09:52 | 09/07/2017
![]() |
Hình ảnh Thủ tướng Merkel (áo đỏ) phát biểu xuất hiện trên màn hình lớn. (Ảnh: Reuters)
"Chúng ta (G20) đều nhìn thấy những thách thức lớn đối với toàn cầu và biết rằng thời gian đang rất cấp bách. Và chúng ta chỉ có thể tìm ra giải pháp nếu sẵn sàng thỏa hiệp và chịu nhượng bộ, nhưng không thay đổi (chính sách) quá nhiều, bởi vì tất nhiên chúng ta cũng có sự khác biệt" - bà Merkel phát biểu.
Tuyên bố trên được bà Merkel - Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh G20 - đưa ra tại Trung tâm hội nghị Hamburg. Phát biểu của bà được cho là đã nêu bật sự khác biệt của Mỹ với các nước G20, khi nước này chủ trương bảo hộ kinh tế trong nước và từ chối các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo hãng tin Reuters, trước khi đưa ra tuyên bố, Thủ tướng Merkel đã có cuộc trao đổi chớp nhoáng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó, bà tiếp tục thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![]() |
Bà Merkel trao đổi với ông Trump(phải) và ông Macron. (Ảnh: Reuters)
Bà Merkel, đại diện nước Đức chủ nhà, đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hướng các nước G20 tới việc nhất trí về thương mại, di cư và chống biến đổi khí hậu. Tất cả những vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1 với chính sách "Nước Mỹ là trên hết" (America First).
Tháng trước, ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, nhà lãnh đạo này đang đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại trong lĩnh vực thép mà theo đó có thể gây tổn hại cho Trung Quốc, Đức, Canada và hàng loạt nước thành viên G20.
Được biết, trước thềm hội nghị, các vị đại sứ từ những nước thành viên G20 đã làm việc trong nhiều tuần lễ để góp phần xóa bỏ khác biệt. Một số nguồn tin cho biết các nước này sẽ ra tuyên bố chung mới về vấn đề khí hậu và đệ trình lên các nhà lãnh đạo xem xét, phê duyệt.
![]() |
Các nhà lãnh đạo G20 chụp hình lưu niệm tại hội nghị. (Ảnh: Reuters)
Dự thảo tuyên bố chung mới nhất nhấn mạnh rằng Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là "không thể đảo ngược", nhưng đã loại bỏ một số nội dung tham chiếu về "cách tiếp cận toàn cầu". Theo đó, một vài nước có thể thực hiện các giải pháp song song với những gì được nêu trong thỏa thuận.
Ngoài ra, dự thảo cũng nói rằng Mỹ "sẽ làm việc chặt chẽ hơn với các nước đối tác khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hiệu quả và sạch hơn". Nội dung này có thể sẽ gây nhiều tranh cãi - giới chuyên gia nhận định.
Trước đó, các nhà lãnh đạo nhóm quốc gia BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã kêu gọi G20 đẩy mạnh việc thực thi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp quyết định rút lui của Mỹ.
Hồng Anh