Canh tân nước Việt - Kỳ 2: Nguyễn Lộ Trạch – Thiết tha với vận nước

11:30 | 08/07/2018

TĐO - Nếu như Nguyễn Trường Tộ được xem là người mở lối canh tân, thì sau ông, người tiếp bước xứng đáng trên con đường canh tân ấy, hẳn là Nguyễn Lộ Trạch (1853 - 1898).

Và hai ông, được tác phẩm “Một bậc tiên thời nhân vật đồng thời với Nguyễn Trường Tộ ít ai biết: Nguyễn Lộ Trạch” của bà Nguyễn Thị Nghiên, con gái út của Nguyễn Lộ Trạch đánh giá là “bậc tuấn kiệt thức thời vụ”. Xét việc làm của họ, hẳn xác đáng lắm.

Chẳng màng áo mũ cân đai

Tìm hiểu về cuộc đời của Nguyễn Lộ Trạch, phần nào đó giúp chúng ta hiểu thêm về ông, cùng chí hướng lập thân của ông. Dẫu những chuyên luận về ông còn ít ỏi cho đến nay, nhưng hình dung về tiểu sử của tiền nhân, thì rất rõ ràng. Mà ở đây, không đâu bằng lời kể của người con gái Nguyễn Thị Nghiên về cha mình.

canh tan nuoc viet ky 2 nguyen lo trach thiet tha voi van nuoc

Một vài tác phẩm ít ỏi viết về Nguyễn Lộ Trạch.

Quê hương của họ Nguyễn là ở đất Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên dạo ấy. Đất ấy, nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Về mặt gia thế, Nguyễn Lộ Trạch (có hiệu là Kỳ Am) thuộc dòng con nhà Nho học, cha là Nguyễn Thanh Oai, làm đến Thượng thư trong triều. “Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858 - 1900)” cho biết về tư chất của Nguyễn Lộ Trạch là “học rộng biết nhiều nhưng không chịu đi thi mà chỉ lưu tâm về đường thực hành”.

Cũng giống như Nguyễn Trường Tộ, dẫu sống giữa cái thời Nho sĩ bấy giờ vẫn kiếm đường tiến thân đổi phận qua khoa cử, nhưng Nguyễn Lộ Trạch lại không không màng đến đường sĩ hoạn, chỉ lưu tâm đến việc thực học, thế nên mới có chuyện mà báo “Tiếng dân” số 424 ngày 3/10/1931 có ghi lại lời cụ Nguyễn Thượng Hiền khi viết về tiểu sử của ông là “Đương lúc bây giờ, sĩ phu trong nước toàn xu về lối học cử nghiệp mà Tiên sinh hay nói chuyện Âu-Mỹ nên người ta cho là cuồng và tặng cho cái danh hiệu là “Cậu Ấm tàng tàng”.

Một điều có lẽ ít ai chú ý, được “Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858 - 1900)” ghi lại, rằng Nguyễn Lộ Trạch chính là con rể đại thần Trần Tiễn Thành, là một điều kiện thuận lợi để sau này ông có thể tiếp cận được những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Bởi qua việc tiếp xúc với văn phòng của nhạc phụ, mà như “Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn” cho hay, ông được đọc những sách khoa học phương Tây như “Dinh hoàn chí lược”, “Thiên hạ quan quốc lợi bệnh thư”, “Bác vật tân biên”… là những sách mà học giả đương thời ít ai để mắt, nhưng ông nhờ xem rộng, biết nhiều nên để tâm đến.

Đề xuất canh tân vì vận nước

Tiếp bước người đi trước, từ hiện tình nước nhà vừa bị Pháp đem tàu đồng, súng ống đến xâm lược, mà thực lực thì chẳng khác gì cây còn lá mà thân đã mục, năm Đinh Sửu (1877), sau cuộc nghị hòa của triều đình với thực dân Pháp, Nguyễn Lộ Trạch dâng lên vua bản “Thời vụ sách” (nay gọi là bản thượng).

canh tan nuoc viet ky 2 nguyen lo trach thiet tha voi van nuoc

Đại diện quân Pháp và triều đình Huế gặp gỡ.

Sau khi nói rõ tình hình địch ta, ông đề xuất biện pháp tức thời rằng: “Nên biết cái mạnh của người ta được làm nên có phương pháp, cái yếu hèn của mình là chất chứa đã lâu đời. Nay đổi hẳn cái tích tệ suy nhược lâu nay mà gắng đi theo con đường tự cường, dầu thua mà có mong ngày thành công. Nên phương thuật ngự ngoại nói rõ ra thì nhiều điều mục, mà nói tóm lại chỉ rút trong hai chữ “tự trị” mà thôi”.

Lời lẽ “Thời vụ sách” thiết tha mong mỏi “ta hãy nắm được cái nẻo làm cho giàu nước mạnh binh, dân sanh ngày thong thả, biên cương càng vững bền, mới lo toàn đến việc chế ngự”… “”Muốn khôi phục nước nhà mà không ưu cầu phấn phát, không khi nào làm được”.

