Giai Điệu Tự Hào tháng 9: Thanh xuân nở hoa cùng các ca khúc Nga

11:40 | 23/09/2015

Lấy tiêu đề “Thời thanh niên sôi nổi” làm chủ đề cho số phát sóng tháng 9, Giai Điệu Tự Hào muốn khắc họa những mẫu số chung về vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng sống của các thế hệ thanh niên hai nước...

Suốt 70 năm qua, hai dân tộc Việt – Nga vẫn là những người bạn chung thủy, ân tình. Theo dòng chảy thời gian, âm nhạc đã trở thành cầu nối giữa nền văn hóa của hai nước. Lắng nghe ca khúc Nga – Xô Viết, công chúng có thể hình dung rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tâm hồn Nga đa cảm, nhân hậu, bao dung, vị tha và cả số phận con người muôn hình vạn trạng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những “Cây thùy dương” đã ngả đầu vào lũy tre Việt để cảm thông và gắn kết.

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Ca sĩ trẻ Bảo Yến hát “Đôi bờ” theo phong cách jazz

Lấy tiêu đề “Thời thanh niên sôi nổi” (tên ca khúc của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, lời thơ L. Oshanin) làm chủ đề cho số phát sóng tháng 9, Giai Điệu Tự Hào muốn khắc họa những mẫu số chung về vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng sống của các thế hệ thanh niên hai nước. “Âm nhạc Nga gắn liền với rất nhiều giai đoạn lịch sử của Việt Nam, từ thời chiến, hậu chiến và cả khi Việt Nam mở cửa. Nói đến ca khúc Nga, từ những em bé cũng có thể hát vang “Nụ cười”, “Ở trường cô dạy em thế”, thanh niên chẳng ai không yêu “Triệu đóa hồng”…

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Hợp xướng Ngày Mới thể hiện tác phẩm "Cây thùy dương"

Tuy nhiên, nếu để lựa chọn một số nhạc phẩm được cho là "tài sản quốc gia" thì chương trình chọn những bài hát có độ lùi về thời gian nhất định. 7 ca khúc được giới thiệu trong chương trình cũng chính là 7 điểm tựa tinh thần của rất nhiều người lính Việt Nam đi qua hai cuộc chiến. Họ phổ lời Việt, chép chúng trong cuốn sổ tay, hát vang trên mỗi bước đường hành quân và ngã xuống vì lý tưởng sống cao đẹp. Đó là lý do Giai Điệu Tự Hào tháng 9/2015 dành trọn thời lượng của mình để ôn lại những ký ức Nga một thời” – Giám đốc Ý tưởng Phan Huyền Thư chia sẻ về chương trình.

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Phúc Tiệp – Phương Uyên song ca "Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va"

Khác với những số phát sóng trước, lần này, Giai Điệu Tự Hào không tập trung vào việc làm mới, phá cách các ca khúc. Màu sắc truyền thống, cốt cách, linh hồn của những giai điệu quen thuộc vẫn được giữ nguyên trong cách phối khí và thể hiện. Yếu tố kỷ niệm mới chính là điểm đặc sắc nhất mà ê-kíp sáng tạo muốn hướng tới.

Giám đốc Âm nhạc Thanh Phương nhận định: “Các ca khúc Nga tuy ngắn, thời lượng dài nhất cũng chỉ vỏn vẹn trong 2–3 phút nhưng lại mô phạm và vô cùng minh triết bởi các tác giả Nga đều là những cây đại thụ trưởng thành từ cái nôi âm nhạc chuyên nghiệp vào bậc nhất châu Âu. Việc làm mới các ca khúc này có vẻ như hơi dư thừa vì chỉ cần vài nốt nhạc cất lên cũng đủ để cả bầu trời kỷ niệm ùa về”. Tuy nhiên, Thanh Phương vẫn sẽ đưa vào những nhấn nhá mới lạ như ca sĩ trẻ Bảo Yến hát “Đôi bờ” theo phong cách jazz, ca khúc “Thời thanh niên sôi nổi” thoát khỏi định kiến hành khúc, quân nhạc mà thay vào đó sẽ mặc chiếc áo mới trẻ trung hơn rất nhiều...

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Bộ ba NSND Quang Thọ – Trung Kiên – Trần Hiếu làm sống dậy không khí trầm hùng của "Chiều hải cảng"

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Nhóm Dòng Thời Gian và hợp xướng Ngày Mới trình diễn "Thời thanh niên sôi nổi"

Hóa thân thành 3 người lính hải quân Nga ngồi bên bến cảng, nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng, 3 cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên đã thể hiện truyền cảm ca khúc “Chiều hải cảng” – một trong những bài hát trữ tình được người Việt Nam yêu thích nhất trong những năm chiến tranh vệ quốc. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, những trải nghiệm sâu sắc về đất nước, con người Xô Viết, họ đã giúp khán giả chạm được đến xúc cảm tinh tế nhất của con người, tình yêu trong sáng tuổi thanh xuân… trong ca khúc.

