11:00 | 29/03/2017
Bẫy camera đã ghi hình được một quần thể nhỏ với ít nhất 6 con hổ Đông Dương. Đây là kết quả khảo sát của tổ chức chống buôn lậu động vật quý hiếm Freeland và nhóm bảo tồn động vật họ mèo hoang dã Panthera, với sự hỗ trợ từ các vườn quốc gia của Thái Lan.
Nạn săn bắt trộm và tình trạng mất môi trường sống đã làm giảm số lượng của loài hổ quý hiếm này xuống dưới 250 con. Trước kia, chỉ có một quần thể hổ Đông Dương khác, cũng tại một vườn quốc gia của Thái Lan, được biết đến.
Quần thể hổ mới được phát hiện là một thành công trong nỗ lực bảo tồn động vật quý hiếm ở Thái Lan. Ông John Goodrich, Giám đốc chương trình hổ thuộc Panthera, nhận xét: "Sự phục hồi phi thường của loài hổ ở miền Đông Thái Lan không phải là một điều kỳ diệu".
Trong khi đó, ông Songtam Suksawang, giám đốc một vườn quốc gia ở Thái Lan, cho biết: "Việc tăng cường tuần tra chống săn bắt trộm và các nỗ lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn loài hổ, bằng cách đảm bảo môi trường sống an toàn cho chúng".
![]() |
Một cá thể hổ Đông Dương mới được phát hiện tại miền Đông Thái Lan. (Ảnh: Freeland)
Theo tuyên bố chung của 2 tổ chức Freeland và Panthera, số lượng hổ trong tự nhiên đã giảm từ 100.000 cá thể của thế kỷ trước tới 3.900 con hiện nay. Vì thế, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực và cảnh giác với mối đe dọa từ những kẻ săn trộm có vũ trang.
Trong khu vực, Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên chặt phá rừng quá bừa bãi, tới mức nước này đã phải cấm khai thác gỗ từ những năm 1980. Thái Lan cũng là một trong số những nước đầu tiên thành lập vườn quốc gia, dù ban đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lâm tặc và săn bắt trái phép.
Cùng thời điểm, Campuchia, Lào, Myanmar và thậm chí cả Việt Nam vẫn còn rất nhiều rừng nguyên sinh, với quần thể hộ lớn mạnh. Hổ ít xuất hiện tại Thái Lan tới mức đầu những năm 2000, nhiều người cho rằng chúng đã gần như tuyệt chủng.
Tuy nhiên, kể từ đó, nạn khai thác trái phép đã làm cạn kiệt các cánh rừng và quần thể hổ ở những quốc gia khác. Hổ Đông Dương bị coi là đã tuyệt chủng tại Campuchia, Lào và Việt Nam cũng như gần tuyệt chủng ở miền Đông Myanmar. Ở phía Tây Myanmar, chỉ có hổ Bengal còn tồn tại.
Ngược lại, các nỗ lực bảo tồn đã góp phần giúp quần thể nhỏ bé hổ Đông Dương ở Thái Lan dần phục hồi. Với những vườn quốc gia đang được bảo vệ nghiêm ngặt, Thái Lan đã bất ngờ trở thành "mái nhà" cuối cùng cho loài hổ Đông Dương.
Hồng Anh