Bài 3: Nguyễn Huỳnh Đức - Hổ tướng họ Huỳnh

14:05 | 16/11/2018

TĐO - Khi ghi chép về sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819), trong “Nam Kỳ danh nhân” có chép lại đôi câu đối nơi lăng miếu của ông: “Trung nghĩa cương thường, long hổ phong vân đính hội/Anh hùng mi mục, Tiêm, Miến, Lao, Man tri danh”. Vị khai quốc công thần nhà Nguyễn, thật xứng với những lời vàng ngọc ấy.

Vốn là người họ Huỳnh, mà sao ông lại có tên họ là Nguyễn Huỳnh Đức? Vốn trước đây vì liều thân cứu chúa, nên Huỳnh Tường Đức được chúa cảm cái nghĩa khí trung quân, mà xem như người thân tộc, nói với ông rằng: “Ta chẳng biết lấy chi đền đáp ân khanh cho xứng đáng, vậy ta cho khanh được theo họ ta”. Cái việc liều thân cứu chúa ấy, ta sẽ kể ngay sau đây.

Bôn ba cùng Nguyễn chúa

Viết về Nguyễn Huỳnh Đức, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong tác phẩm “Gia Định xưa” cho rằng, ông là tướng lãnh thượng thặng của nhà Nguyễn. Điều đó đã hẳn, bởi ông là một trong “Gia Định ngũ hổ tướng” cơ mà. Ngay từ gốc nguồn xuất thân của ông, đã ở nơi tay kiếm, đường gươm rồi bởi dòng dõi nhà ông đời đời làm tướng. Tổ phụ Huỳnh Công Châu là Suất đội, thân phụ Huỳnh Công Lương làm Cai đội, đến ông thì danh nổi như cồn.

bai 3 nguyen huynh duc ho tuong ho huynh

Bức họa Nguyễn Huỳnh Đức trong đền thờ ông. (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)

Vốn người đất Kiến Hưng, tỉnh Định Tường xưa, Huỳnh Đức được “Đại Nam liệt truyện” khi ghi chép tiểu sử ông, miêu tả là có “trạng mạo đẹp đẽ, khỏe hơn mọi người; ai cũng gọi là hổ tướng”… và những đức tính cần có của kẻ hay xông pha nơi sa trường, ở Đức hội đủ cả: “làm người trung thành, thuần thực, theo vua cầm dây cương, từng gian hiểm, chí không chịu khuất chút nào về tiết không chịu theo giặc, rất là người không thể làm được”… “Tính Đức kính cẩn, Thánh Tổ từng nói trong hàng võ thần, chỉ có Đức là biết lễ. Sau khi đại định cai trị ba trấn lớn, đức nghiệp, công lao, danh vọng, các bày tôi không sánh được”. Nhìn qua quãng đường phò chúa của ông, ta tỏ hơn bao giờ hết.

Ban đầu Nguyễn Huỳnh Đức ở dưới trướng của tướng Đông Sơn là Đỗ Thanh Nhơn. Sau khi Nhơn bị giết, Đức về với chúa Nguyễn Ánh. Và sinh mệnh của vị chúa Nguyễn này, có lần được bảo toàn bởi vị tướng hết lòng phò giá ông. Thực vậy, lần ấy nhằm năm Nhâm Dần (1782), quân chúa Nguyễn và quân Tây Sơn giao tranh, quân Nguyễn bị thất thế phải rút đến sông Tứ Kỳ. Lúc này như “Liệt truyện” ghi lại do bị đánh rát quân chúa Nguyễn phải rút, “ngựa của vua chạy bị hãm vào chỗ bùn lầy, Đức phò vua lên bờ, đem ngựa ra khỏi chỗ lầy, ngựa không đi, Đức lại nắm tay, thúc ngựa chạy nhanh, giặc đuổi không kịp”. Nhờ đó mà chúa Nguyễn mới thoát khỏi cửa tử. Lại tiếp lần khác khi theo hầu chúa nơi đường sông, chúa mệt quá gối đầu lên đùi ông mà nằm thiếp đi. Vị tôi thần họ Huỳnh cứ để yên vậy, suốt đêm canh giấc ngủ cho chúa không chợp mắt, tay đuổi muỗi để chúa ngon giấc nồng. Việc làm ấy, mấy ai tận tụy hết lòng được như ông.

