20:20 | 19/08/2018
Các công tố viên cho biết, họ chấp nhận lời nhận tội của cựu Tổng thống và yêu cầu thẩm phán nhanh chóng ra phán quyết cuối cùng đối với ông Antonio Saca.
![]() |
El Salvador phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Antonio Saca.
Quyết định khó khăn
Ngày 7/8, ông Lisandro Quintanilla, luật sư của cựu Tổng thống Antonio Saca cho biết, thân chủ của mình đồng ý nhận tội từ hồi cuối tháng 7, nhưng hôm nay ông mới thông báo với giới truyền thông. Việc nhận tội này nhằm đổi lấy bản án nhẹ trong khung hình phạt từ 10 tới 30 năm tù của tội danh mà các công tố viên đưa ra trước đó.
Theo hãng Reuters, luật sư Lisandro Quintanilla đã đưa ra tuyên bố kể trên khi tham dự phiên tòa tại tòa án San Salvador hôm 7/8. Theo lời nhận tội của cựu Tổng thống Antonio Saca, ông đã tham ô và rửa tiền với tổng giá trị hơn 300 triệu USD. Đây là lần đầu tiên cựu Tổng thống Antonio Saca thừa nhận việc này kể từ khi ông bị bắt gần 2 năm trước (tối 29/10/2016) ngay tại lễ cưới của con trai. Trong số những người bị bắt khi đó còn có cựu Bộ trưởng Truyền thông Julio Rank, cựu Bộ trưởng Thanh niên Cesar Funes, cựu Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế tư nhân Elmer Charlaix.
![]() |
Cựu Tổng thống El Salvador Antonio Saca đối mặt với mức án 10 năm tù.
Ba cựu quan chức khác bị bắt sau đó là Pablo Gomez, Francisco Rodriguez và Jorge Alberto Artega Harrera. Theo thông báo của Văn phòng Tổng Công tố El Salvador, ông Antonio Saca bị bắt ngay tại đám cưới của con trai ở một nhà hàng của thủ đô San Salvador.
Cùng bị buộc tội với cựu Tổng thống Antonio Saca (nắm quyền trong giai đoạn 2004-2009) còn có 6 cựu quan chức kể trên và họ đều bị buộc tội chuyển tiền từ kho bạc quốc gia vào tài khoản cá nhân với mục đích tư lợi và cung cấp kinh phí cho hoạt động của đảng Liên minh Cộng hòa dân tộc (ARENA) cầm quyền khi đó.
Theo giới truyền thông, khoảng 3 tháng trước (17/5), công tố viên Mario Huezo tuyên bố, ông Antonio Saca sẽ phải đối mặt với bản án 25 năm tù giam, nếu bị kết tội. Và khi đó các công tố viên cáo buộc cựu Tổng thống Antonio Saca và 6 cựu quan chức biển thủ công quỹ 301 triệu USD. Ông Antonio Saca(sinh ngày 9/3/1965), không thể ngờ, chỉ sau chưa đầy 10 năm kể từ khi rời ghế Tổng thống (nắm quyền từ 1/6/2004 đến 1/6/2009), lại phải đối mặt với bản án 25 năm tù giam. Ngày 5/11/2016, Tòa án El Salvador đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của cựu Tổng thống Antonio Saca. Khi đó, Thẩm phán Nelly Pozas đã quyết định tiếp tục tạm giam ông Antonio Saca và các cựu quan chức khác.
Trước đó tháng 3/2016, Tòa án tối cao El Salvador đã khai đình xét xử cựu Tổng thống Antonio Saca và cựu Đệ nhất phu nhân Ana Ligia de Saca vì không chứng minh được nguồn gốc số tiền 5 triệu USD trong tài khoản riêng. Theo giới truyền thông, khi nhậm chức, ông Antonio Saca kê khai sở hữu số tài sản trị giá 3,6 triệu USD, nhưng 5 năm sau đã tăng lên 13,1 triệu USD. Và số tiền thực tế có thể lớn hơn nhiều.
![]() |
Cựu Tổng thống El Salvador Antonio Saca trong một phiên tòa.
Trước khi trở thành Tổng thống El Salvador, ông Antonio Saca là thành viên đảng đối lập bảo thủ ARENA, là nhà báo nổi tiếng và là doanh nhân tự lập nghiệp. Sau khi bị cáo buộc phạm những tội danh kể trên, ông Antonio Saca đã bị khai trừ khỏi đảng ARENA, các tài khoản ngân hàng cá nhân và bất động sản của cựu Tổng thống đều bị đóng băng.
ARENA đã khai trừ ông Antonio Saca vào cuối năm 2009, sau khi đảng này chỉ trích cựu Tổng thống đã khiến họ thua trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm đó, bởi những sai phạm cá nhân gây ra. Phó Chủ tịch ARENA Roberto d’Aubuisson từng tuyên bố, ông Antonio Saca đã cố tình phớt lờ chương trình chống “lại quả” của chính phủ, ngay cả khi sự việc bị phanh phui trên báo chí. Thậm chí, chính phủ dưới thời ông Antonio Saca còn thúc đẩy nhiều điều luật theo hướng có lợi cho quyền lợi kinh doanh của gia đình Tổng thống.
