Hàng chục nghìn lao động nhập cư trốn chạy khỏi Thái Lan

08:29 | 04/07/2017

TĐO - Quy định về lao động mới đã khiến cộng đồng người nhập cư ở Thái Lan hoang mang và hoảng sợ. Hàng chục nghìn người lao động đã bỏ trốn khỏi nước này, phần lớn trở về nhà tại các nước láng giềng.

hang chuc nghin lao dong nhap cu tron chay khoi thai lan

Hàng chục nghìn lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan chỉ trong chưa đầy 1 tuần lễ

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan Pornchai Kuntee cho biết: từ 23 - 28/6, đã có khoảng 60.000 lao động nhập cư rời khỏi nước này và số người rời đi vẫn đang tiếp tục gia tăng. "Họ thuộc mọi quốc gia, nhưng nhóm lớn nhất tới từ Myanmar. Có lẽ họ rất sợ hãi" - ông Pornchai nhận định.

Theo nghị định mới, các nhà tuyển dụng thuê lao động nước ngoài không đăng ký mà không được cấp phép có thể bị phạt tiền lên đến 800.000 baht (khoảng 23.557 USD). Mặc dù chính phủ Thái Lan hôm 30/6 tuyên bố sẽ trì hoãn việc thực thi nghị định trong vòng 120 ngày, nhiều lao động nhập cư không dám ở lại.

Geta Devi (28 tuổi), một công nhân Myanmar đang cư trú tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), chia sẻ rằng một số bạn bè của cô đã hoảng sợ trước nghị định nêu trên. Theo lời kể của cô, nhiều người đã hồi hương trở về quê nhà ở Myanmar.

hang chuc nghin lao dong nhap cu tron chay khoi thai lan

Nhiều lao động nước ngoài ở Thái Lan là trẻ em

Theo ông Chin Piseth, Phó Chánh văn phòng Quan hệ Biên giới Thái Lan - Campuchia của quân đội Campuchia, có khoảng 500 lao động nhập cư từ Campuchia trở về quê hương từ Thái Lan. Khi được hỏi, ông nói rằng có khoảng 400 - 500 người bị chính quyền Bangkok trục xuất.

Chuyên gia người Anh Andy Hall, người đã theo dõi làn sóng di cư ở Thái Lan suốt hơn 10 năm qua, cho rằng quy định mới đã làm tổn thương tới cộng đồng lao động nhập cư. Theo chuyên gia đã cộng tác nhiều năm với các công nhân Myanmar này, chắc chắn sẽ có "hàng chục nghìn lao động phải rời đi".

Ông Hall cũng cảnh báo về nguy cơ hoảng loạn và biến động lớn đối với nền kinh tế Thái Lan. Mặc dù có thể bị trừng trị nhưng các quan chức "tham nhũng" sẽ lợi dụng quy định mới để đòi tiền hối lộ, thu về "những khoản lợi nhuận khổng lồ" - chuyên gia người Anh nhấn mạnh.

Hồi tháng trước, Mỹ đã liệt Thái Lan vào danh sách đen các quốc gia cần theo dõi nạn buôn bán người, cho rằng Bangkok không đáp ứng đủ các tiêu chí tối thiểu để chấm dứt tình trạng này. Ngược lại, Thái Lan khẳng định đã nỗ lực hết sức và kêu gọi các quan chức Mỹ tới thăm và đánh giá lại.

hang chuc nghin lao dong nhap cu tron chay khoi thai lan

Ngành khai thác hải sản của Thái Lan phụ thuộc lớn vào lực lượng lao động nước ngoài

Hiện, hàng triệu công nhân tới từ các nước láng giềng nghèo hơn như Campuchia và Myanmar đang là "xương sống" trong lực lượng lao động thủ công của Thái Lan. Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp của nước này như khai thác hải sản, có trị giá nhiều tỷ USD, cũng dựa nhiều vào lao động nước ngoài.

Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế, có hơn 3 triệu lao động nhập cư đang làm việc tại Thái Lan trong các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu còn đưa ra con số cao hơn nhiều.

Kể tử khi nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan đã phần nào đạt được thành công trong việc điều tiết lực lượng lao động nước ngoài. Dù vậy, truyền thông nước này từng cảnh báo: nhiều lao động nhập cư trái phép vào Thái Lan đã bị lạm dụng hoặc bóc lột sức lao động.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hang-chuc-nghin-lao-dong-nhap-cu-tron-chay-khoi-thai-lan-42282.html

In bài viết