Unicef: 2017 là năm kinh hoàng đối với trẻ em ở các vùng chiến sự

11:18 | 29/12/2017

Trẻ em bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự ngày càng bị lợi dụng như một thứ vũ khí của chiến tranh. Chúng có thể bị ép tham gia các khóa huấn luyện chiến đấu, bị ép mang bom tự sát và phải làm lá chắn sống... cơ quan bảo vệ quyền trẻ em của LHQ mới đây cảnh báo.

Trong bản báo cáo tổng kết lại năm 2017 như một năm ảm đạm đối với trẻ em ở các vùng chiến sự, Unicef nói rằng các bên tham gia vào xung đột dường như đã phớt lờ các điều luật quốc tế, khiến cho trẻ em thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công đẫm máu.

Các vụ lạm dụng tình dục, ép tổ chức đám cưới, bắt cóc và nạn nô lệ hiện đại đã trở thành vấn đề lan rộng trong các cuộc xung đột xảy ra ở Iraq, Syria, Yemen, Nigeria, Nam Sudan...

unicef 2017 la nam kinh hoang doi voi tre em o cac vung chien su

Một bé gái người Syria phải đi tị nạn khi mới ở độ tuổi lên 5. (Ảnh: AP)

Một số trẻ em, từng bị các tổ chức cực đoan bắt cóc, vẫn tiếp tục bị lạm dụng bởi các lực lượng an ninh khi chúng được trả tự do. Nhiều đứa trẻ khác gián tiếp bị ảnh hưởng bởi tình trạng chiến sự - như suy dinh dưỡng, bệnh dịnh, thiếu lương thực, nước sạch, điều kiện vệ sinh kém.

Theo báo cáo mới nhất mà Unicef công bố, thế giới hiện có khoảng 27 triệu trẻ em mắc kẹt trong các vùng chiến sự và không có cơ hội được đến trường học.

"Trẻ em đang trở thành mục tiêu của các vụ tấn công và tình trạng bạo lực đẫm máu ở ngay tại nhà, trường học và sân chơi của chúng" - Manuel Fontaine, Giám đốc chương trinh khẩn cấp của Unicef, cho hay - "Khi các vụ tấn công cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, chúng ta không thể làm ngơ được nữa".

Phần lớn các cuộc chiến gây ảnh hưởng nặng nề tới trẻ em là các cuộc xung đột kéo dài diễn ra ở châu Phi.

Trong năm 2017, Boko Haram, mổ tổ chức phiến quân hoạt động mạnh ở khu vực các nước gồm Nigeria, Cộng hòa Chad, Niger và Cameroon, đã ép buộc ít nhất 135 trẻ em trở thành kẻ đánh bom tự sát cho tổ chức, con số gần gấp 5 lần nếu so với năm 2016.

Trẻ em cũng bị lạm dụng tình dục, bị sát hại và bị ép buộc phải tham gia các khóa huấn luyện chiến binh ở Cộng hòa Trung Phi sau khi làn sóng xung đột vùng miền ở nước này lan rộng khắp đất nước kể từ sự kiện đảo chính năm 2013.

Tình trạng bạo lực chính trị và quân sự cũng khiến hơn 850.000 trẻ em phải rời bỏ nhà cửa ở đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo, trong khi hơn 200 trung tâm y tế và 400 trường học trở thành mục tiêu tấn công ở nước này.

Ở Somalia, gần 1.800 trẻ em đã bị ép tham gia các khóa huấn luyện để trở thành chiến binh trong khoảng thời gian 10 tháng đầu năm 2017.

Trong khi đó, ở Nam Sudan, hơn 19.000 trẻ em bị ép phải tham gia vào các tổ chức vũ trang tính từ năm 2013 đến nay.

Ở Yemen, 3 năm chiến sự kéo dài đã khiến ít nhất 5.000 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thường, và khoảng 1,8 triệu trẻ em đang trong tình trạng suy dinh dưỡng. Yemen cũng là quốc gia nằm trong diện báo động nhất về tình trạng trẻ em, trong lúc mà dịch tả đang hoành hành và lan rộng.

"2017 là một năm kinh hoàng đối với trẻ em ở Yemen" - Meritxell Relano, nhân viên của Unicef đang hoạt động tại Yemen, nhận xét.

Ngoài ra, trẻ em ở khu vực Trung Đông, Trung Á và Đông Nam Á cũng đang chịu ảnh hưởng từ các cuộc chiến sự.

Ở Iraq và Syria, có nhiều báo cáo cho thấy trẻ em bị lợi dụng làm lá chắn sống, bị mắc kẹt giữa những vùng chiến sự căng thẳng và thường xuyên trở thành mục tiêu của các tay súng bắn tỉa. Trong khi ở Afghanistan, gần 700 trẻ em đã thiệt mạng trong chiến sự chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay.

Unicef đã kêu gọi tất cả các bên trong mọi cuộc xung đột tôn trọng luật nhân quyền quốc tế và ngay lập tức chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào trẻ em cùng các cơ sở hạ tầng dân sự - bao gồm trường học và bệnh viện.

Cơ quan này cũng kêu gọi các quốc gia có tầm ảnh hưởng đối với các bên tham gia xung đột tận dụng tầm ảnh hưởng của họ để bảo vệ trẻ em.

Giáo hoàng Francis, trong thông điệp đưa ra nhân dịp Giáng sinh năn nay, đã thu hút sự chú ý cộng đồng quốc tế về trẻ em ở các vùng chiến sự.

"Chúng ta nhìn thấy Chúa Jesus ở những đứa trẻ trên khắp thế giới, nơi mà hòa bình và an ninh đang bị đe dọa bởi căng thẳng và các cuộc xung đột mới" - Giáo hoàng Francis nói, nhắc tới chiến sự ở Syria, Iraq, Yemen và một số nước châu Phi.

Theo Đại đoàn kết

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/unicef-2017-la-nam-kinh-hoang-doi-voi-tre-em-o-cac-vung-chien-su-46158.html

In bài viết