Khủng hoảng hạt nhân: Mỹ khó có thể đạt thỏa thuận với Triều Tiên

10:40 | 27/02/2016

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Triều Tiên ngày càng trầm trọng, có nguy cơ thổi bùng lên các xung đột quân sự trong khu vực, một câu hỏi được đặt ra: tại sao Mỹ không thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên như từng áp dụng thành công với Iran?

khung hoang hat nhan my kho co the dat thoa thuan voi trieu tien

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Triều Tiên ở Thủ đô Seoul, ngày 22/2. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Triều Tiên liên tục thách thức thế giới bằng các vụ thử bom hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo, bất chấp nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ). Chính sách ưu tiên quân sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại rằng, Bình Nhưỡng có thể phát động tấn công nhằm vào Mỹ và các “kẻ thù” khác.

Hàng loạt cuộc thương lượng về việc giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên – đặc biệt là đàm phán 6 bên (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) – đều rơi vào ngõ cụt. Năm 2012, Bình Nhưỡng ra tuyên bố, tự nhận là một quốc gia hạt nhân, mặc cho quốc tế trừng phạt.

Về tổng thể, chương trình hạt nhân của Iran cũng gây lo ngại không kém cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, năm ngoái, nhóm P5 +1 (các nước thuộc Hội đồng Bảo an LHQ và Nga) đạt được thỏa thuận lịch sử với Tehran, trong đó nước này chấp nhận tạm ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Tan Ming Hui thuộc Đại học Công nghệ Nanyana (Singapore), Mỹ dù muốn, cũng rất khó có thể đạt được thỏa thuận với Triều Tiên như từng đạt được với Iran. Dưới đây là 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, khả năng nối lại đàm phán 6 bên là khó xảy ra. Các bên liên quan yêu cầu những điều kiện tiên quyết trước khi bước vào đàm phán, nhưng các yêu cầu này lại đối nghịch nhau.

khung hoang hat nhan my kho co the dat thoa thuan voi trieu tien

Một cuộc đàm phán 6 bên tổ chức tháng 7/2008 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/Getty Images)

Mỹ muốn Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và cam kết phi hạt nhân hóa, trước khi loại bỏ các biện pháp trừng phạt và xem xét tiến tới hiệp ước hòa bình. Ngược lại, Bình Nhưỡng muốn các nước dỡ bỏ trừng phạt và thương lượng hiệp ước, trước khi đàm phán.

Hồi đầu tháng trước, 2 bên từng “xuống nước” khi Triều Tiên đề xuất xúc tiến thương lượng hiệp ước hòa bình, khiến Mỹ chỉ yêu cầu đưa chương trình vũ khí hạt nhân lên bàn đàm phán, chứ không nhất quyết buộc Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên không chấp thuận, và tiếp tục thử hạt nhân, phóng tên lửa, khiến khủng hoảng thêm trầm trọng.

Thứ 2, Iran và Triều Tiên là 2 trường hợp có nhiều điểm khác nhau, do đó Mỹ không thể áp dụng cùng một chiến lược để thương lượng thành công với cả 2.

khung hoang hat nhan my kho co the dat thoa thuan voi trieu tien

Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa xuất hiện trên truyền hình Hàn Quốc

Tehran chưa đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng đã sở hữu một kho vũ khí – được nước này coi như công cụ đàm phán hiệu quả để đổi lấy viện trợ và giúp đỡ của quốc tế.

Ngoài ra, Triều Tiên ít phụ thuộc vào thương mại với nước ngoài, ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính quốc tế. Ngược lại, Iran “sống nhờ” vào xuất khẩu năng lượng. Chưa kể, Bình Nhưỡng được Trung Quốc hỗ trợ kinh tế, còn Tehran hầu như bị cô lập.

Trung Quốc là đồng minh duy nhất, đối tác thương mại lớn nhất và nguồn cung thực phẩm chủ yếu của Triều Tiên. Chính vì vậy, Bắc Kinh cũng là nước duy nhất có ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng. Trước nay, Trung Quốc luôn kêu gọi giải quyết khủng hoảng bằng giải pháp chính trị, thay vì trừng phạt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ và các nước vừa đệ trình lên LHQ dự thảo nghị truyết trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, nỗ lực của Trung Quốc là không đủ để cứu vãn tình hình. Theo nhận định của giới chuyên gia, trong thời gian tới, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục rơi vào thế bế tắc.

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khung-hoang-hat-nhan-my-kho-co-the-dat-thoa-thuan-voi-trieu-tien-44184.html

In bài viết