11:58 | 08/05/2018
Dẫn lời ông Rouhani, hãng tin Reuters cho biết: Tehran đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể, bao gồm cả một thỏa thuận không có sự hiện diện của Washington mà vẫn có sự tham gia của các cường quốc khác trên thế giới.
"Chúng tôi không lo lắng về những quyết định của Mỹ... Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các tình huống và cuộc sống của chúng tôi sẽ không có gì thay đổi", Tổng thống Rouhani phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình nhà nước hôm 7/5.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Iran cũng tái khẳng định, nước này không hướng tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông Rouhani tuyên bố, Iran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận và thỏa thuận mới - nếu Mỹ không tham gia - có thể "tốt cho Iran".
"Nhưng nếu họ muốn làm suy yếu Iran và hạn chế ảnh hưởng của Iran cho dù là trong khu vực hoặc trên toàn cầu, Iran sẽ quyết chống cự", Tổng thống Rouhani phát biểu, nhấn mạnh tới việc duy trì ảnh hưởng của nước này trên chính trường quốc tế.
![]() |
Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu tại một sự kiện ở Ấn Độ hôm 15/2/2018. (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Tehran nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ hợp tác nếu Washington rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, tuần trước, một số quan chức Iran nói, nước này vẫn xem xét duy trì thỏa thuận chừng nào nước này chưa bị loại trừ khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu.
Năm 2015, Iran ký kết thỏa thuận với Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình làm giàu uranium của mình để đáp ứng yêu cầu, nước này không phát triển bom nguyên tử. Đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận bằng cách không gia hạn các biện pháp miễn trừ trừng phạt Iran khi chúng hết hạn vào ngày 12/5. Ông Trump nói, ông sẽ không thay đổi quyết định trừ phi các nước Châu Âu chịu sửa chữa các "lỗ hổng" trong thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận. Nhằm giải quyết yêu cầu từ phía Mỹ, các nước này dự định tiến hành đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran cũng như vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria và Yemen.
Mới đây, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, họ vẫn đang duy trì chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới đối với Iran. Cơ quan này cũng nhiều lần khẳng định Tehran đang tuân thủ thỏa thuận.
Trọng Sang