Các nước nhóm họp, nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

09:29 | 25/05/2018

TĐO - Hôm nay (25/5), đại diện các quốc gia tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sẽ nhóm họp nhằm cứu vãn thỏa thuận này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt Iran "mạnh mẽ chưa từng có".

Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cùng với các quan chức Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Sự kiện được tổ chức dưới sự chủ trì của Liên minh Châu Âu (EU).

Đại diện các nước sẽ cố gắng tìm kiếm một chiến lược mới để duy trì thỏa thuận, bằng cách giữ cho dòng tiền đầu tư tiếp tục chảy vào Iran trong bối cảnh lệnh cấm vận từ Mỹ có nguy cơ làm tổn thương nền kinh tế Iran.

Về phần mình, tại cuộc đàm phán, giới chức Iran sẽ tìm kiếm sự bảo hộ thương mại từ các nước châu Âu. Tehran cũng muốn đảm bảo rằng các bên sẽ tiếp tục mua dầu của nước này, bất chấp các lệnh cấm vận từ Mỹ.

"Đây là một cuộc họp rất quan trọng mà sẽ cho thấy các bên có thực sự nghiêm túc đối với thỏa thuận hay không. Chúng tôi có thể biết được rằng liệu các nước Châu Âu có thể cung cấp cho chúng tôi sự bảo đảm đáng tin cậy hay không", một quan chức Iran nhấn mạnh.

cac nuoc nhom hop no luc cuu van thoa thuan hat nhan iran

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong một cuộc họp với các quan chức EU. (Ảnh: AP)

Khi được hỏi, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bày tỏ hy vọng các bên ký kết sẽ đưa ra "gói các giải pháp mới" nằm trong giới hạn của thỏa thuận, nhưng không bao gồm "bất kỳ vấn đề nào khác".

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp hôm qua (24/5) cho biết: Các nước Châu Âu vẫn mong muốn duy trì thỏa thuận và sẽ đề xuất thiết lập "một khuôn khổ đàm phán toàn diện" với Iran. "Chúng tôi muốn Iran hiểu được giá trị của sự hợp tác thân cận" - phát ngôn viên này tuyên bố.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa Iran với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Mỹ. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ ngừng phát triển chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhằm vào nước này.

Các quốc gia ký kết thỏa thuận khi đó nói rằng thỏa thuận là bước tiến quan trọng để ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân và tránh nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút nước này khỏi thỏa thuận, đồng thời tái thiết lập hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

cac nuoc nhom hop no luc cuu van thoa thuan hat nhan iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 9/5. Ảnh AFP.

Hôm 21/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cảnh báo sẽ xử lý Iran với các biện pháp "mạnh mẽ nhất trong lịch sử" nếu Tehran không thay đổi cách hành xử của mình ở Trung Đông.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt hàng loạt công ty Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một số nhà sản xuất máy bay trong động thái nhắm vào 4 hãng Hàng không của Iran.

Dưới áp lực từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, một số công ty phương Tây đã rút khỏi Iran hoặc cho biết họ có thể phải từ bỏ các thương vụ làm ăn với Tehran.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết. Về phần mình, các quốc gia Châu Âu cũng bày tỏ mong muốn duy trì thỏa thuận, miễn là Tehran đáp ứng các cam kết như đã hứa.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 24/5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chương trình hạt nhân của Iran - gợi ý Iran nên tiếp tục thực hiện thỏa thuận, nhưng có thể cho phép IAEA thanh sát nhanh chóng và chủ động hơn.

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-nuoc-nhom-hop-no-luc-cuu-van-thoa-thuan-hat-nhan-iran-46372.html

In bài viết