Còn riêng cái khoản xông pha nơi sa trường sự sống, cái chết chỉ cách nhau tích tắc một đường gươm, ngọn giáo, nhưng vị hổ tướng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Lúc ông đường đầu với quân Tây Sơn, khi sang Xiêm tìm chúa, rồi dạo công nghiệp chúa Nguyễn sắp đại thành, cũng là lúc giao tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn vào hồi ác liệt, ông khi ở Phan Rí, lúc đánh Thị Nại, phá Bình Thuận,…

Một lòng trung trinh

Khi nói về kẻ tôi thần xuất chúng của mình với các bề tôi, vua Gia Long đã có lời: “Đức không chịu hàng giặc, khốn khó muôn hiểm theo trẫm gian lao, chí khí cao cả ấy hơn người tầm thường xa lắm”. Hiển hiện cho lời vàng ngọc của chúa thượng dành cho vị võ tướng được mang quốc tính này, cứ xét những hành động của ông khi phò chúa dựng nghiệp là minh chứng hùng hồn hơn cả mà chẳng đâu xa, chính ở việc dạo ông sa vào tay Tây Sơn.

bai 3 nguyen huynh duc ho tuong ho huynh

Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại Tân An, Long An. (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)

Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huỳnh Đức thân cầm binh, giao chiến với Tây Sơn ở Đồng Tuyên, quân tướng 500 người vì thế yếu nên bị quân Tây Sơn bắt. Dù thân thành tù binh, nhưng Nguyễn Huỳnh Đức lại được sự cảm mến của Nguyễn Huệ vì biết ông là một tướng tài, muốn thu phục ông về với Tây Sơn; thậm chí, Nguyễn Huệ còn hậu đãi, ban vàng bạc cho vị bại tướng. Dẫu vậy, Nguyễn Huỳnh Đức lại không vì thế mà lay lòng chuyển ý.

Sau khi theo đoàn quân của Nguyễn Huệ ra Bắc Hà, vị hổ tướng về lưu lại ở đất Nghệ An dưới trướng của tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Duệ. Văn Duệ vốn tướng của Nguyễn Nhạc, nên tìm cách thu phục viên hổ tướng về với phe Nguyễn Nhạc. Nhận thấy đây là thời cơ tốt để về lại với chúa Nguyễn, Đức nhận lời rồi nhân đó thoát thân, nhưng sau vẫn lấy lễ nghĩa mà đáp lại kêu gọi Duệ về với chúa Nguyễn. Duệ dẫu tức tối vì bị lừa, nhưng vẫn muốn nhân đó giả nhận lời để tương kế tựu kế bắt lại Đức.

Đúng là không chỉ là tướng vũ dũng vô mưu, Nguyễn Huỳnh Đức biết thâm ý của kẻ thù, nên cùng quân của mình tìm đường sang Vạn Tượng, rồi sang Xiêm để tìm về với chúa Nguyễn, dù cho có lúc lương cạn, quân mỏi. Vua Xiêm mến tài muốn lưu lại không cho về, “Liệt truyện” cho biết: “Đức lấy sự chết tự thề, nhân từng kể nỗi gian nan, quân đi tìm chủ, khí uất giận bốc lên ngùn ngụt lại thổ ra một hòn máu, vua nước Xiêm thấy chí không thể bắt ép được rất kính trọng, cấp cho thuyền để về”. Tấm lòng vị quốc vong thân ấy, thật tiêu biểu cho kẻ thân làm tôi trung quân ái quốc.