Đến năm Nhâm Ngọ (1882) sau khi Pháp đánh Hà Nội, ông lại dâng lên bản “Thời vụ sách” (bản hạ), trong đó kiến nghị năm điều: 1. Căn cứ nơi hình thắng cho bền vững gốc nước; 2. Tụ binh làm đồn điền để thực túc binh cường. Trong đó để thoát khỏi khốn khó thì làm đồn điền và thông thương; 3. Huấn luyện đồn binh; 4. Học trường kỵ của nước ngoài để chế ngự họ; 5. Mở đường giao thương với nước ngoài để cầu viện. Mong muốn tự lực tự cường gần như là mẫu số chung của các nhà canh tân, nên theo “Trí thức Việt Nam đối diện với văn minh phương Tây thời Pháp thuộc”, ta được biết cũng như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện,… Nguyễn Lộ Trạch cho rằng cần thiết phải phát triển công nghệ và thương mại đất nước . Điều này, hiện diện rõ ở các đề xuất của Nguyễn Lộ Trạch.

canh tan nuoc viet ky 2 nguyen lo trach thiet tha voi van nuoc

Mộ Nguyễn Lộ Trạch tại làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Thực tế thì, triều đình khi tiếp nhận những bản điều trần ấy, với đầu óc toàn đạo lý Khổng Mạnh, dễ gì có thể mở mắt, sáng lòng với những điều mới mẻ, mà lại là tư tưởng gắn với vùng đất có lũ “bạch quỷ” đang xâm lăng nước mình, dễ gì tiếp nhận cho được.

Vẫn chỉ là ước vọng

Công cuộc canh tân mà Nguyễn Lộ Trạch cùng nhiều người tiếp bước tiền nhân Nguyễn Trường Tộ đã đạt được thành tựu như thế nào? Xin trả lời thẳng thắn rằng, thật tiếc, gia công thật nhiều nhưng thành quả thu được lại chẳng bao nhiêu, như lời nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhận định trong chuyên khảo “Phong trào Duy Tân” có đoạn: “Nhưng cả ba bộ óc minh mẫn nhất của hạ bán thế kỷ 19 (ý chỉ Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ và Nguyễn Lộ Trạch – Người dẫn chú) chỉ được đời tán thưởng, khâm phục hoặc mỉa mai kinh dị mà không được chấp nhận”. Đó không chỉ là nỗi u hoài cho ba ông, mà có lẽ là cho cả một lớp thế hệ hoạt động khai mở, thúc đẩy công cuộc canh tân, nhưng hoặc chưa phù hợp, hoặc bị sự trì trệ, bảo thủ của những thế lực tai to mặt lớn trong triều cản trở. Rốt cục, đa phần những đề xuất ấy, vẫn còn ở trên giấy mà thôi.

Khi dâng “Thời vụ sách” (bản thượng) lên vua Tự Đức với lời kết “Cúi mong Bệ Hạ gắng tinh thần lên lo toan việc trị an, trù phương sách tự cường, tự trị, lần lượt thi hành, một ngày kia không chỉ khôi phục lại đất cũ mà ngoài biển đến thần phục”. Ấy nhưng, đáp lại tấm lòng vị quốc ấy, lại chỉ như tiếng trống đánh vào thinh không. Triều đình không thi hành theo đề xuất của ông.

Trước khi bản “Thời vụ sách” (bản hạ) được dâng lên vua, thì đầu năm Nhâm Ngọ (1882), trong “Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn” cho biết, Cơ mật viện định cử ông sang Hương Cảng học kỹ thuật. Ông gửi thư lên các vị phụ chính đại thần cảnh tỉnh rằng không nên chỉ trông vào kỹ thuật đơn thuần, mà phải biết tự cường, tự trị, ngoại giao với cừu địch của Pháp như Đức, Anh. Sau này, thư ấy đến tay vua Tự Đức, bị phê là “Ngôn hà quá cao” (Nói sao quá cao). Sau này, “Thời vụ sách” (bản hạ) được dâng lên, nhưng rồi vẫn bị triều đình bỏ qua không đoái hoài đến.

Về cuối đời, nhân kỳ thi Hội năm Nhâm Thìn (1892) có đầu đề ra hỏi về hiện tình thế giới, ông viết bài luận “Thiên hạ đại thế luận” trình bày tình hình hoàn cầu, dự kiến việc tương lai, đề ra những việc phải làm… gây tiếng vang trong giới sĩ phu bấy giờ. Nhưng quan trọng nhất ở lực lượng có trách nhiệm thực hiện là triều đình, thì tiếp nhận với thái độ e dè. Bởi vậy cũng giống như Nguyễn Trường Tộ, những đề xuất canh tân của Nguyễn Lộ Trạch, phải đến phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX mới có cơ hội được đón nhận. Còn ở thời điểm ông sống, nó mới chỉ như những nét cọ phác thảo trên một phông nền thiếu màu tươi...

Trần Đình Ba

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/canh-tan-nuoc-viet-ky-2-nguyen-lo-trach-thiet-tha-voi-van-nuoc-46415.html

In bài viết