Những điều kỳ lạ về Quốc ca

08:50 | 25/08/2015

“Tiến quân ca” mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là bước ngoặt lớn của cuộc đời Văn Cao, giúp ông tìm được lý tưởng sống trong lúc buồn chán và đau khổ nhất.

"Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao ra đời trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc, là tác phẩm vĩ đại của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt bài hát làm Quốc ca của Việt Nam. Đến 2/9 năm đó, hành khúc chính thức được cử hành trong ngày “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình.

Văn Cao viết Quốc ca trong lúc tuyệt vọng nhất

Quốc ca ra đời trong giai đoạn cuộc đời đầy kỳ lạ của nhạc sĩ Văn Cao. Ông từng chia sẻ câu chuyện khi sáng tác “Tiến quân ca”. Đó là lúc cố nhạc sĩ đang sống không có mục đích, có lúc không còn những ước mơ và khát vọng của tuổi thanh niên. Cuộc sống của ông chìm trong buồn chán và thất vọng. Giữa lúc muốn từ bỏ tất cả hội họa, thơ ca, âm nhạc, sự xuất hiện của người bạn thân bất ngờ khiến cuộc đời Văn Cao bước sang ngã rẽ khác.

nhung dieu ky la ve quoc ca

Lời và nhạc Quốc ca Việt Nam.

Qua người bạn thân, Văn Cao gặp Vũ Quý – người đã giao nhiệm vụ sáng tác các ca khúc cách mạng cho cố nhạc sĩ. Sau buổi nói chuyện với người anh luôn theo dõi hoạt động nghệ thuật của mình, Văn Cao đã tìm thấy con đường mới cho sự nghiệp: phục vụ cách mạng.

Năm 1944, Văn Cao được giao nhiệm vụ sáng tác một hành khúc để cổ vũ tinh thần quân đội Việt Minh trong cuộc đấu tranh kháng Nhật. Trước đó, cố nhạc sĩ chưa từng viết ca khúc về cách mạng. Ông chia sẻ, tên bài hát và lời ca “Tiến quan ca” được tiếp nối từ những ca từ trong hai bài hát “Thăng Long hành khúc ca” và “Đống Đa”.

Văn Cao viết lại trong một ghi chép như sau: “…Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.

Tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, Văn Cao thấy mình như đang “sống ở một khu rừng nào đó trên Việt Bắc”. Mặc dù không trực tiếp tham gia cách mạng nhưng với tất cả cảm nhận và lòng nhiệt huyết của người thanh niên yêu nước, mong ngày đất nước giành độc lập, ông đã viết lên giai điệu và ca từ của “Tiến quân ca”.

Văn Cao đã góp phần tích cực trong việc ghi chép quá khứ và lịch sử cho đất nước. “Tiến quân ca” đã nhanh chóng trở thành Quốc ca của Việt Nam. Ca khúc đánh dấu cột mốc lịch sử khó quên, được cố nhạc sĩ khắc họa và viết nên bằng tâm huyết từ tấm lòng và trái tim.

Thu phí tác quyền Quốc ca

Đó là câu chuyện được nhiều người quan tâm gần đây, sau khi nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, có văn bản đề nghị thu tiền tác quyền bài “Tiến quân ca”. Dư luận phản ứng trước việc bình thường nhưng trở nên bất thường này. Việc thu phí đúng với các ca khúc khác nhưng riêng Quốc ca thì không có quốc gia nào yêu cầu nộp phí tác quyền.

nhung dieu ky la ve quoc ca

Nhạc sĩ Văn Cao.

Giải thích về điều này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, nếu sử dụng Quốc ca trong lúc chào cờ thì không thu, nhưng diễn trên sân khấu thì sẽ thu. Ông cũng khẳng định, rất ít chương trình biểu diễn có bài Quốc ca nên số tiền thu sẽ không đáng kể. Như vậy, tại sao phải thu tác quyền, làm mất hết tính thiêng liêng của một ca khúc tượng trưng cho dân tộc?

Trên thực tế, từ năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng – vợ của nhạc sĩ Văn Cao, với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã có văn bản hiến tặng tác phẩm cho Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm "Tiến quân ca". Tuy nhiên, đến nay Nhà nước vẫn chưa phản hồi chính thức về vấn đề này. Ca khúc từ năm 1946 đến nay, mặc nhiên trở thành tài sản quốc gia khi được chọn làm Quốc ca Việt Nam.

Nếu căn cứ theo pháp luật, “Tiến quân ca” – tác phẩm của Văn Cao, là một trong những tài sản của gia đình sau khi ông mất, có người thừa kế cụ thể. Nên Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đề xuất thu phí khi được sử dụng để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật. Ngoài vợ cố nhạc sĩ, còn có các con. Nên nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nghiêm túc thực hiện thu hộ bản quyền các tác phẩm của Văn Cao.

Theo nhạc sĩ Văn Thao – con trai trưởng của tác giả Quốc ca, điều gia đình cần là sự công nhận chính thức của Quốc hội, bởi giá trị ca khúc không thể quy thành tiền. Nhiều lần, nhà nước có ý định thay thế, tổ chức cuộc thi rầm rộ nhưng vẫn không có đối thủ xứng tầm với “Tiến quân ca”.

Cho đến nay, việc thu tác quyền Quốc ca vẫn đặt ra nhiều nghi vấn, thắc mắc, đòi hỏi Nhà nước cần giải quyết triệt để và thuyết phục hơn.

T.Nhung

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-dieu-ky-la-ve-quoc-ca-48484.html

In bài viết