09:55 | 14/08/2015
Tái hiện chân thực đời sống nông thôn trước Cách mạng
Phim là một trong số ít các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đạt được thành công lớn về nhiều mặt, khi khắc họa cuộc sống nông thôn cũng như đời sống của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám (1945).
“Làng Vũ Đại ngày ấy” dù là một bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học vốn đã nổi tiếng trước đó của nhà văn Nam Cao (gồm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc”) nhưng đạo diễn Phạm Văn Khoa đã cho thấy cá tính sáng tạo và đột phá trong nghệ thuật dựng phim của ông.
![]() |
"Làng Vũ Đại ngày ấy" chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học đặc sắc của nhà văn Nam Cao.
Đạo diễn để cho một trí thức nông thôn – giáo Thứ (Hữu Mười) – đóng vai trò như chứng nhân lịch sử của ngôi làng đã sinh đẻ ra mình, để thấy hết những bi kịch xóm làng, gia đình diễn ra hàng ngày. Từ đó, phim giúp người xem cảm nhận đến tận cùng những nỗi đau giữa trần thế, những bi kịch cá nhân như Lão Hạc (nhà văn Kim Lân), sống trong quằn quại, cô độc và tuyệt vọng, sớm chiều chỉ có con Vàng làm bạn, chết dần chết mòn trong túp lều tranh.
Để ta thấy một Thị Nở (Đức Lưu) và Chí Phèo (Bùi Cường) với mối tình ngang trái; một giáo Thứ sống mòn sau lũy tre làng và để thấy một Bá Kiến gian hùng, lộng hành ức hiếp dân lành. Đặc biệt, chính cái xã hội ấy đã dồn nén, đùn đẩy con người đến tận cùng, để nảy nòi ra một Chí Phèo lưu manh. Đó là tiếng nói đanh thép, tố cáo xã hội phong kiến thối nát ở nông thôn Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX đã tha hóa những con người nghèo khổ.
![]() |
Nhân vật Chí Phèo do nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai, ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Dù là sự hòa trộn nhưng khán giả không cảm thấy một sự mâu thuẫn hay khiên cưỡng nào. Bởi tính chủ đề xuyên suốt cả bộ phim được đạo diễn Phạm Văn Khoa tôn trọng triệt để.
Trong lịch sử nghệ thuật Điện ảnh Việt Nam, ông là đạo diễn đầu tiên tái hiện lại các đề tài trước cách mạng, những tác phẩm văn học nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945.
Giá trị nổi bật trong các tác phẩm của ông đem lại “tiếng khóc” cho người xem, sự cảm thông, lòng nhân ái và cả sự căm giận, buộc con người phải suy nghĩ, phải hành động để thay đổi.
Hầu hết các vai diễn trong phim cho đến ngày nay vẫn để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
Đột phá táo bạo về “cảnh nóng” trong phim
“Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng cho thấy tính đột phá táo bạo của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa khi ông dám thực hiện những "cảnh nóng" mà không mấy đạo diễn ở Việt Nam thực hiện ở thời điểm đầu những năm 1980 (trước Đổi Mới).
Lúc bấy giờ, cảnh quay Chí Phèo vồ lấy ngực Thị Nở ở vườn chuối được xem là quá mạnh bạo (diễn viên Đức Lưu trong vai Thị Nở được diễn viên đóng thế đóng thay cảnh này). Bộ phim lúc hoàn thành phải cắt đi nhiều cảnh mà vẫn chưa được duyệt. Thật may là Tổng bí thư Trường Chinh khi đó đã đích thân xem phim và lên tiếng: "Cắt cảnh này đi thì còn gì là phim”. Và đúng là, thật khó để tìm lại được một hoạt cảnh vừa chân thật vừa giàu chất thơ, để lại ấn tượng sâu sắc như thế.
![]() |
NSND Phạm Văn Khoa dám thử sức với những "cảnh nóng" mà không mấy đạo diễn ở Việt Nam thực hiện ở thời điểm đầu những năm 1980.
Nghệ sĩ Đức Lưu – người đóng vai Thị Nở cho biết, phải mất 10 năm bà mới lấy được thăng bằng sau khi vài vai người phụ nữ xấu xí của làng Vũ Đại. Hồi đó, đi đến đâu người ta cũng gọi bà là Thị Nở. Thậm chí, đi ra sân phơi quần áo người ta cũng gọi là Thị Nở. Đến nỗi không chịu nổi, chồng bà phải đi mua một tấm mành che cửa về treo. Con bà đi học thường bị các bạn trong trường gọi là: “Con Thị Nở”. Các con bà xấu hổ đến mức phải thốt lên: “Nếu sau này con không thi được tốt nghiệp, không vào được đại học, tất cả là tại mẹ”.
