11:00 | 01/02/2016
Tái hiện không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ trong “Tết Việt”
Từ ngày 29/1 – 3/2, chương trình “Tết Việt” tái hiện không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội với nhiều hoạt động quy mô. Sự kiện có hơn 200 gian hàng, trưng bày những sản phẩm đặc trưng ở làng nghề truyền thống Hà Nội, ẩm thực, cây cảnh, trò chơi dân gian...
![]() |
Bên cạnh đó, trong suốt các ngày diễn ra chương trình sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Khán giả tham gia “Tết Việt” sẽ được thưởng thức các điệu ca trù, hát chèo, trống bội, hát chầu văn, viết câu đối, tặng chữ, biểu diễn nhạc dân tộc, xiếc, ảo thuật… Đặc biệt, tại đây dành một khu vực cho các ông đồ, hướng dẫn cho khách về nghệ thuật thư pháp.
Ngoài ra, chương trình còn có các buổi trò chuyện, chia sẻ cách chuẩn bị mâm cỗ Tết, bày ban thờ gia tiên, cuộc thi gói bánh chưng…
Đặc sắc lễ hội văn hóa dân tộc và Phật giáo “Xuân muôn phương”
Từ 30/1 – 22/2, tại chùa Phổ Quang – TP. HCM sẽ diễn ra lễ hội văn hóa dân tộc và Phật giáo với chủ đề “Xuân muôn phương" với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Trưởng Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM – Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, lễ hội mang ý nghĩa hoằng bá Phật pháp, phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đem niềm hỷ lạc từ Đạo vào Đời, đem đến cho nhân loại mùa xuân an bình và tịnh lạc.
![]() |
Các chư tôn đức tăng tọa thiền bên thuyền bát nhã tại lễ hội. (Ảnh: TTXVN)
Lễ hội trưng bày hơn 400 tác phẩm văn hóa nghệ thuật gồm hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, cổ vật.... Ngoài ra, chương trình còn có nhiều không gian về lễ Tết dân gian, bút tâm xuân, giao lưu văn hóa, góc ông đồ về Phật giáo, tôn tượng Phật và Bồ tát, tranh ảnh, pháp khí, thiền thạch, bonsai…
![]() |
Nghi thức ban phước, chúc phúc cho chúng sinh tại buổi khai mạc lễ hội. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, tại lễ hội, lần đầu tiên trưng bày tác phẩm ''Phật Thích Ca dưới cội Bồ đề'' qua nghệ thuật điêu khắc gỗ tài hoa và tinh tế, tôn xưng hình ảnh Đức Thế Tôn.
Sống lại ký ức Hà Nội xưa với Hội xuân Hoàng thành Thăng Long
Hội xuân Hoàng thành Thăng Long mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức chính thức được khai mạc vào ngày 29/1. Sự kiện đón khách tham quan đến hết ngày 5/2 và tiếp tục mở cửa ngày 10/2.
![]() |
Hội xuân tổ chức nhiều hoạt động gồm: triển lãm Tết Việt, ảnh di sản Việt Nam, hoa và cây cảnh nghệ thuật, trưng bày phát lộ khảo cổ học mới. Trong đó, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật độc đáo về Tết xưa, không gian truyền thống của người Việt đón Tết với các gian hàng, tranh ảnh, trang phục dân tộc...
Tại triển lãm hoa và cây cảnh sẽ trưng bày hơn 700 tác phẩm. Trong đó có các chủng loại cây như: sanh cổ, si, tùng cối, vọng cách, ngũ sắc, tùng La Hán, tùng Kim, lộc vừng… Ngoài ra còn cây thông trắng, thông đen Nhật Bản và hoa trà Hàn Quốc.
Ngoài ra, tại Hội xuân du khách còn được khám phá những phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết. Các nghệ nhân nổi tiếng sẽ giới thiệu về cách làm mâm cỗ truyền thống, cách gói bánh trưng... Đồng thời, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: biểu diễn âm nhạc dân gian, rối nước và lễ dâng hương tưởng nhớ đến các bậc tiên đế, tiên hiền tại Hoàng thành Thăng Long.
Nhiều chương trình nghệ thuật mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII
Chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh” và “Niềm tin son sắt”.
Tối 28/1 diễn ra dạ hội chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII với chủ đề “Niềm tin son sắt”. Chương trình là tấm lòng của các văn nghệ sĩ hướng về Đảng với giai điệu ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, dân tộc Việt Nam anh hùng. Qua đó thể hiện niềm tin sắc son của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
![]() |
Lễ hội gồm 3 phần: Hát dưới cờ Đảng quang vinh, Tổ quốc những mùa hoa, Đảng tuổi xuân và niềm tin. Chương trình được dàn dựng theo hình thức Nostop, hấp dẫn với hiệu ứng hình ảnh 3D với sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên.
Tối 29/1, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổng cục Chính trị Công an nhân dân phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh” để chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
![]() |
Chương trình “Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh” gồm các tiết mục ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương, đất nước; truyền thống, chiến công trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong hơn 70 năm qua. Đây là hoạt động văn hóa, văn nghệ lớn mở đầu trong năm 2016 của lực lượng vũ trang nhằm kịp thời tuyên truyền, động viên khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII.
Vinh danh 5 làng nghề truyền thống và 30 nghệ nhân Hà Nội
Ngày 29/1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu 5 "Làng nghề truyền thống Hà Nội" và phong tặng cho 30 "Nghệ nhân Hà Nội". Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 1.350 làng nghề và làng có nghề với các ngành chủ yếu như: sơn mài, khảm trai; nón lá mũ; mây tre đan, tăm hương; chế biến lâm sản; mộc dân dụng, gỗ cao cấp; thêu ren, dệt may… Trong đó có 286 làng nghề đã được công nhận.
![]() |
5 làng nghề truyền thống Hà Nội được vinh danh gồm: làng nghề chạm khắc đá Long Châu Miếu ở Phụng Châu – Chương Mỹ, làng hoa đào Nhật Tân – Tây Hồ, làng nghề mộc dân dụng và chế biến lâm sản Ngô Sài – Quốc Oai, làng nghề chế biến chè Phú Yên – Chương Mỹ và làng nghề giày dép thôn Thần – Minh Đức – Ứng Hòa.
![]() |
Việc vinh danh làng nghề truyền thống và nghệ nhân giúp những người thợ giỏi từng bước nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức mỹ thuật, tạo nên không khí phấn khởi và phong trào thi đua trong sản xuất ở các làng nghề. Đồng thời, họ cũng tích cực tham gia đào tạo, truyền nghề; quảng bá giới thiệu sản phẩm, giá trị văn hóa của làng nghề đến các vùng miên trên cả nước và bạn bè quốc tế.
Minh Châu