Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh

08:36 | 21/04/2016

Đó là tiêu đề của cuốn sách vừa được xuất bản bởi Nhà sách Tân Việt và NXB Thông tin & Truyền thông nhân Ngày Sách Việt Nam - 21/4.

Đây là tác phẩm của Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuốn sách viết về Bác Hồ và những nhân vật lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh gắn với việc đọc và tự học suốt đời.

Cuốn sách dày 200 trang được chia thành hai phần. Phần một – chiếm gần nửa cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nguồn tư liệu dồi dào, tác giả khẳng định, vai trò của việc tự học và đọc sách báo đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Bên cạnh đó, tác giả nêu rõ sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách báo cho nhân dân, khuyến khích mọi người thực hiện việc học suốt đời với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.

nhung tam guong ham doc sach va tu hoc thoi dai ho chi minh

Bác Hồ là một tấm gương nổi tiếng về tinh thần tự học

Phần hai, cuốn sách viết về 6 nhân vật lỗi lạc gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư – nhà khoa học Tạ Quang Bửu, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư – bác sĩ Tôn Thất Tùng, Giáo sư – nhà toán học Hoàng Tụy.

Đây là những trí thức tiêu biểu cho các lĩnh vực khoa học khác nhau của Việt Nam và từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước.

Thông qua tấm gương về các chính khách và nhà khoa học lỗi lạc, mỗi người sẽ chọn được phương pháp đọc sao cho phù hợp, phù hợp với công việc, lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Là một nhà giáo, Giáo sư Tạ Quang Bửu luôn chú trọng đến việc đọc sách của cả thầy và trò. Hiểu biết sâu rộng về toán học, ông chỉ ra những tài liệu cần đọc để dạy tốt hơn. Đặc biệt, ông khuyến khích học sinh đọc các sách văn học để nâng cao lòng ham thích sáng tạo.

nhung tam guong ham doc sach va tu hoc thoi dai ho chi minh

Trong khi đó, nhà văn hóa Đào Duy Anh chú trọng việc tìm đến những tư liệu gốc kết hợp với điền dã. Bác sĩ Tôn Thất Tùng chú trọng việc đọc toàn diện, yêu cầu các bác sĩ không chỉ đọc tài liệu ngành y mà còn phải đọc tài liệu văn hóa, lịch sử. Nhà toán học Hoàng Tụy cũng chú trọng đọc toàn diện, đặc biệt là sách văn học để phát huy trí tưởng tượng, nuôi dưỡng sự sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn…

Như trong Lời nói đầu, tác giả mong muốn cuốn sách: “Cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực tự học qua sách báo, tư liệu, khả năng tư duy sáng tạo, làm cho cuộc sống của mình, của cộng đồng và của dân tộc trở nên tốt đẹp hơn”.

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-tam-guong-ham-doc-sach-va-tu-hoc-thoi-dai-ho-chi-minh-50095.html

In bài viết