Còn nhớ, khi đạo diễn Phạm Văn Khoa hỏi bà có đủ can đảm vào vai Thị Nở không, nghệ sĩ Đức Lưu đã quả quyết: “Em có thừa lòng can đảm, chỉ sợ không đủ tài năng thôi”. Nói vậy nhưng đến khi đảm nhận “cảnh nóng” trong vườn chuối của Thị Nở và Chí Phèo, phải “khoe” bộ ngực trần của mình sau tán lá chuối, dưới ánh trăng, bà thật sự sốc.
![]() |
"Cảnh nóng" vừa chân thật vừa giàu chất thơ của "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Để cứu nguy cho “Thị Nở” Đức Lưu, đạo diễn phải tìm diễn viên đóng thế là một người mẫu nặn tượng tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Gần cuối cảnh, máy quay “chĩa” vào khuôn mặt Thị Nở để chị đáp lời Chí Phèo. Để quay được cảnh này, diễn viên Đức Lưu phải đứng bên cạnh, mặc áo thật nhanh. Có lẽ vì khó quá nên đây là cảnh phải quay đi quay lại nhiều nhất của phim (8 lần) mới thành công. Cô diễn viên đóng thế ban đầu co rúm lại, sau đó lại nằm thuỗn ra vì... sợ. Còn bà, dẫu chỉ góp mặt đúng giây cuối cùng nhưng cũng phải trốn chồng để đóng.
Thêm một khó khăn nữa: bạn diễn của bà là diễn viên Bùi Cường (vào vai Chí Phèo – người tình của Thị Nở), lại kém bà những 15 tuổi. Nên khi hai nhân vật này tạo được sự tự nhiên, hài hòa khi đồng diễn cũng không phải là dễ.
Thăm làng Vũ Đại ngày nay
Nhằm góp phần tạo sự lan tỏa giá trị của tác phẩm văn học và điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy”, từ cuối năm ngoái, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) nghiên cứu và đề xuất tour du lịch “Làng Vũ Đại ngày ấy...” với nhiều trải nghiệm du lịch phong phú, độc đáo và hấp dẫn.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho biết: Đây là “Mô hình du lịch văn học" đầu tiên được STDe nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam. Tour du lịch giúp cho khách du lịch ngược về quá khứ của không gian làng quê Việt Nam xưa, để trải nghiệm với các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao như: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến…
![]() |
Làng Vũ Đại ngày nay đã đổi khác, với nhà tưởng niệm đặc biệt cho nhà văn của quê hương.
Qua đó, du khách sẽ được hiểu thêm về ý nghĩa nhân văn, giá trị của dòng văn hiện thực phê phán và cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng Nam Cao. Dự án này đã được STDe chuyển giao cho một công ty du lịch thử nghiệm và đi vào hoạt động tháng 12/2014 tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), quê hương của nhà văn Nam Cao.
Đây là một tour du lịch mang tính cộng đồng rộng rãi, khả thi vì khai thác được tài nguyên và thế mạnh sẵn có của người dân xã Hòa Hậu.
Ngày nay, du khách về thăm làng Vũ Đại, vừa để gợi nhớ lại ký ức đẹp về những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, cùng bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” vừa để thưởng thức những sản vật ngon, bình dị nơi đây như: chuối ngự, hồng không hạt. Bên cạnh đó, làng còn nổi tiếng với món cá kho niêu đất.
![]() |
Đặc sản cá kho của làng còn được xuất ngoại.
Làng Vũ Đại từng oằn mình dưới ách áp bức của cường hào, ác bá với những mảnh đời chết dần chết mòn trong nghèo khổ, bị tha hóa, nay đã thanh bình, yên ả và sung túc. Từ đau thương, người dân nghèo được ánh sáng cách mạng soi đường. Những con người ấy đã quyết tâm đứng lên hành động để thay đổi cuộc đời mình, giải phóng quê hương. Như chính nhà văn Nam Cao từng tham gia Tổng khởi nghĩa ở quê nhà. Sau đó, với tư cách phóng viên, ông có mặt ở chiến khu Việt Bắc và rồi hi sinh anh dũng khi trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, lúc tài năng đang nở rộ.
An Vinh
Tổng hợp