Pokemon Go – mối nguy từ một trò chơi gây sốt

13:07 | 11/08/2016

TĐO - Đằng sau thứ “ma lực” đang thu hút đông đảo người chơi là nhiều mối lo ngại về Pokemon Go – trò chơi đang “làm mưa làm gió” tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới.

Pokemon Go thu hút người chơi như thế nào?

Chỉ mới chính thức có mặt tại Việt Nam từ 6/8, tuy nhiên Pokemon Go đã lập tức gây nên một cơn sốt thực sự. Những ngày gần đây, cảnh tượng thường thấy là các đám đông thuộc nhiều độ tuổi, tay cầm điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy tính bảng tụ tập lại, thảo luận sôi nổi về trò chơi.

Có thể thấy, ngoài yếu tố hoài cổ đối với những thế hệ 8x, 9x vốn quen thuộc với tựa game tiền thân của Pokemon Go ra đời từ năm 1995, trò chơi này còn có nhiều yếu tố dễ thu hút người chơi, thậm chí là gây nghiện.

pokemon go moi nguy tu mot tro choi gay sot

Giới trẻ đặc biệt ưa thích tựa game Pokemon Go

Đây là trò chơi đầu tiên sử dụng thành công ứng dụng tương tác ảo (augmented reality), mà trong đó điểm mấu chốt là sự kết hợp giữa thế giới ảo của những con pokemon tưởng tượng với thực tế quen thuộc là các địa điểm vật lý.

Tâm lý cạnh tranh, tâm lý tích góp, những thách thức và sự khó đoán cũng là nhân tố tạo ra sức hấp dẫn của trò chơi. Ngoài ra, tính tương tác cao giữa các người chơi, tâm lý đám đông đã góp phần khiến Pokemon Go sớm trở thành tựa game gây nghiện hàng đầu.

Đối với những quốc gia có dân số trẻ và nhanh nhạy với truyền thông xã hội (Facebook, Twitter, Instagram…) như Việt Nam, việc Pokemon Go cho phép người chơi chia sẻ xếp hạng và chiến tích của mình được cho là một yếu tố rất tích cực.

Những mối nguy từ Pokemon Go

Trên thực tế, Pokemon Go có thể dẫn tới một số sự cố ngoài ý muốn. Để có thể “lên cấp” (tăng level) trong trò chơi, người chơi sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ, trong đó có việc săn tìm những con thú ảo thông qua việc liên tục di chuyển.

Việc người chơi dán mắt vào màn hình smartphone, đi tới đi lui để săn lùng pokemon ẩn chứa mối nguy hiểm về an toàn giao thông. Không phải người chơi nào cũng có ý thức dừng xe đúng lúc và đúng chỗ, đảm bảo an toàn rồi mới mở điện thoại lên để “bắt” thú ảo.

Mặt khác, vì tốn thời gian chơi game, không chỉ học sinh mà cả giới nhân viên văn phòng, công nhân… trẻ có thể sao nhãng học hành, công việc, ảnh hưởng trực tiếp tới chính bản thân.

pokemon go moi nguy tu mot tro choi gay sot

Người chơi Pokemon Go cùng tập trung tại một địa điểm


Tại Hà Nội, trang webtretho từng ghi nhận việc phụ huynh báo con mình học lớp 7 mất tích, nhưng hóa ra cậu ta… đang đi tìm pokemon. Ở TP.HCM, một cô giáo mầm non do mải chơi Pokemon Go, không có mặt đúng vị trí để đón bé vào lớp, dẫn tới việc bị trừ lương, bị cấm dùng smartphone ở trường.

Ngoài ra, việc người chơi buộc phải liên tục giơ điện thoại ra phía trước để chơi Pokemon Go tiềm ẩn nguy cơ bị cướp giật rất cao, có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến tình trạng ùn tắc tại nhiều địa điểm mà người dân tập trung đứng ở vỉa hè, đỗ xe ngay dưới lòng đường để bắt pokemon.

