Kỳ thú lần giở “hồ sơ” những vụ án Việt thời xưa

07:00 | 09/11/2018

TĐO - Lịch sử là một dòng chảy bất tận, trong đó, có không ít những vụ án với nhiều bài học vô cùng hữu ích đã chìm khuất vì nhiều lý do. “Đãi cát tìm vàng”, có một nhà nghiên cứu trẻ đã kỳ công lần giở những trang sử xưa cũ, chắp nối và đối chiếu các sự kiện và đem trình với người đọc hiện đại “hồ sơ” nhiều vụ án lớn – từ hình sự, dân sự cho đến...văn chương – ngõ hầu giúp mỗi người “xem chuyện xưa, ngẫm chuyện nay” mà tự rút ra cho mình những bài học riêng...

“Việt án lần theo trang sử cũ” giới hạn quãng thời gian thế kỷ XI đến thế kỷ XIX (tính đến trước khi thực dân Pháp xâm lược) tương ứng với các triều đại đã qua trong lịch sử dân tộc từ thời Lý, Trần,… đến vương triều Nguyễn.

ky thu lan gio ho so nhung vu an viet thoi xua

“Việt án lần theo trang sử cũ” của tác giả Trần Đình Ba, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành

“Việt án lần theo trang sử cũ” thật ra được tác giả chọn lọc, hợp thành từ những bài báo viết cho mục “Án xưa tích lạ” trên tuần báo Pháp luật 4 phương với mục đích tìm trong sử cũ, gom góp những án xưa mà viết lại để nói xưa ngẫm nay. Qua tác phẩm này, ta biết thêm nhiều vụ án thú vị như vụ án Thái tử Lê Duy Vỹ bị nhà chúa vu cáo mà phải chết oan ức; chiến tranh Việt – Chiêm một phần đến từ việc Đỗ Tử Bình ỉm vàng của Chiêm Thành và nói dối vua Trần… và biết bao nhiêu vụ án khác nữa lôi cuốn độc giả với những tình tiết, những nội dung hấp dẫn.

Với sách “Việt án lần theo trang sử cũ”, ta thấy rằng không phải vụ án nào cũng được xét xử dựa theo luật pháp (như trường hợp thầy bói giả mù ở Lai Viễn kiều kiện anh lính ở Đàng Trong, trường hợp Thượng thư Nguyễn Văn Giai phải thay đổi tội danh cho tội nhân…). Những chuẩn mực luật pháp của Quốc triều hình luật thời Hậu Lê, của Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn… còn phụ thuộc vào tình huống cụ thể, vào tài năng, cách xử lý của các vị quan đại diện cho pháp luật nhà nước.

Với những vụ án được trình bày trong sách, có nhiều vụ án được khám phá nhờ những cách thức phá án sáng tạo, tài tình của quan xử án, chứng tỏ cha ông ta xưa kia khi phương tiện điều tra, xét hỏi còn hạn chế, đã rất linh hoạt vận dụng nhiều cách phá án, xử án khác nhau những mong pháp luật được thực thi, xử đúng người, đúng tội, và cũng để đảm bảo tính nhân văn của luật pháp nước Việt.

Cũng qua hơn 60 vụ án được trình bày trong sách, bên cạnh những điểm sáng của điều tra phá án, vẫn còn những góc tối của một số vụ án bị sai lệch bởi hành vi tham ô, nhũng nhiễu, hoặc là bởi sự cảm tính của người đại diện cho pháp luật, bởi mục đích đen tối của những cá nhân, tập thể vì mưu đồ chính trị… Cũng không thiếu những vụ án oan khiên được tạo nên bởi quyền lực mà đẩy người ta vào vòng lao lý, thậm chí là phải mất mạng. Người bị tội trong các vụ án có thể đo đếm được nhiều thành phần khác nhau, từ dân đen cho đến đội ngũ quan viên, thậm chí là hoàng thân, quốc thích của vua chúa…

"Tôi đánh giá rất cao hàm lượng tri thức lịch sử và luật pháp trong cuốn sách này. Thật ra, khi nảy ý tưởng xây dựng chuyên mục "Án xưa tích lạ" trên báo, chúng tôi chỉ mong đem lại cho bạn đọc mỗi tuần một câu chuyện nho nhỏ, vừa giúp vui cho bạn đọc vừa khơi gợi những tinh túy trong lịch sử nước nhà. Nay tác giả tập hợp thành cuốn sách dày dặn thế này, bất cứ ai yêu sử, quan tâm đến lịch sử nước nhà mà nhất là sử luật đều có thể coi như một cuốn cẩm nang để vừa thuộc sử vừa hiểu luật pháp cha ông chúng ta trước đây thế nào"- ông Lương Chí Công, Phó Tổng Biên tập báo Thời Đại, nguyên chủ biên tuần báo Pháp luật 4 phương, nhận xét.

Tác phẩm “Việt án lần theo trang sử cũ” của tác giả Trần Đình Ba, được ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt độc giả hứa hẹn là một ấn phẩm hấp dẫn cho những ai yêu thích lịch sử, pháp luật Việt thời trung đại.

Gấp lại “Việt án lần theo trang sử cũ”, hẳn độc giả sẽ rút ra được những câu chuyện hay, những ngẫm ngợi, chiêm nghiệm thú vị cho bản thân mình!

Nam Phương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ky-thu-lan-gio-ho-so-nhung-vu-an-viet-thoi-xua-51193.html

In bài viết