quan Tả quân vậy; bởi lúc ngài còn sống là một vị trung quân ái quốc, đến chết thì hiển thánh thành thần”.../.

Trần Đình Ba

Mời bạn đón đọc Bài 2: Trương Tấn Bửu tận lực vì chúa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chan-dung-it-nguoi-biet-cua-gia-dinh-ngu-ho-tuong-51195.html

In bài viết