Xung quanh vụ Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị bắt giữ tại Trung Quốc

15:18 | 13/10/2018

Vào đêm khuya ngày Chủ nhật 7/10, trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) đột nhiên đăng thông báo ngắn gọn: “Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hoành Vĩ do vi phạm pháp luật hiện đang bị Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc điều tra”.

UBKTKLTW là cơ quan chống tham nhũng và bất trung về chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông cáo không tiết lộ gì thêm về tình hình cụ thể của vụ việc.

“Mất tích” thành... “bị bắt giữ”

Mấy tiếng đồng hồ sau đó, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) thông báo họ đã nhận được đơn xin từ chức “có hiệu lực tức thì” của Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ, chức vụ Chủ tịch Interpol sẽ do ông Phó chủ tịch người Hàn Quốc Kim Jong Yang tạm thời dảm nhiệm.

Từ nửa đêm 7/10 tên của Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) đã bị xóa khỏi danh sách lãnh đạo Bộ Công an trên trang web của bộ này, Trước đó, tên của ông đứng thứ 3, chỉ sau Bộ trưởng Triệu Khắc Chí và Thứ trưởng Vương Tiểu Hồng. Trước đó, tối 4/10, bà vợ ông Mạnh Hoành Vĩ đã tới cảnh sát Lyon (Pháp) trình báo việc chồng bà – đương kim Chủ tịch Interpol - đã mất tích sau khi trở về Trung Quốc. Sau đó, ngày 6, Interpol đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc trả lời về số phận của ông Mạnh.

xung quanh vu chu tich interpol manh hoanh vi bi bat giu tai trung quoc

Ông Mạnh Hoành Vĩ.

Việc bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ được coi là một hành động mạnh tay của Trung Quốc. Ông Mạnh được giới thiệu ra ứng cử vào chức Chủ tịch Interpol và trúng cử hồi tháng 11/2016 với nhiệm kỳ 4 năm, trở thành người Trung Quốc đầu tiên phụ trách cơ quan cảnh sát quốc tế này. Nhiều người cho rằng, đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc tìm kiếm sự hợp pháp, phát huy tác dụng lãnh đạo tại một tổ chức quốc tế nhưng vụ bắt giữ ông Mạnh đã phá vỡ nỗ lực này.

Việc bổ nhiệm ông Mạnh Hoành Vĩ “được coi là một thành tựu của Trung Quốc, là cột mốc cho thấy địa vị và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày một tăng” – Giáo sư Julian Ku, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc và quốc tế ở Học viện Luật Maurice A. Deane, Đại học Hofstra, cho biết. Tuy nhiên với việc Mạnh Hoành Vĩ “đột ngột mất tích” trong điều kiện không có thông báo với Interpol, đã phá hoại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu của Trung Quốc. Ông Julian Ku cho rằng “rất khó tưởng tượng các tổ chức quốc tế khác sẽ yên tâm để một công dân Trung Quốc đảm nhiệm vai trò người phụ trách mà không lo ngại sẽ xảy ra tình hình tương tự”.

“Báo án” sau 10 ngày

Cùng ngày 7/10, mấy tiếng đồng hồ trước khi UBKTKLTW Trung Quốc chính thức thông báo việc bắt giữ Mạnh Hoành Vĩ để điều tra; tại Pháp, bà Grace Meng tổ chức gặp gỡ báo chí nói rõ hơn về vụ mất tích của chồng. Bà nói, kể từ hôm 25/9, sau khi nhận được tin nhắn cuối cùng của chồng, ông đã hoàn toàn mất liên lạc. Tin nhắn cuối của ông là “hãy đợi điện thoại”, nhưng 4 phút sau, ông nhắn cho bà hình ảnh con dao - tín hiệu báo đang gặp nguy hiểm. Vì lý do an toàn của bản thân và các con, bà quay lưng về phía ống kính, không cho quay phim, chụp ảnh chính diện. Bà nói, do yêu cầu công việc nên ông Mạnh thường xuyên đi về giữa Pháp và Trung Quốc. Khi được hỏi liệu có tin là ông đã bị bắt hay không, bà nói: “Ở Trung Quốc, tôi thật sự không dám khẳng định điều gì đã xảy ra”. Trước khi Mạnh Hoành Vĩ bị bắt điều tra, ông và vợ con sống ở Lyon, nơi có trụ sở của Interpol. Sau khi bà báo tin ông mất tích, Interpol bày tỏ chính thức yêu cầu Trung Quốc cho biết thông tin về ông, mong phía Trung Quốc làm rõ thông tin và chờ đợi họ trả lời chính thức.