Tổng trấn đất Bắc, trời Nam

Khi vương triều được lập, Nguyễn Huỳnh Đức lại góp công góp sức cùng vua Gia Long xây nền đắp móng. Theo ghi chép trong “Nam Kỳ danh nhân”, ngay năm Nhâm Tuất (1802) ông được phong tước quận công, trấn thủ nơi thành Bình Định trong 7 năm mà đất ấy, xưa chả phải là nơi anh em nhà Tây Sơn chọc trời khuấy nước đó sao. Rồi đến năm Mậu Thìn (1808) ở tuổi 61, Nguyễn Huỳnh Đức cùng với Lê Văn Chất sửa sang đường quan lộ từ Quảng Nam tới Biên Hòa cho việc giao thông được thuận tiện.

bai 3 nguyen huynh duc ho tuong ho huynh

Bia mộ Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An, Long An. (Ảnh: Đỗ Minh Tiến)

Và cũng có nhiều phen, ông hổ tướng này được vua giao những trọng trách nặng nề, mà cũng qua đó thể hiện sự tin tưởng vào lòng trung cũng như khả năng của ông. Ấy là việc lúc làm Tổng trấn Bắc thành, khi làm Tổng trấn Gia Định thành. Năm Canh Ngọ (1810) ông được giao làm Tổng trấn Bắc thành. Trấn trị nơi đây, ông có tiếng là hiệu lệnh nghiêm minh rõ ràng khiến kẻ dưới phải sợ uy.

Rồi năm Bính Tý (1816) vẫn nhằm thời vua Gia Long, ông làm cùng với Trịnh Hoài Đức làm Tổng trấn Gia Định thành thay Lê Văn Duyệt một thời gian. Khi nhậm chức trấn trị nơi vùng đất này, theo “Liệt truyện” còn ghi ông tỏ ra biết người biết ta, nhận rõ năng lực của bản thân ở mức nào, nên đã dâng biểu, có lời với vua “thần thẹn vì bất tài, một mình ở nơi công việc phiền kịch, nhiều việc bỏ đọng, không thể làm một mình được, xin chọn người làm phó” bởi thế mới cùng họ Trịnh cai quan Gia Định thành.

Điều thú vị ở chỗ Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Văn Duyệt đều được xưng tụng trong danh sách “Gia Định ngũ hổ tướng”, nhưng xét về tuổi tác, ông lớn hơn Tả quân họ Lê 17 tuổi, và vẫn theo sách trên viết, thì hai người có mối quan hệ rất thâm tình với nhau bởi “Ngài Nguyễn Huỳnh Đức thấy ông Duyệt nhỏ tuổi tài cao, lại có lòng cương trực thì lấy làm yêu mến lắm”. Trong khi ấy Lê Văn Duyệt “rất kính mến tài lực siêu quần của Nguyễn Huỳnh Đức, thấy Đức lớn hơn mình 17 tuổi, nên ông Duyệt bèn kiến ngài làm nghĩa phụ để học hỏi võ nghệ lược thao”.

Trấn trị Gia Định thành một thời gian, tự lượng tuổi cao sức yếu, ông xin trí sĩ. Đến năm Kỷ Mão (1819) vị dũng tướng từ trần, thọ 72 tuổi. Vua tỏ lòng tiếc thương vô hạn, lệnh cho quan trong triều ngoài trấn mặc đồ trắng đưa tang, các quan tỉnh cư tang ba ngày… Sau này, bài vị của ông được vua Minh Mạng đưa vào thờ tự tại miếu Trung hưng công thần, tòng tự tại Thái miếu...

Trần Đình Ba

Mời bạn đón đọc bài 4: Nguyễn Văn Trương - Danh tướng thủy chiến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-3-nguyen-huynh-duc-ho-tuong-ho-huynh-51183.html

In bài viết