Mùa xuân của dê qua “cây cọ” của Lê Trí Dũng
10:52 | 10/02/2015
TĐO - Trước khi tìm đến xưởng vẽ của họa sĩ Lê Trí Dũng để trực tiếp ngắm nhìn cho bõ những bức tranh vẽ dê của ông, tôi đã được thấy một số bức được chia sẻ trên trang facebook của ông. Và phải nói thật, tôi đã mê và yêu những chú dê ngay từ cái nhìn đầu. Những nét vẽ thật mộc, thật duyên, nhiều chỗ cứng cáp, khỏe khoắn, nhiều khi lại gần gũi, ngây thơ. Những gam màu tươi tắn đến ngạc nhiên. Và cả cái cảm giác mà chất liệu giấy dó được bồi trên tấm giấy bản rất đỗi tự nhiên mà tạo nhiều cảm hứng. Nhưng điều đọng lại ở tôi là những chú dê, linh vật của năm Ất Dậu 2015 này dường như mang cả câu chuyện dân gian vào cuộc sống hiện đại hôm nay thật gần gũi. Thế nên, tôi tìm gặp ông, họa sĩ Lê Trí Dũng để được tận mắt thấy nhiều hơn...
Tranh dê của Lê Trí Dũng. Bắt đầu cuộc trò chuyện với một họa sĩ về tác phẩm của chính họ thường không khó. Họ đam mê tác phẩm của mình và sẽ say sưa kể về chúng. Dường như sẽ là đề tài kinh điển khi gặp một họa sĩ để kể về quá trình sáng tác của họ với những tác phẩm vẽ về những linh vật đại diện cho năm mới. Thế nhưng, câu chuyện với họa sĩ Lê Trí Dũng, ủy viên Ban Chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam xung quanh những tác phẩm vẽ các linh vật lại hoàn toàn khác. Dường như chuyện vẽ linh vật dê cho năm Ất Mùi hay vẽ các linh vật của những năm khác của ông hơi đơn giản quá. Như một câu châm ngôn: chân lý thường giản đơn. “Vẽ là vẽ, thế thôi” – Lê Trí Dũng chỉ vào mấy chục bức tranh dê.
Nhưng tôi thích cái đơn giản không màu mè của họa sĩ, với nghệ thuật và người làm nghệ thuật. Cái sự không cố bao quanh mình hào quang hay đắp đổi lên tên tuổi của mình những thứ rườm rà triết lí khiến tôi cảm nhận đến cái tận cùng của chữ “chân” trong tâm hồn và đời sống nghệ thuật của người họa sĩ. Tôi tin tưởng ở chất “thật” đậm nét trong con người của ông.
Nếu bạn có thể thưởng thức thì bạn sẽ nhận được câu trả lời cho những háo hức hay mong muốn khám phá từ những bức tranh dê. Nó là cảm thụ mang tính cá nhân. Nhưng nếu bạn phải tìm “đáp án” hay “lời giải” từ chính người tạo ra nó, điều đó cho thấy, có vẻ như tác phẩm đó đã không thể tự nói nên đời sống của chính nó hoặc là người xem nó đã chẳng thể thưởng thức được điều gì.
Nhấp môt ngụm trà, họa sĩ Lê Trí Dũng nói luôn: Nói thật nhé, nhiều bạn cứ đến xem và hỏi tôi về những triết lí trong mỗi tác phẩm. Phải trả lời nhiều quá, mà các bạn ấy lại cứ muốn tôi nói theo kiểu mà các bạn ấy muốn, thành ra đôi khi tôi phải nghĩ và cố tìm cách để tán ra xem tác phẩm này thì triết lí gì hay tác phẩm kia thì biểu tượng ra sao. Chứ thú thật, nhiều khi mình vẽ thì cứ vẽ thôi chứ chả hẳn là ấp ủ một cái tư tưởng gì cao xa. Việc vẽ của tôi tự nhiên lắm, tự nhiên như cây cỏ, như cơm ăn nước uống. Vẽ là vẽ thôi.