xung quanh vu chu tich interpol manh hoanh vi bi bat giu tai trung quoc

Mạnh Hoành Vĩ chủ trì hội nghị với tư cách Chủ tịch Interpol.

Vào hôm 5/10, khi thông tin về việc ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích lan truyền, tờ SCMP của tỷ phú Mã Vân ở Hongkong đã dẫn “nguồn tin từ nhân sỹ đáng tin cậy” nói: Vào tuần trước khi ông Vĩ đáp máy bay về Trung Quốc, khi vừa đặt chân xuống đất đã bị các nhân viên UBKTKLTW “đưa đi”; nhưng nguồn tin này nói không biết nguyên nhân vì sao ông Vĩ bị điều tra cũng như việc ông bị đưa đi đâu.

Trong toàn bộ quá trình xảy ra sự kiện, 10 ngày sau khi chồng mất tích, Grace Meng mới báo án, đặc biệt tổ chức cuộc họp báo đẩy sự việc lên đến cao trào, dư luận quốc tế tạo thành sức ép lớn khiến Trung Quốc phải nhanh chóng đưa ra phản ứng. Lúc đầu là công khai tin tức, rồi Bộ Công an nhanh chóng họp hội nghị và thông báo ra ngoài. Rõ ràng cách làm của bà Grace Meng ở Pháp đã đẩy nhanh tiến trình xử lý ông Mạnh.

Quá nhiều đồn đoán

Việc ông Thứ trưởng Bộ Công an này bị bắt đã làm dấy lên nhiều sự đồn đoán khác nhau: Có tin nói ông tham nhũng, liên đới đến vụ án “đại Hổ” Chu Vĩnh Khang; lại có tin ông dính đến vụ án Công ty Hàng không Hải Nam; có liên quan đến việc Interpol hủy bỏ lệnh truy nã đỏ đối với Dolkun Isa, Chủ tịch tổ chức “Đại hội đại biểu người Uyghur thế giới” – bị chính phủ Trung Quốc coi là tổ chức khủng bố; thậm chí có tin ông tham gia vào vụ “chính biến hụt Bắc Đới Hà” năm 2015…

Mạnh Hoành Vĩ sinh năm 1953, quê tỉnh Hắc Long Giang, Thạc sĩ Luật, tham gia công tác năm 1972, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc 1975, cấp hàm Phó Tổng cảnh giám. Ông từng giữ các chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Công an, Cục trưởng cảnh sát quản lý giao thông; tháng 4/2004 được bổ nhiệm Đảng ủy viên, Thứ trưởng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Chu Vĩnh Khang; tháng 8 cùng năm được giao kiêm nhiệm Cục trưởng (Giám đốc) Trung tâm Interpol Trung Quốc; tháng 3/2012 kiêm nhiệm thêm các chức Cục phó Hải dương quốc gia, Phó Bí thư kiêm Cục trưởng Cảnh sát biển Trung Quốc, đồng thời vẫn là đảng ủy viên, Thứ trưởng Bộ Công an, được hưởng chế độ cấp trưởng bộ.

