Những thủ đoạn trốn thuế và rửa tiền thường gặp

15:23 | 04/04/2016

Tài liệu Panama Papers đang thu hút sự chú ý của mọi phương tiện truyền thông thế giới, sau khi đó hé lộ hoạt động “lách luật” nhằm trốn thuế và rửa tiền của hàng trăm chính trị gia.

Vậy, làm thế nào để những người này có thể lợi dụng kẽ hở luật pháp ở các “thiên đường thuế” nước ngoài? Theo các chuyên gia của truyền hình BBC, dù bạn là ai, hay đến từ đâu, đang làm chủ một doanh nghiệp hay là người đứng đầu đất nước, các phương pháp “lách luật” đều khá giống nhau:

Những công ty vỏ bọc

Về hình thức, công ty vỏ bọc (SC) cũng giống như một doanh nghiệp hợp pháp. Tuy vậy, trên thực tế, nó chẳng hoạt động gì nhưng vẫn sinh lời, trong khi che giấu danh tính thực sự của người sở hữu tiền.

Người đứng ra quản lý một SC có thể là luật sư, kế toán…, những đối tượng hầu như không làm gì khác ngoài việc ký kết và đứng tên các loại giấy tờ. Chính vì thế, cơ quan chức năng sẽ khó điều tra ra chủ sở hữu thực sự, hoặc người kiểm soát tiền bạc của công ty.

Một vài cá nhân, vì lý do nào đó, sẽ trả tiền cho đội ngũ quản lý nói trên để che giấu tài sản thực khỏi nhà chức trách. Trong một số trường hợp, họ không muốn để vợ cũ của mình phát hiện ra khối tài sản bí mật này.

Các “thiên đường thuế” ở nước ngoài

nhung thu doan tron thue va rua tien thuong gap

Quần đảo Virgin của Anh được cho là một “thiên đường thuế” hấp dẫn

Khi đã sở hữu một SC, bạn chắc chắn sẽ không muốn đặt trụ sở tại London (Anh) hay Paris (Pháp), bởi các nhà chức trách ở đây có đủ quyền hạn để “khui ra” danh tính chủ sở hữu thực sự của công ty. Đó là lý do bạn cần tới một trung tâm tài chính nước ngoài, hay còn được gọi là “thiên đường thuế”.

Chúng thường đặt tại những quốc đảo nhỏ, với nhiều ngân hàng bí mật và các khoản thuế cực thấp, hoặc không tồn tại trên các giao dịch tài chính. Có thể kể đến quần đảo Virgin (Anh), Macau, Bahamas và Panama. Thậm chí, một số nơi còn hợp pháp hóa việc giữ bí mật chủ sở hữu doanh nghiệp, trở thành những điểm đến hấp dẫn cho các đối tượng muốn trốn thuế, rửa tiền.

Cố phiếu, trái phiếu vô danh

nhung thu doan tron thue va rua tien thuong gap

Trái phiếu vô danh có thể được sử dụng để rửa tiền

Cổ phiếu và trái phiếu vô danh (không ghi tên người sở hữu) cũng là một phương tiện hữu hiệu để trốn thuế và rửa tiền. Người ta có thể dễ dàng giữ lượng tiền lớn trong tay, mà cũng rất dễ chối bỏ quyền sở hữu nếu gặp rắc rối.

Giả sử bạn lưu giữ trái phiếu tại một văn phòng luật ở Panama, ai biết được rằng đó là tài sản của bạn. Thậm chí họ còn chẳng thể khẳng định là nó tồn tại. Điều này cũng giải thích vì sao chính phủ Mỹ ngừng bán trái phiếu vô danh từ năm 1982. Họ nhận ra chúng sẽ tiếp tay cho kẻ gian.

Rửa tiền

Đây chính là hành vi hợp thức hóa “tiền bẩn” để có thể sử dụng mà không bị nghi ngờ. “Tiền bẩn” thường có nguồn gốc từ các hoạt động phạm tội, hoặc tham nhũng.

Bạn có thể gửi “tiền bẩn” cho một công ty ở “thiên đường thuế” nào đó, rồi tiền sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu không ghi tên, thuộc sở hữu của một công ty vỏ bọc mà chẳng mấy người biết đến. Cuối cùng, bạn có thể sử dụng chúng một cách hợp pháp.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-thu-doan-tron-thue-va-rua-tien-thuong-gap-44355.html

In bài viết