Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

10:44 | 24/11/2017

TĐO – Các bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội lần đầu được trưng bày, Triển lãm “100 năm cung An Định” và chương trình nghệ thuật Dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ là những hoạt động nổi bật nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Bảo tàng Hà Nội trưng bày, giới thiệu 4 nhóm bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội

Tính đến nay, Chính phủ đã công nhận 12 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia trải dài từ thời Văn hóa Đông Sơn cho đến thời Nguyễn do Hà Nội lưu giữ và bảo quản.

Trong đó, Bảo tàng Hà Nội vinh dự lưu giữ 4 bảo vật quốc gia và trưng bày trong đợt này gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng; Chuông Thai Mai; Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của nghệ nhân Đặng Huyền Thông và Long đình gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.

Ngoài ra, Bảo tàng cũng trưng bày một số hình ảnh, mô hình của những bảo vật quốc gia khác. Cụ thể, trưng bày mô phỏng tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Thánh Ân, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, niên đại thế kỷ XVI; hình ảnh bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, là bộ tượng Di Đà Tam Tôn sớm nhất đến nay ở Việt Nam, đạt chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ XVII; 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) ở chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất; đình Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết các nhóm bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày qua Tết Nguyên đán 2018 để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu về bảo vật. Năm 2019, khi khánh thành khu trưng bày chính thức, Bảo tàng Hà Nội sẽ làm các mô hình bảo vật thu nhỏ để làm quà lưu niệm cho du khách khi đến thăm Hà Nội.

Một số hình ảnh các bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày:

nhieu hoat dong ky niem ngay di san van hoa viet nam

Trống đồng Cổ Loa. (Ảnh: Báo Thể thao Văn hóa)

nhieu hoat dong ky niem ngay di san van hoa viet nam

Bộ lưỡi cày đồng, bộ hiện vật thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2500 – 2000 năm, được phát hiện ngay trong lòng tòa thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Báo Thể thao Văn hóa)

nhieu hoat dong ky niem ngay di san van hoa viet nam

Chuông Thanh Mai có niên đại năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, là 1 trong 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006. (Ảnh: Báo Thể thao Văn hóa)

Triển lãm chủ đề “100 năm cung An Định”

nhieu hoat dong ky niem ngay di san van hoa viet nam

Các cổ vật liên quan đến vua Khải Định được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: TTXVN

Triển lãm do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) đồng thời kỷ niệm di tích cung An Định tròn 100 tuổi (1917 – 2017).

Triển lãm giới thiệu những hiện vật gắn liền với giai đoạn cuối của lịch sử triều Nguyễn, nhất là với hoàng đế Khải Định và gia đình hoàng đế Bảo Đại. Trưng bày gần 100 tư liệu hình ảnh cùng các công cụ hỗ trợ (bản vẽ, sa bàn, mô hình bằng nghệ thuật xếp giấy Kirigami, thiết bị trình chiếu 3D). Đặc biệt là ứng dụng thử nghiệm khám phá di tích bằng công nghệ QR code và hình ảnh 360 độ.

Triển lãm "100 năm Cung An Định" mang đến cho công chúng những hiểu biết, khám phá mới về di tích Cung An Định từ nhiều góc độ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt Nam và phương Tây thời cận đại.

Cung An Định tọa lạc ở số 179B đường Phan Đình Phùng, TP. Huế (Thừa Thiên-Huế). Đây là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cung An Định được xây dựng vào năm 1917, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình.

Dưới triều Hoàng đế Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), Cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức thuộc Chính phủ Bảo hộ Pháp.

Đây là nơi ghi dấu giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi nhà vua thoái vị (tháng 8/1945); nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung - vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Sau năm 1975, Cung An Định đã được bàn giao lại cho chính quyền cách mạng.

Sau gần nửa thế kỷ bị xuống cấp do tác động của thời gian và chiến tranh, từ năm 2002, Cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, trùng tu tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ đầu thế kỷ XX.

Năm 2003, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã tài trợ để phục chế lại sáu bức tranh tường quý hiếm ở nội thất tiền sảnh Khải Tường Lâu. Từ năm 2005-2007, việc phục chế tranh tường tại nội thất tầng một và tầng hai được tiến hành cẩn trọng, trả lại phần nào vẻ đẹp toàn mỹ của di sản, công trình kiến trúc độc đáo của triều đình Nguyễn.

Chương trình nghệ thuật Dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ

Chương trình do CLB và Đoàn Nghệ thuật Dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ tại Hà Nội tổ chức ngày 22/11 với nhiều chương trình biểu diễn, hoạt động tôn vinh di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu lắng.

nhieu hoat dong ky niem ngay di san van hoa viet nam

Một tiết mục của các thành viên CLB Dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ tại Hà Nội.

Với quy mô hội viên ngày càng mở rộng, tính đến nay, CLB đã và đang tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt phong phú, thiết thực tại Thủ đô Hà Nội. Trong quá trình hoạt động, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, CLB cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ghi nhận.

Đây cũng là dịp CLB Dân ca Xứ Nghệ tại Hà Nội nhìn lại chặng đường đã qua để tiếp tục đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại Lễ kỷ niệm, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

Tuệ Lâm (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhieu-hoat-dong-ky-niem-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-51026.html

In bài viết