Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile

08:26 | 09/03/2018

TĐO - Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile chiều 8/3 (1h sáng theo giờ Việt Nam) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet.

hiep dinh cptpp chinh thuc duoc ky ket tai chile

Quang cảnh lễ ký CPTPP. (Ảnh: Reuters)

Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.

Phát biểu trước lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz khẳng định CPTPP truyền đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.

"CPTPP là một tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hướng tới một thế giới mở cửa thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại", hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Munoz.

hiep dinh cptpp chinh thuc duoc ky ket tai chile

Các Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm tại lễ ký. (Ảnh: Scmp)

Văn bản được ký với 3 thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Thay mặt các Bộ trưởng của 11 nước thành viên, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi giới thiệu Tuyên bố chung của sự kiện: “Bộ trưởng của 11 nước ngày hôm nay đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng nhất trí rằng thông qua việc đạt được thỏa thuận tiêu chuẩn cao nhất với các lợi ích được cân bằng, Hiệp định sẽ củng cố mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tạo các cơ hội đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, các hộ gia đình, và người lao động. Hiệp định khẳng định cam kết chung của chúng ta hướng tới xây dựng một hệ thống thương mại hiệu quả và minh bạch, đồng thời cởi mở đối với tất cả các nền kinh tế muốn tham gia. Việc ký kết Hiệp định nhằm hướng tới giai đoạn tiếp theo. Các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm hoàn tất các tiến trình cần thiết để Hiệp định sớm có hiệu lực. Các Bộ trưởng hoan nghênh sự quan tâm của một số các nền kinh tế khác muốn tham gia Hiệp định. Các Bộ trưởng nhất trí rằng các quan chức cấp cao sẽ triển khai các bước chuẩn bị cần thiết để thực thi Hiệp định một cách thuận lợi”.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Phillippe Champagne nói: "Chúng tôi tự hào cho thế giới biết rằng sự tiến bộ thương mại đang mở ra phía trước; thương mại công bằng, cân bằng và nguyên tắc đang mở ra phía trước".

Thúc đẩy giao thương và tạo cầu nối cho hội nhập khu vực

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước là Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Theo đó, các nước thành viên sẽ có lộ trình kéo giảm thuế suất nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa và dịch vụ trong khối khi hiệp định chính thức đi vào hiệu lực dự kiến sớm nhất vào cuối năm nay.

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia.

hiep dinh cptpp chinh thuc duoc ky ket tai chile

Các Bộ trưởng chụp ảnh chung cùng Tổng thống Chile Michelle Bachelet. (Ảnh: Reuters)

CPTPP đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực, như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, tài sản trí tuệ, kinh tế số và an ninh mạng... được đánh giá có thể tạo ra một tiêu chuẩn cơ bản cho các thỏa thuận thương mại trong thế kỷ 21.

So với phiên bản gốc TPP, nội dung CPTPP về cơ bản vẫn giữ các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ. CPTPP chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản, trong đó có những điều khoản nhạy cảm liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ, được coi là giải pháp thỏa hiệp giúp khai thông bế tắc trong đàm phán và bảo đảm hiệp định sớm được triển khai. Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho rằng CPTPP đang trở nên ngày một quan trọng và cho hay CPTPP có thể sẽ có hiệu lực vào nửa đầu năm 2019.

Sau khi ký kết, CPTPP cần phải được thông qua tại ít nhất 6 trong số 11 nước thành viên thì mới chính thức có hiệu lực.

CPTPP là kết quả đạt được của các nước bên lề Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũ bao gồm 12 nước thành viên trong đó có Mỹ. Nước này đã tuyên bố rút khỏi hiệp định vào đầu năm ngoái.

Văn bản cuối cùng của CPTPP đã được các nước thống nhất và công bố chính thức tại New Zealand vào ngày 21/2 năm nay, sau nhiều vòng đám phán do Nhật Bản và Canada dẫn dắt.

Với gần nửa tỷ dân, 11 nước thành viên của CPTPP đóng góp tổng cộng 10.000 tỷ USD, tức hơn 13%, GDP toàn cầu và là một trong 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất hành tinh, theo Reuters.

Tác động tích cực tới Việt Nam

Phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định CPTTP sẽ tác động tích cực tới Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.

hiep dinh cptpp chinh thuc duoc ky ket tai chile

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam ký kết. (Ảnh: Reuters)

Về lĩnh vực kinh tế, do Việt Nam là quốc gia đã tham gia ký vào bản gốc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên những yêu cầu trong Hiệp định CPTPP không gây thêm bất kỳ thách thức mới nào cho Việt Nam.

Trong đó, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam được hưởng trong Hiệp định CPTPP về lĩnh vực kinh tế đó là được tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và được tiếp cận những thị trường như Canada, Mexico, Chile và Peru - những nước mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại.

Đặc biệt, Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Hiệp định CPTPP cũng mở cửa cho các nước và vùng lãnh thổ khác tham gia, trong đó có thể là Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, khi tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam có quyền tiếp cận ưu đãi với khoảng 500 triệu người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới.

Về lĩnh vực chính trị, Hiệp định CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Về lĩnh vực đối ngoại, các yêu cầu trong Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bảo Giang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hiep-dinh-cptpp-chinh-thuc-duoc-ky-ket-tai-chile-46261.html

In bài viết