Chính thức phát hành bộ tem “Đờn ca tài tử Nam bộ”

08:53 | 11/10/2016

TĐO - Nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát hành bộ tem “Đờn ca tài tử – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Theo đó, bộ tem “Đờn ca tài tử – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, gồm 3 mẫu tem và 1 bloc tem, giới thiệu nét đặc trưng văn hóa dân gian vùng sông nước Tây Nam Bộ.

chinh thuc phat hanh bo tem don ca tai tu nam bo

Mẫu 1 của bộ tem là không gian trình diễn tại miệt vườn

Mẫu 1 là không gian trình diễn tại miệt vườn; Mẫu 2 là không gian trình diễn trên sông nước; Mẫu 3 là không gian trình diễn ở đình chùa và một bloc tem là không gian trình diễn ở sân nhà.

chinh thuc phat hanh bo tem don ca tai tu nam bo

Mẫu 2 của bộ tem là không gian trình diễn trên sông nước

Các mẫu tem là sự lựa chọn, giới thiệu trang phục và các loại nhạc cụ đặc trưng như áo bà ba đen, khăn rằn, tranh, sáo, nguyệt, nhị, đàn bầu, ghi ta phím lõm và đàn tì bà.

chinh thuc phat hanh bo tem don ca tai tu nam bo

Mẫu 3 của bộ tem là không gian trĩnh diễn ở đình chùa

chinh thuc phat hanh bo tem don ca tai tu nam bo

Bloc tem là không gian trình diễn ở sân nhà

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đây là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người bình dân Nam bộ sáng tác để hát chơi sau những giờ lao động.

Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan...

Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.

Người miền Nam coi Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm.

Bộ tem “Đờn ca tài tử – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do họa sĩ Vũ Kim Liên – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem này có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 10/10/2016 đến ngày 30/6/2018.

Huyên Quang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chinh-thuc-phat-hanh-bo-tem-don-ca-tai-tu-nam-bo-50541.html

In bài viết