Tại những nước mà trò chơi chưa được phát hành chính thức, nhiều người đang tìm mọi cách để có thể tải về, trải nghiệm Pokemon Go. Tất nhiên, cái giá của việc chơi “lậu” này là nguy cơ nhiễm vô số mã độc, có thể bị kẻ xấu lợi dụng để tấn công tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân…

Để tham gia, người chơi cần bật tính năng định vị và camera để trò chơi xác định địa điểm chính xác nhằm hiển thị các con thú ảo, khu vực có Gym, PokeStop... Do đó, không ít chuyên gia bảo mật lo ngại game sẽ thu thập vị trí của người chơi và làm lộ những địa điểm quan trọng, nhạy cảm.

Các quốc gia trên thế giới đối phó với Pokemon Go như thế nào?

Hôm 7/8, Iran trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức cấm chơi Pokemon Go. Theo báo Guardian của Anh, lệnh cấm được chính phủ Iran ban hành xuất phát từ mối lo ngại về vấn đề an ninh và bảo mật, nhất là công nghệ định vị theo thời gian thực của trò chơi này.

Cũng vì lý do trên, Israel và một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm binh sĩ chơi Pokemon GO bên trong doanh trại quân đội. Giới chức các nước này lo ngại những hình ảnh do trò chơi ghi lại được sẽ làm lộ bí mật quân sự.

Trước đó, hôm 20/7, Ả Rập Saudi tuyên bố xem xét khôi phục một dự luật trong đó quy định các trò chơi liên quan tới pokemon là “phi đạo Hồi”. Nếu luật này được khôi phục, việc Pokemon Go bị “cấm cửa” tại Ả Rập Saudi là lẽ đương nhiên.

pokemon go moi nguy tu mot tro choi gay sot

Bạn có thể bị cướp khi giơ điện thoại ra phía trước để bắt pokemon


Tại Mỹ - một trong những nước đầu tiên được chơi Pokemon Go – đã xuất hiện nhiều lệnh cấm với trò chơi này. Giới chức an ninh Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng: kẻ xấu có thể “dụ” người chơi tới những địa điểm định sẵn để cướp giật.

Nhà chức trách Indonesia vừa ra lệnh cấm cảnh sát chơi Pokemon Go trong lúc làm nhiệm vụ, đồng thời Bộ Quốc phòng nước này cũng yêu cầu binh sĩ không chơi game bằng điện thoại vì lý do an ninh.

Thái Lan tỏ ra lo ngại trước cơn sốt Pokemon Go – người phát ngôn chính phủ Thái Lan, ông Sansern Kaewkumnerd nhấn mạnh. Ngoài các vùng cấm, nước này còn lên kế hoạch phát hành sách cảnh báo người chơi, thậm chí giới hạn thời gian chơi Pokemon Go mỗi ngày.

Trong khi đó, theo tờ Straits Times, chính quyền Singapore đang theo dõi ảnh hưởng của game đối với người dân trước khi đưa ra quyết định.

Lời cảnh báo từ các chuyên gia

"Chơi Pokemon Go có thể tàn phá trí não trẻ và làm chúng phát điên. Chúng ta phải thực hiện những biện pháp ngăn chặn sớm…” Bộ trưởng Bảo vệ trẻ em và phụ nữ Indonesia, bà Yohana Yembisa phát biểu.

Tiến sĩ Fred Volkmar từ Trung tâm nghiên cứu trẻ em Yale, cảnh báo cạm bẫy của các trò chơi với trẻ em: “Vấn đề với Pokemon là ảnh hưởng đến việc học về thế giới của trẻ. Nếu bạn có thể biến trò chơi thành một chức năng hỗ trợ giáo dục thì rất tốt. Nhưng khi trẻ chỉ quan tâm đến việc chơi và trở nên bị cô lập nhiều hơn, nó không còn tốt nữa”.



Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/pokemon-go-moi-nguy-tu-mot-tro-choi-gay-sot-44923.html

In bài viết