08:25 | 26/10/2015
Liên hoan phim truyện ngắn Wafm lần đầu tiên tại Hà Nội
Ngày 23 – 26/10, Liên hoan phim truyện ngắn Wafm (Wafm Film Fest) với chủ đề “Stories Of Youth” (“Câu chuyện tuổi trẻ”), chính thức diễn ra tại rạp chiếu phim Hội điện ảnh, Hà Nội. Sự kiện này lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, nhằm giới thiệu những bộ phim ngắn xuất sắc do các nhà làm phim trẻ thực hiện.
![]() |
Wafm Film Fest giới thiệu đến khán giả 17 bộ phim truyện ngắn, mang màu sắc trẻ trung, tạo nhiều dấu ấn phong cách đặc biệt. Đây là những tác phẩm điện ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao, từng đạt nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Liên hoan phim chiếu trong 4 buổi với chủ để khác nhau: "Lonelines" (Câu chuyện về sự cô đơn), "Borderlines" (Ranh giới), "Sorrows" (Câu chuyện về nỗi buồn), "Families" (Câu chuyện gia đình).
Liên hoan phim truyện ngắn Wafm là hoạt động phi lợi nhuận, nhằm gây quỹ cho Quỹ Điện ảnh trẻ, để phục vụ những dự án làm phim tiếp theo. Đồng thời, tạo nên cầu nối giao lưu giữa các nhà làm phim trẻ và người yêu điện ảnh.
Tuần lễ sách hay: “Những nẻo đường của sách”
Ngày 24/10 – 1/11, tại TP. HCM diễn ra tuần lễ sách hay với chủ đề “Những nẻo đường của sách”. Chương trình bày bán sách với mức giảm giá từ 10–50% và sách đồng giá từ 5.000 – 30.000 đồng/cuốn. Bên cạnh đó, bạn đọc còn được giao lưu với các tác giả như: Trương Thị Hòa, Nhật Chiêu, Nguyễn Thanh Lợi, Phạm Phương Thảo…
![]() |
Tuần lễ sách hay cũng giới thiệu đến bạn đọc 20 đầu sách mới và nhiều bản sách điện tử hiếm có do nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM ấn hành. Trong đó, có các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh, luật sư Phan Đăng Thanh, GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Thạch Phương…
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Trưng bày về các nền văn hóa cổ đặc sắc trên thế giới
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa khai trương trưng bày bộ sưu tập hiện vật “Một thoáng châu Á” và “Vòng quanh thế giới” do giáo sư Kaneko Kazushige, giáo sư Lê Thành Khôi hiến tặng. Từ nay, công chúng đến đây có cơ hội vươn xa tầm nhìn, khám phá những nét văn hóa tương đồng, cùng sự khác biệt giữa các dân tộc ở Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.
![]() |
Bộ sưu tập “Một thoáng châu Á” là tâm nguyện của giáo sư Kaneko Kazushige (người Nhật Bản), muốn góp phần giúp người châu Á hiểu nhau hơn. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lựa chọn trưng bày 138 hiện vật từ bộ sưu tập 560 hiện vật mà ông hiến tặng. Nội dung chính bao gồm: gốm Nhật Bản; sơn mài, trang phục Hàn Quốc; diều Trung Quốc; hiện vật tôn giáo Indonesia; mặt nạ Ấn Độ, Tibet; trang phục của Yemen, Iran, Pakistan...
![]() |
Giáo sư Lê Thành Khôi – giảng dạy tại Đại học Sorbonne, Pháp cùng vợ hiến tặng bộ sưu tập “Vòng quanh thế giới” với 330 hiện vật. Trong đó, Bảo tàng Dân tộc học chọn ra 200 hiện vật để trưng bày. Triển lãm đưa khách tham quan khám phá những điều mới mẻ, truyền thống khác lạ tại nhiều vùng đất xa xôi ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Đại Dương...
![]() |
Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục đưa các bộ sưu tập chuyên đề vào trưng bày, nhằm giới thiệu với công chúng Việt Nam về văn hóa của các cộng đồng người khác nhau ở khắp 5 châu.
Triển lãm các tác phẩm hội họa Việt đặc sắc trong thế kỷ XX
Ngày 19 – 23/10, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh mang tên “Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác”. Đây là bộ sưu tập hội họa Việt Nam hiện đại với gần 200 tác phẩm được nhà sưu tập Nguyễn Minh mua về từ các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế.
![]() |
Nguyễn Minh là một trong những nhà sưu tập văn hóa – nghệ thuật hiếm hoi ở Việt Nam. Bộ sưu tập của anh lưu giữ hàng trăm tác phẩm từ thời kỳ chiến tranh, bao cấp, giai đoạn đổi mới từ những năm 1940 – 1990 thế kỷ XX. Trong đó, có nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Trọng Kiệm, Trần Duy, Nguyễn Dung, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương...
![]() |
![]() |
Triển lãm tranh “Kệ” của họa sĩ Vũ Tuyên
Ngày 24/10 – 06/11/2015, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội diễn ra triển lãm tranh của họa sĩ Vũ Tuyên mang tên “Kệ”. Với tình yêu sen và hội họa, ông liên tục gửi đến công chúng yêu nghệ thuật những triển lãm tranh mới với nhiều tác phẩm về sen đầy cảm xúc.
![]() |
Vũ Tuyên chỉ vẽ về chủ đề sen, nhưng mỗi bức tranh đều khác lạ, toát lên sự thăng hoa về xúc cảm, về bút pháp và màu sắc. Các nét vẽ khắc họa những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của người họa sĩ về sen. Xem tranh Vũ Tuyên, người xem thấy sự thoải mái, sự “buông”, sự “kệ”… quên đi những bon chen, bận rộn đời thường. Và đó cũng là mong muốn của họa sĩ trong triển lãm lần này.
Cuộc hội ngộ thơ – nhạc: “Xẩm ngọng – Lời ru – tre xanh”
Đêm trình diễn cổ nhạc Việt Nam với lời thơ đương đại của nhà thơ Nguyễn Duy mang tên “Xẩm ngọng – Lời ru – tre xanh” vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, mang đến cho khán giả nhiều tiết mục mang đậm màu sắc dân gian truyền thống.
![]() |
Chương trình với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng – những người thầy nghề mẫu mực trong làng cổ nhạc Việt Nam như: NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình. Những vần thơ đương đại của Nguyễn Duy được trình bày trên nền cổ nhạc. Để làm được điều đó, các nghệ sĩ đã “bẻ làn, nắn điệu” nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như hát ví, hát ru, cò lả, hát xẩm, hát văn, hát chèo, ca trù...
![]() |
Nguyễn Duy là một trong số những nhà thơ quan trọng bậc nhất của văn học Việt Nam đương đại, còn giữ được đầy đặn âm sắc của tiếng Việt. Trong đêm nhạc, nhà thơ còn tham gia kể chuyện thơ của mình để đồng tấu với các nghệ sĩ trong đêm diễn.
Minh Châu