Nghi lễ hầu đồng lên sân khấu

07:00 | 09/03/2016

Sau 3 năm chuẩn bị, vở diễn "Tứ Phủ" lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong văn hóa Đạo Mẫu của Việt Nam ra mắt khán giả hồi đầu năm 2016 tại rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).

Giới thiệu những nét đẹp của tinh thần Đạo Mẫu với bạn bè thế giới

Tứ Phủ (Four Palaces) (đạo diễn Việt Tú) là một chuyến du hành vào cõi tâm linh ấn tượng với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo trong suốt 45 phút trình diễn. Vở diễn gồm 3 chương: Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Mười, Cô Bé Thượng Ngàn.

nghi le hau dong len san khau

Vở diễn thể hiện công sức và tâm huyết của đạo diễn Việt Tú. Anh dành 3 năm tìm hiểu và 1 năm lên ý tưởng dàn dựng chương trình với mong muốn tái hiện nghi lễ hầu đồng gốc của người Việt. Qua vở diễn, Việt Tú mong muốn góp phần trả lại nguyên bản cái hay, cái đẹp, sự trong sáng, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong Đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội.

Đạo diễn Việt Tú bày tỏ về cơ duyên thôi thúc anh thực hiện vở diễn đặc biệt này: “Khi còn nhỏ, tôi đã được sống trong bầu không khí thẫm đẫm nghệ thuật dân tộc, được quan sát các màn biểu diễn của mẹ cùng các đồng nghiệp là những nghệ sĩ kỳ cựu với hơn 30 năm trong nghề của đoàn múa rối nước Thăng Long, Hà Nội. Những giá trị nghệ thuật dân tộc mà họ đem lại trong các màn biểu diễn vô cùng to lớn. Chính những điều ấy đã thôi thúc tôi phải tiếp tục con đường phát triển văn hóa dân tộc và cho ra đời vở diễn Tứ Phủ.

nghi le hau dong len san khau

Trích đoạn trong chương đầu tiên của vở Tứ Phủ có tên Chầu Đệ Nhị

Tôi cho rằng, nghi lễ thờ Mẫu cùng hầu đồng và nghệ thuật chầu văn của người Việt xứng đáng có một vị trí trang trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta là những người may mắn sở hữu kho tàng văn hóa dân tộc. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé để giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước những gì tinh tế, lộng lẫy và nguyên bản nhất của Đạo Mẫu”.

Nghi lễ hầu đồng đang bị nhiều người bóp méo thành hoạt động mê tín dị đoan. Để đảm bảo tính chính xác của nghi lễ gốc trong vở diễn của mình, đạo diễn Việt Tú dành nhiều nhiều năm cho việc nghiên cứu. “Sách vở về Đạo Mẫu có rất nhiều và đa dạng nên cần thời gian để sàng lọc và chọn lựa. Tôi cũng góp mặt trong những sự kiện quan trọng là hai kỳ liên hoan chầu văn tại Hà Nội. Qua các sự kiện này, tôi có được một cái nhìn khách quan, đa chiều về nghi lễ hầu đồng để có được cách làm của riêng mình. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của các Thầy Đồng cựu, các Thanh Đồng để đưa nghi lễ đặc sắc này lên sân khấu”, đạo diễn cho biết.

nghi le hau dong len san khau

Hình ảnh trích từ chương thứ 2 của vở diễn có tên Ông Hoàng Mười

Cũng theo Việt Tú, tín ngưỡng nguyên bản vốn trong sáng, lỗi là ở những cá nhân có tâm lý tư lợi khiến mọi người nghĩ xấu về nó. Ví dụ, các Thầy Đồng cựu có dạy, ngày trước, ông bà ta không bao giờ tung tiền ở phần tán lộc. Trong nhà có gì thì mọi người mang thứ đó ra để "tán", từ quả na, quả ổi ngoài vườn hay miếng bánh cũng có thể dâng lên Phật, Thánh, miễn là thành tâm. Sau đó, lộc sẽ được tung tán với mong muốn chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và thịnh vượng của mình với mọi người.

Nỗ lực gìn giữ văn hóa cổ truyền của dân tộc

Đạo diễn Việt Tú cho rằng, nghi lễ thờ Mẫu của người Việt là một tổng thể rất tinh tế từ cách thực hành, nghệ thuật trình diễn đến các chi tiết như trang phục, phụ kiện. Với những bộ trang phục trong Tứ Phủ, anh phải đặt thêu tay cả tháng. Các bộ vàng mã phải được làm bởi nghệ nhân truyền thống, xuất thân từ những gia đình có ba đời làm mã cho các buổi hầu đồng. Từng chi tiết nhỏ như chiếc bàn ngự cũng là đồ cổ trăm năm, đúng kiểu hay được dùng trong các buổi hầu đồng. Toàn bộ đồ trang trí trên sân khấu như cửa võng, đôi hạc... đều được đúc bằng composite nhưng trông giống như vật liệu thật để đảm bảo thẩm mỹ, lại không quá nặng khi treo lên sào nhà hát, dễ dàng di chuyển mà không sợ bị gãy, vỡ hoặc gây nguy hiểm.

nghi le hau dong len san khau

“Trước các buổi diễn, cộng sự của tôi tự tay xông từng lư trầm để khán giả khi vào khán phòng được đắm chìm vào cõi tâm linh. Chúng tôi còn ra chợ mua hoa hồng ta – loại có gai về tự tay tỉ mẩn tách ra từng cánh; cuối buổi rải xuống khán giả để cảm nhận được hương thơm”, đạo diễn hé lộ.

Từng chi tiết trong vở diễn cũng được chăm chút. “Ví dụ, phần hai người hầu dâng khăn áo trong Giá Chầu Đệ Nhị chỉ có 7 phút nhưng chúng tôi mất 3 tháng ròng rã tập đi tập lại. Ở đó, có hàng trăm chi tiết phải nhớ, động tác phải có tinh thần, điểm dừng phải đều tăm tắp. Ban nhạc dân tộc trước đây chỉ quen đánh nhạc, ca ngâm cho đúng thì nay còn phải tập cả nghi lễ trên sân khấu làm sao cho trang trọng, đúng với không khí của buổi trình diễn”, Việt Tú cho biết.

nghi le hau dong len san khau

Theo ban tổ chức Tứ Phủ, suốt 6 tháng qua, Tứ Phủ có cơ hội tiếp cận và nhận được nhiều lời khen từ khán giả trong nước, quốc tế, từ các vị Đại sứ, đại diện, tùy viên văn hóa của Pháp, Italy, Ba Lan, Hy Lạp, Canada… hay đại diện các tổ chức UNESCO, UNICEF…

Ngày 28/3/2015, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” được gửi tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) tại Ethiopia.

An Vinh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghi-le-hau-dong-len-san-khau-49710.html

In bài viết