08:58 | 13/04/2017
Đây là lần thứ 8 Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình ở HĐBA để ngăn chặn nỗ lực trừng phạt chính quyền của ông Assad. Trung Quốc, nước từng 6 lần bác bỏ nghị quyết về Syria, đã bỏ phiếu trắng cùng với Ethiopia và Kazakhstan.
Trong dự thảo nghị quyết mới nhất, Mỹ, Pháp và Anh cáo buộc chính quyền của ông Assad tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun của phe đối lập Syria, yêu cầu cung cấp quyền truy cập cho các điều tra viên quốc tế và những thông tin như lịch trình bay của không quân Syria.
Vụ việc ở Khan Sheikhoun hôm 4/4 khiến 87 người chết, bao gồm nhiều trẻ em. Nó đã góp phần hối thúc Mỹ phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân của Syria, làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Washington.
Hôm 12/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng niềm tin giữa 2 nước đã bị "xói mòn" dưới thời người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Cùng ngày, trong cuộc gặp các quan chức Nga, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tuyên bố: mối quan hệ song phương đang ở mức thấp.
![]() |
Phó đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov phát biểu trước HĐBA LHQ hôm 12/4. (Ảnh: Reuters)
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, đã kêu gọi Moscow ngừng bảo vệ ông Assad và cho biết Mỹ muốn hợp tác với Nga để tìm ra giải pháp chính trị cho Syria. "Nếu chế độ của ông Assad vô tội như tuyên bố của Nga, những thông tin được yêu cầu trong nghị quyết sẽ chứng minh điều đó" - bà Haley nhấn mạnh.
Ngược lại, Phó đại sứ Nga tại LHQ, ông Vladimir Safronkov, cho rằng dự thảo nghị quyết đã kết tội chính phủ Syria trước khi tiến hành điều tra độc lập. Ông Safronkov phát biểu: "Tôi ngạc nhiên vì đây (dự thảo) là một kết luận, chưa ai tới hiện trường, làm sao biết được?"
Về phần mình, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft tuyên bố trước HĐBA rằng các nhà khoa học nước này đã tiến hành phân tích mẫu thử lấy từ thị trấn Khan Sheikhoun và cho kết quả dương tính với khí độc sarin. Ông Rycroft cáo buộc chính quyền của ông Assad phải chịu trách nhiệm.
Được biết, một nhóm các chuyên gia thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang tiến hành điều tra thực tế "vụ tấn công bằng vũ khí hóa học" ở thị trấn Khan Sheikhoun, miền Bắc Syria.
Nếu OPCW xác định vũ khí hóa học đã được sử dụng, tổ chức này sẽ phối hợp điều tra chung với LHQ nhằm xác định ai là thủ phạm. Theo OPCW, lực lượng chính phủ Syria từng tấn công bằng khí chlorine năm 2014 và 2015, trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng sử dụng khí độc mù tạt.
Trọng Sang