Sự trừng phạt cần thiết
Khi đương nhiệm, ông Antonio Saca cho triển khai chương trình “Mạng lưới người Solidaria”, với viện trợ quốc tế từ các nước châu Âu (tháng 10/2005). Chương trình này nhắm tới cộng đồng sống dưới mức nghèo khổ - được trợ cấp từ 15 đến 20 USD/tháng/hộ. Nhưng đã phạm tội thì dù là cựu Tổng thống cũng bị bắt, hầu tòa và đó là điều đang diễn ra ở El Salvador.
Theo khảo sát, hiện có trên 90% người dân El Salvador (khoảng 6,3 triệu người) ủng hộ kế hoạch thành lập một ủy ban quốc tế chống tội phạm không bị trừng phạt, tương tự những tổ chức đã được thành lập tại Guatemala và Honduras, để xử lý những chính trị gia như cựu Tổng thống Antonio Saca. Giới truyền thông cho biết, trong thời gian nắm quyền, ông Antonio Saca được coi là đồng minh của Mỹ - là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ Latinh gửi binh lính đến Iraq. Nhưng theo nhận định của nhà phân tích chính trị Juan Ramon Medrano, những cuộc điều tra tham nhũng đối với các cựu Tổng thống El Salvador đều xuất phát từ sức ép của Mỹ - Washington yêu cầu El Salvador chống tham nhũng để đổi lấy viện trợ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển và chống tội phạm ở nước này.
“Sức ép chống tham nhũng từ Mỹ là tốt vì đã thành công trong việc làm sạch những nghi can tham nhũng trong đất nước, nhưng cũng cần có sức ép với những người trốn thuế và nhấn chìm nền tài chính của El Salvador”, hãng AFP dẫn lời ông Juan Ramon Medrano. Được biết, Đại sứ quán Mỹ ở El Salvador từng đề cập đến biệt phủ nhiều triệu USD của ông Antonio Saca.
![]() |
Cựu Tổng thống Elias Antonio Sac. Ảnh: AP.
“Antonio Saca tích lũy số tài sản dễ thấy, bao gồm khu nhà ở San Salvador và đất đai rộng lớn ở La Union - những tài sản mà ông không có trước khi làm Tổng thống. Nhiều đảng viên ARENA tin rằng, cách Antonio Saca và người của ông lạm dụng vị trí chức vụ để mưu lợi cá nhân là quá quắt”, trích dẫn một bức điện mật của Đại sứ quán Mỹ gửi về Washington.
El Salvador vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha và trong một thời khá dài, quốc gia Trung Mỹ này nằm dưới sự điều hành của tướng lĩnh quân đội. Mãi tới năm 1979, nhóm đảo chính mới lên cầm quyền và được Mỹ ủng hộ. Nhưng cuộc cải cách ruộng đất do Tổng thống J.N.Duarte tiến hành từ năm 1981 lại khiến El Salvador rơi vào nội chiến. Sau khi chấm dứt 11 năm nội chiến, tới năm 1994, ông Armando Calderon Sol trở thành Tổng thống. 5 năm sau (1999), ông Francisco Flores trở thành Tổng thống. Và gần 2 năm sau (từ tháng 1/2001), Tổng thống Francisco Flores đã có quyết định mang tính lịch sử khi cho phép sử dụng đồng USD thay thế đồng colong nội tệ.
Vì cựu Tổng thống Francisco Flores (1999-2004) cũng là thành viên của đảng ARENA, nên dư luận quan tâm tới số phận của chính trị gia này. Tuy bị tòa ra lệnh bắt tạm giam và khởi tố hôm 4/12/2015, nhưng tối 30/1/2016, ông Francisco Flores đã chết sau khi rơi vào hôn mê do một cơn đột quỵ trước đó mấy ngày. Ông Francisco Flores từng phải đối diện với nhiều phiên xét xử xung quanh cáo buộc biển thủ 15,3 triệu USD.
Cái chết của ông Francisco Flores đã giúp Tổng thống Sanchez Ceren thực hiện một trong những tuyên bố tại lễ nhậm chức hơn 4 năm trước. Bởi tuyên bố khi nhậm chức (1/6/2014), Tổng thống Sanchez Ceren thề đấu tranh chống lại nạn tham nhũng và bạo lực tại El Salvador. Theo giới truyền thông, sau khi đắc cử và nhậm chức Tổng thống (1/6/2014), ông Sanchez Ceren, người của đảng cánh tả Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti (FMLN) đã bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng.
Vụ án của ông Antonio Saca đã nhận được sự quan tâm của Tổng thống Salvador Sanchez Ceren. Tổng chưởng lý Luis Martinez từng thông báo, El Salvador đã phát lệnh truy nã đối với ông Francisco Flores vì tội làm giàu bất chính, tham nhũng và trốn tránh pháp luật. Theo báo cáo của Ủy ban đặc biệt thuộc Quốc hội, số tiền bị thất thoát dưới thời ông Francisco Flores cầm quyền có thể lên tới 100 triệu USD và đây là vụ tham nhũng lớn nhất, chưa từng có tại El Salvador...
Đông Trù-Nhật Tân