Hàng trăm triệu người có thể bị suy dinh dưỡng vì trái đất nóng lên

16:44 | 02/08/2017

TĐO - Báo cáo mới đây trên tạp chí Environmental Research Letters cho biết: vào năm 2050, sẽ có thêm 150 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ thiếu chất đạm (protein) bởi các cây trồng bị ảnh hưởng từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

hang tram trieu nguoi co the bi suy dinh duong vi trai dat nong len

Nông dân Ấn Độ cấy lúa trên một cánh đồng ở ngoại ô Amritsar

Báo cáo được các chuyên gia thuộc Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện và là nghiên cứu đầu tiên định lượng tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với tỷ lệ protein trong cây trồng. Kết quả nghiên cứu dựa trên các thí nghiệm trên đồng ruộng, khi thực vật bị đưa vào môi trường có nồng độ carbon dioxide (CO2) cao.

Theo nghiên cứu, sự nóng lên toàn cầu, đi kèm hiện tượng gia tăng nồng độ CO2 trong không khí, sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ protein trong các cây lương thực chủ chốt như lúa gạo và lúa mì. Đồng thời, tỷ lệ các khoáng chất quan trọng như sắt và kẽm cũng bị sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa rõ làm thế nào và tại sao CO2 lại làm giảm protein và các chất dinh dưỡng khác của thực vật. Tuy nhiên, hậu quả mà nó gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người dân thế giới đang sống nhờ vào các cây lương thực chính.

hang tram trieu nguoi co the bi suy dinh duong vi trai dat nong len

Lúa gạo vẫn là một trong những nguồn lương thực chủ yếu của người dân thế giới

Giả thuyết hàng đầu là CO2 có thể làm tăng lượng tinh bột trong thực vật, do đó làm giảm protein và các chất dinh dưỡng khác. Mặc dù vậy, Samuel Myers, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng kết quả thực nghiệm không ủng hộ lý thuyết này.

Các chuyên gia tính toán rằng đến năm 2050, nồng độ CO2 cao sẽ làm giảm hàm lượng protein trong lúa mạch 14,6%; lúa gạo 7,6%, lúa mì 7,8% và khoai tây 6,4%. Theo dự kiến, dân số tương đương 18 quốc gia sẽ mất đi 5% lượng protein của họ, xấp xỉ 150 triệu dân - báo cáo cho hay.

Hiện, có khoảng 76% dân số thế giới sống dựa vào thực vật với lượng protein hàng ngày lấy hầu hết từ các cây lương thực, đặc biệt là những người sinh sống tại các khu vực nghèo.

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất dự kiến là Tiểu vùng Sahara châu Phi - nơi mà hàng triệu người vẫn chưa có đủ lượng protein cần thiết, và Nam Á - nơi lúa gạo và lúa mì là những nguồn lương thực chủ chốt. Chỉ tính riêng Ấn Độ, số người bị thiếu protein có thể đạt tới 53 triệu người.

hang tram trieu nguoi co the bi suy dinh duong vi trai dat nong len

Khí thải carbon là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu

Trước đó, theo nghiên cứu của các cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, nếu không có đủ protein, con người sẽ chậm phát triển, còi cọc, dễ bị mắc bệnh hơn và thậm chí rất dễ bị chết sớm.

Các tác giả của báo cáo đã đề xuất một số giải pháp: cắt giảm lượng khí thải carbon, hỗ trợ chế độ ăn đa dạng hơn, làm phong phú thêm hàm lượng dinh dưỡng của các cây lương thực chủ yếu và canh tác cây ít bị nhạy cảm trước tác hại của CO2.

CO2 là sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, làm giữ nhiệt xung quanh trái đất. Nếu không có những hành động mạnh mẽ và kịp thời, lượng khí thải CO2 sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, làm nước biển dâng, nhiệt độ tăng và dẫn tới nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hang-tram-trieu-nguoi-co-the-bi-suy-dinh-duong-vi-trai-dat-nong-len-42308.html

In bài viết