Gần 30 năm tranh đấu vì quyền được lái xe của phụ nữ Ả Rập Saudi

16:12 | 25/06/2018

TĐO - Ngày 24/6, lệnh cấm lái xe kéo dài nhiều thập kỷ đối với phụ nữ Ả Rập Saudi chính thức được bãi bỏ. Đây được coi là chiến thắng đầy ý nghĩa sau nhiều năm tranh đấu của các nhà hoạt động vì nữ quyền ở quốc gia giàu truyền thống này.

Theo kênh truyền hình địa phương Al Arabia, từ 0h00 ngày 24/6 (giờ địa phương), lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Ả Rập Saudi được phép lái xe sau khi lệnh cấm được chính thức bãi bỏ. Trước đó, nếu bị bắt gặp ngồi sau vô lăng, họ sẽ bị phạt tiền từ 500 tới 900 Riyal (khoảng 3,5 - 5,5 triệu đồng).

Hồi tháng 9/2017, Quốc vương Ả Rập Saudi, ông Salman Bin Abdul-Aziz al Saud đã ký Nghị định cho phép phụ nữ nước này điều khiển xe có động cơ. Sau đó, Chính phủ Ả Rập Saudi tuyên bố, Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 24/6/2018.

Động thái này là một phần trong những nỗ lực thay đổi xã hội sâu rộng của Thái tử Mohammed bin Salman, khi ông tìm cách giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế đất nước vào kim ngạch xuất khẩu dầu và mở cửa xã hội theo hướng hiện đại hơn.

gan 30 nam tranh dau vi quyen duoc lai xe cua phu nu a rap saudi

Một phụ nữ Ả Rập Saudi tươi cười khi được phép lái xe. Ảnh Reuters.

Bất chấp thực trạng Ả Rập Saudi đang là một trong những quốc gia khắt khe nhất đối với phụ nữ, việc nước này cho phép nữ giới lái xe vẫn được coi là thắng lợi to lớn của những nhà hoạt động vì nữ quyền. Dưới đây là những cột mốc đáng chú ý nhất trong hành trình gần 30 năm tranh đấu vì quyền được lái xe của phụ nữ Ả Rập Saudi:

Ngày 6/11/1990: Hơn 40 phụ nữ Ả Rập Saudi lái xe xuống đường ở Thủ đô Riyadh trong cuộc biểu tình công khai đầu tiên nhằm chống lại lệnh cấm. Họ bị bắt giam 1 ngày, bị tịch thu hộ chiếu và một số đã bị mất việc.

Tháng 9/2007: Nhóm các nhà hoạt động vì nữ quyền do bà Wajeha al-Huwaider và Fawzia al-Uyyouni dẫn đầu đã nộp đơn thỉnh nguyện kèm theo hơn 1.000 chữ ký lên Quốc vương Ả Rập Saudi lúc bấy giờ, yêu cầu được phép lái xe.

Ngày 8/3/2008: Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, bà Huwaider quay phim chính mình đang lái xe, sau đó đăng tải đoạn video này lên YouTube:

Ngày 17/6/2011: Lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy "Mùa xuân Ả Rập", Manal al-Sharif và các nhà hoạt động khác đã phát động chiến dịch trên mạng xã hội Facebook với tên gọi "Women2Drive". Trong vòng 2 tuần, đã có khoảng 70 trường hợp phụ nữ lái xe được ghi nhận trên toàn quốc và một số đã bị bắt giữ.

Ngày 26/10/2013: Hàng chục phụ nữ Ả Rập Saudi cùng ngồi sau tay lái, chia sẻ hình ảnh và phát video trực tuyến hành động lái xe của mình bất chấp phản ứng của các nhà chức trách. Nhiều người đã bị phạt tiền, tạm giam và thậm chí là bị tịch thu phương tiện.

Ngày 30/11/2014: Hai nhà hoạt động Loujain al-Hathloul và Maysaa al-Amoudi đã bị giam giữ trong vòng 73 ngày bởi cáo buộc khủng bố, sau khi họ cố gắng lái xe từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Ngày 26/9/2017: Khi Quốc vương Salman chuẩn bị ra Nghị định cuối cùng cho phép phụ nữ lái xe, ít nhất 20 nhà hoạt động được yêu cầu không bình luận về quyết định lịch sử này. Tuy vậy, một số người vẫn dũng cảm lên tiếng.

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gan-30-nam-tranh-dau-vi-quyen-duoc-lai-xe-cua-phu-nu-a-rap-saudi-42351.html

In bài viết