Ngày 10/11/2016, Mạnh Hoành Vĩ được Trung Quốc giới thiệu ứng cử và được bầu làm Chủ tịch Interpol nhiệm kỳ 2016- 2020. Tháng 12/2017. Quốc Vụ viện đã quyết định bãi miễn chức Phó Cục trưởng Hải dương quốc gia và Cục trưởng Cảnh sát biển của ông.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 18 (2012) đã phát động phong trào “đả Hổ”, hàng loạt quan chức cao cấp trong hệ thống ngành Công an bị quật ngã, trong đó có nguyên Bộ trưởng Chu Vĩnh Khang, Thứ trưởng thường trực Dương Hoán Ninh, Thứ trưởng Lý Đông Sinh, Chủ nhiệm Chính trị Hạ Sùng Nguyên, các Giám đốc CA Thiên Tân Vũ Trường Thuận, Giám đốc CA Trùng Khánh Hà Đình…Việc Mạnh Hoành Vĩ liên tiếp bị bãi bỏ các chức vụ quan trọng trong nước cho thấy ông đã lâm vào tình trạng nguy hiểm.

xung quanh vu chu tich interpol manh hoanh vi bi bat giu tai trung quoc

Bà Grace Meng tổ chức họp báo tại Lyon.

Báo chí cũng cho rằng, việc bà Grace Meng chủ động tìm đến cảnh sát Pháp báo tin ông mất tích và bà bị đe dọa sau khi Mạnh Hoành Vĩ bị gọi về Trung Quốc rồi mất tích, cho thấy vợ chồng ông đã sắp sẵn kế hoạch ứng phó với tình huống ông bị điều tra; mục đích là nhằm để cho vợ con ông được tỵ nạn tại Pháp. Có ý kiến phân tích việc bà Grace Meng báo cảnh sát Pháp và tổ chức họp báo thể hiện sự ly khai với chính quyền Trung Quốc. Cũng có người cho rằng hành động công khai cứu chồng của bà là muốn nhờ đến lực lượng bên ngoài để gây sức ép với chính quyền Trung Quốc, nhưng trái lại, đã gây nên rắc rối lớn hơn cho chồng. Nhiều người đã liên hệ với vụ việc xảy ra trong quá khứ và gọi Grace Meng là “Vương Lập Quân thứ hai” (Vương Lập Quân là giám đốc CA Trùng Khánh bỏ chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô trong vụ án Bạc Hy Lai khi xưa).

Khi tổ chức họp báo tại Lyon, Grace Meng nói: “Từ lúc này tôi đã chuyển từ đau buồn và sợ hãi sang tìm kiếm sự thật, chính nghĩa và trách nhiệm lịch sử. Đây là một sự kiện liên quan đến pháp luật, liên quan đến cộng đồng quốc tế và cũng liên quan đến Tổ quốc và nhân dân tôi”. Thế nhưng tờ Tinh Đảo Nhật báothì nói Mạnh Hoành Vĩ liên quan đến vấn đề kinh tế và tham nhũng, trong đó có việc mua bất động sản trái phép tại Hongkong. Hội nghị khẩn cấp đảng ủy Bộ Công an họp sáng 8/10 đã xác nhận thông tin trên, nói “Mạnh Hoành Vĩ nhận hối lộ và vi phạm pháp luật”, xác định nguyên nhân ông ta mất tích là bị bắt điều tra. Điều này có nghĩa là vụ án Mạnh Hoành Vĩ mất tích thực ra là vụ án chống tham nhũng. Chỉ vì Grace Meng công khai nên đã khiến chồng và bà ta trở thành những người bị hại.

Trong thông báo của Bộ Công an về vụ việc của Mạnh Hoành Vĩ có nhắc đến yêu cầu quản chặt người nhà và “nghiêm khắc điều tra xử lý những người cùng nhận hối lộ với Mạnh Hoành Vĩ”. Cách nói này ám chỉ việc bà vợ Grace Meng cũng liên quan đến vụ án và liên quan đến hành vi tham nhũng. Nếu bà ta có trở thành người tỵ nạn chính trị thì với tư cách là đồng phạm trong vụ án tham nhũng, cũng khó có thể thoát khỏi sự xét xử của luật pháp Trung Quốc và họa lao lý...

Lan Hương(tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xung-quanh-vu-chu-tich-interpol-manh-hoanh-vi-bi-bat-giu-tai-trung-quoc-46546.html

In bài viết