Còn hai cha con nghệ sĩ Quang Thọ – Quang Tú lại khiến nhiều khán giả tại trường quay rơi lệ khi thể hiện “Giờ này anh về đâu?”. Ra đời năm 1947, ca khúc nói về số phận những người lính sau chiến tranh, dù hòa bình đã được lập lại nhưng khắc khoải không biết đi đâu về đâu, sống tiếp thế nào khi quê hương bị tàn phá, vợ con – gia đình đều đã hy sinh hết cả. Hợp tác cùng đạo diễn thiết kế sân khấu Đinh Công Đạt, biên đạo múa Tấn Lộc mang lên sân khấu hình ảnh thân thuộc: đống rơm khô, ngôi nhà vách gỗ cùng dàn diễn viên gồm hơn 20 người lính Nga trong phần biểu diễn này.

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Hai cha con nghệ sĩ Quang Thọ – Quang Tú khiến nhiều khán giả tại trường quay rơi lệ khi góp giọng trong “Giờ này anh về đâu?”

10 máy tạo tuyết trường quay cũng được tận dụng để tái hiện cả trời đông Mat-xcơ-va. Ánh sáng xanh trên nền tuyết trắng, âm nhạc dồn dập vui tươi… đã khiến phần biểu diễn ca khúc chủ đề “Thời thanh niên sôi nổi” đẹp đến sửng sốt. Trên nền tuyết trắng, những người lính đầu đội mũ sắt, mặt mũi lấm lem vẫn hát vang khúc ca về tuổi trẻ. Đằng sau lời kêu gọi các thế hệ tràn đầy nhiệt huyết lên đường cống hiến và lao động ấy, người ta còn có thể nghe được cả nét buồn rất đời thường, xen lẫn nuối tiếc, hờn giận, thất vọng – những nỗi niềm mềm yếu không tránh khỏi, nhưng thanh khiết khôi nguyên và không bi lụy.

Mẫu số chung về con người trong cuộc chiến của Liên Xô và Việt Nam là một lý giải rõ ràng nhất về câu hỏi: tại sao chúng ta lại yêu thích các ca khúc Nga đến như thế?! Nghệ thuật là không biên giới khi nó chạm vào những thức cảm của trái tim. 4 chàng trai nhóm Dòng Thời Gian đã xuất sắc thể hiện tác phẩm này.

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

NSND Trung Kiên thể hiện nhạc phẩm "Chim họa mi đừng hót"

Đồng thời, vẻ đẹp giản dị, chân chất: bến sông, con đò, hàng loạt cánh rừng bạt ngàn viền quanh các cánh đồng đất đen trải rộng, những cô gái Nga trong bộ trang phục truyền thống, con đường trải lá vàng mùa thu… cũng bước vào “Đôi bờ”, “Chiều ngoại ô Mat-xcơ-va”, “Cây thùy dương” thật trữ tình! Thoảng nghe ca khúc với hơi thở của ngày hôm nay mà vẫn thấy tiếng đàn balalaika vang lên đâu đó...

Tất cả hứa hẹn sẽ làm rung động nhịp đập trái tim, và khiến khán giả như được sống lại cùng biết bao năm tháng thanh xuân tươi đẹp như những đóa hoa!

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

giai dieu tu hao thang 9 thanh xuan no hoa cung cac ca khuc nga

Hai hội đồng bình luận của chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 9 quy tụ một số gương mặt nổi bật như: PGS.TS Đào Duy Quát, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, Nhà báo Tạ Bích Loan, Nhà thơ – Nhà báo Hồng Thanh Quang, Nhạc sĩ Quốc Trung...

Giai Điệu Tự Hào tháng 9/2015: Thời thanh niên sôi nổi phát sóng lúc 20g05' ngày 25/9/2015 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Video clip chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 9/2015: Thời thanh niên sôi nổi

7 ca khúc nhạc Nga trong chương trình Giai Điệu Tự Hào tháng 9/2015:

Chiều hải cảng: NSND Trung Kiên – NSND Trần Hiếu – NSND Quang Thọ
Đôi bờ: Bảo Yến
Chim họa mi đừng hót : NSND Trung Kiên
Cây thùy dương: Hợp xướng Ngày mới
Thời thanh niên sôi nổi: Nhóm Dòng Thời Gian – Hợp xướng Ngày Mới
Giờ này anh về đâu?: NSND Quang Thọ và ca sĩ Quang Tú
Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va: Phúc Tiệp – Phương Uyên

An Nhiên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giai-dieu-tu-hao-thang-9-thanh-xuan-no-hoa-cung-cac-ca-khuc-nga-48667.html

In bài viết