Vâng, vẽ là vẽ thôi. Thế thì chúng ta không phải trả lời đối đáp với nhau những câu chuyện theo khuôn mẫu, kiểu như một “ẩn ức ùa về” và “ào ra tác phẩm kinh điển” nào đó trong một đêm hay giả như, bỗng dưng xuất hiện một tư tưởng xuất thần thần thánh nào đó… Vâng, tôi cũng không thích lắm sự li kì. Nhưng đằng sau những bức tranh dê đã có lịch trình bày triển lãm đầu xuân tại triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), tôi đã thêm một lần nữa khám phá ra một kho tàng thú vị về linh vật ngựa tại xưởng vẽ của ông. Một số bức vẽ ngựa khiến tôi phải xúc động và ấn tượng. Khác với dê, những chú ngựa của Lê Trí Dũng có vẻ đẹp lạ thường, phóng khoáng như muốn tung vó bứt ra khỏi bức tranh hoặc muốn lôi người xem vào với nó. Những bức tranh ngựa nằm gọn trong khuôn khổ của giấy dó, bởi theo Lê Trí Dũng, dường như chỉ với giấy dó ông mới cảm thấy hết được cảm giác tự do, bay thoát và tinh tế. Loại chất liệu này trong tranh của ông vừa giữ trọn những đường nét, khoảnh khắc đẹp của thực tại lại vừa chứa đựng màu thời gian xa xăm, truyền thống. Trong khi đó, hầu hết các bức tranh dê lại vẽ tràn trên giấy dó và bản cho cảm giác duyên dáng lẫn với mạnh mẽ, cứng cáp.
|
Họa sĩ Lê Trí Dũng Chăn dê. Tranh của Lê Trí Dũng. Họa sĩ khoe, ra Giêng lại có một triển lãm 50 bức tranh linh vật dê chào đón năm mới Ất Mùi. Nó cũng là cái duyên. Một năm nọ, một anh đến mua bức tranh ngựa để tặng lãnh đạo, vị ấy lại làm trong ngành văn hóa. Vị lãnh đạo được tặng tranh đi tìm hiểu tác giả bức tranh mà mình được tặng là ai nên đến gặp tôi. Sau đó, trong một triển lãm tranh năm ngoái, vị lãnh đạo ấy đề nghị dành thêm chỗ cho tôi trưng bày những bức tranh ngựa. Cuộc triển lãm thành công tốt đẹp đến mức năm nay, chính giám đốc nhà trưng bày lại đề nghị tôi vẽ hơn 50 bức tranh dê để triển lãm cho năm mới. Ngoài những nét hay, nét đẹp trong từng bức tranh tùy vào thị hiếu của từng người thì tôi muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt về chất liệu. Tôi luôn thể hiện tác phẩm trên hai chất liệu. Các tác phẩm vẽ linh vật dê được thể hiện trên giấy dó và giấy bản hoặc giấy xuyến chỉ trên giấy bản. Điều đó tạo cho bức tranh có hai không gian và các linh vật chuyển động qua hai không gian rất sống động và khác biệt, nhất là về màu sắc. Tôi thích chất liệu dó vì nó giúp tôi kế thừa được không gian văn hóa dân gian.
|
Tranh dê của Lê Trí Dũng. Tôi sẽ chờ đợi đến ngày những chú dê tươi tắn, ngộ nghĩnh, gần gũi của ông ra mắt tại triển lãm Vân Hồ những ngày đầu xuân mới. Bởi xem tranh của Lê Trí Dũng, tôi thấy mình tìm được những ngày xưa đang trở lại rực rỡ trong mùa xuân nhiều hi vọng.
Hoàng Đình
Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mua-xuan-cua-de-qua-cay-co-cua-le-tri-dung-48065.html